ClockChủ Nhật, 07/05/2023 11:11

Đồng điệu tri âm

TTH - Nằm trong khuôn khổ hoạt động Đêm Hoàng thành trên phố đi bộ Lê Huân, chương trình ca Huế do Câu lạc bộ Ca Huế đảm nhiệm là một nét văn hóa khá đặc biệt và thu hút một số đông khán giả yêu thích bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Bảo tồn ca Huế trước nhiều thách thứcHấp dẫn & thu hút cộng đồng từ không gian mởSâu lắng tiếng lòng người nữ

leftcenterrightdel
 Biểu diễn ca Huế trong Đêm Hoàng thành

Mặc dù không thường xuyên do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết vì phải biểu diễn ngoài trời, nhưng tình yêu ca Huế của khán giả đến với những đêm diễn luôn để lại một ấn tượng thật đẹp trong lòng các nghệ sĩ. Họ có thể là những du khách nước ngoài, là những người đã có tuổi hay bạn trẻ, những em bé ngây thơ còn chưa biết khái niệm, cảm nhận về ca Huế, nhưng những ánh mắt say sưa và nghiêm túc khi xem các nghệ sĩ biểu diễn, thì quả thật đó là những người tri âm đích thực của ca Huế.

Điều đáng chú ý là những tiết mục ca Huế biểu diễn trong chương trình Đêm Hoàng thành gồm những bài bản lớn, nội dung phù hợp với không gian di tích lịch sử Kinh thành Huế; ngợi ca các nhân vật lịch sử, các nhà yêu nước... Qua những bài ca Huế, du khách, người mộ điệu hiểu sâu thêm về Kinh thành Huế, quý trọng cảnh và người chốn Thần kinh văn vật.

Đúng 20 giờ mới biểu diễn, nhưng những khán giả từ lâu đã quen với sân khấu trước cửa Chương Đức đã có mặt ở đó từ rất sớm. Bà Nguyễn Thị Huế (đường Ngô Thời Nhậm) dắt thêm hai đứa cháu đi xem, vừa phe phẩy quạt giấy vừa vui vẻ bắt chuyện. Bà bảo, vốn mê ca Huế từ nhỏ nhưng không có điều kiện để đi nghe ca Huế. Lâu nay chỉ xem trên tivi, nay được nhìn những nghệ sĩ bằng xương bằng thịt, trực tiếp nghe họ ca thì thích lắm. Trước nay bà luôn nghĩ các nghệ sĩ luôn giữ khoảng cách với khán giả, nhưng giờ thì bà đã quen thuộc từng gương mặt mỗi người. Bà cũng mạnh dạn đến giao lưu, chụp hình với họ mỗi đêm.

Mặc dù trong đêm diễn các nghệ sĩ đều có một số tiền bồi dưỡng khiêm tốn từ Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế, nhưng thấu hiểu những khó khăn về đời sống của các nghệ sĩ vì yêu nghề đã biểu diễn miễn phí vào tối thứ ba hàng tuần tại Thính phòng 25 Lê Lợi, nên một khán giả đã tự nguyện làm một chiếc thùng carton nhỏ có ghi dòng chữ Đồng Điệu Tri Âm mang đến. Họ khích lệ các nghệ sĩ đồng ý đặt ở đó trong đêm diễn để có thêm một số tiền ủng hộ từ khán giả. Trước sự tha thiết chân thành ấy, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đã không thể từ chối và từ đó chiếc thùng giấy xinh xinh là nơi bày tỏ sự mến mộ và tình yêu ca Huế của khán giả trong mỗi đêm diễn.

Sự ấm áp từ phía khán giả luôn mang lại niềm hạnh phúc cho các nghệ sĩ bằng những điều tưởng như vô cùng giản đơn. Đó là, mỗi khi đến nơi diễn đã có một số khán giả ngồi chờ trên những chiếc ghế đá quanh đó. Ngoài những khán giả ở gần đã thông thuộc lịch diễn, còn có những du khách đến từ nhiều nước trên thế giới. Họ háo hức hỏi mấy giờ thì biểu diễn rồi chờ đợi, hỏi tên từng nhạc cụ, có người thích thú nhìn ngắm các nghệ sĩ mặc trang phục truyền thống. Họ xin phép được sờ chiếc khăn vành, khăn mấn của diễn viên, và tìm hiểu những điều chưa biết về nghệ thuật ca Huế.

Các nghệ sĩ tâm sự, niềm hạnh phúc lớn nhất của họ sau mỗi đêm diễn không chỉ là số tiền thù lao nho nhỏ để bồi dưỡng thanh sắc, mà là hình ảnh rất đời thường, tình cảm của những tri âm đồng điệu. Đó là một cụ bà mái tóc bạc phơ, mỗi đêm diễn bà đều có mặt ở đó. Tay vịn vào gốc cây, lưng hơi còng, bà đứng nghe ca Huế từ đầu đến cuối. Đó là hình ảnh một người đàn ông trung niên đẩy mẹ ngồi trên xe lăn đều đặn đến nghe ca Huế. Cử chỉ hiếu thuận, anh ân cần đứng bên xe mẹ và hai mẹ con say sưa nghe đến tiết mục cuối cùng. Đó là những hình ảnh dễ thương từ các khán giả nhí. Có em chăm chú lắng nghe, cũng có những em bé hồn nhiên chạy chơi lăng xăng quanh đó, có em thay cha mẹ lễ phép đến thả tiền vào chiếc thùng Đồng Điệu Tri Âm. Vợ chồng anh chị Minh Tâm tâm sự: Mặc dù tuổi còn nhỏ có thể chưa hiểu về bộ môn nghệ thuật mang tính bác học này, nhưng anh chị vẫn dắt hai con theo để chúng được nghe ca Huế. Anh muốn các con làm quen và dần dần thẩm thấu môn nghệ thuật này. Từ đó biết tự hào, yêu quý hơn nền văn hóa nghệ thuật phi vật thể của quê hương mình.

Ca Huế vốn đã kén người nghe và với tiêu chí đem ca Huế lan tỏa, việc biểu diễn mà không bán vé trong suốt gần 10 năm qua là một việc làm đầy trách nhiệm, đáng ghi nhận của Câu lạc bộ Ca Huế Thính phòng.

Những tình cảm của tri âm chính là chất xúc tác kỳ diệu để các nghệ sĩ thăng hoa trong nghệ thuật, đem tiếng đàn lời ca của mình đến gần hơn với những người mộ điệu tri âm trong Đêm Hoàng thành.

Bài: Trang Thùy - Ảnh: Đăng Tuyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

CÂU LẠC BỘ CA HUẾ TP. HUẾ:
Tri ân tiền nhân để tiếp tục phát tiết tinh hoa

Ngày 20/8/1983, Câu lạc bộ (CLB) Ca Huế trực thuộc Nhà Văn hóa Huế, chính thức ra đời và sinh hoạt định kỳ tại một sân khấu nhỏ ở căn nhà 47 Trần Hưng Đạo (nay là nhà sách Phú Xuân). Nhìn lại chặng đường 40 năm, CLB đã phát triển trong sự yêu quý và hưởng ứng nồng nhiệt của các nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế, giới mộ điệu, để tri ân những tiền nhân đã lặng lẽ “giữ lửa” và phát tiết tinh hoa cho loại hình nghệ thuật này.

Tri ân tiền nhân để tiếp tục phát tiết tinh hoa

TIN MỚI

Return to top