ClockChủ Nhật, 03/03/2024 12:48

Đu tiên Phú Gia trở lại

TTH - Một ngày cuối tháng Hai vừa qua, người dân làng Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc đã đổ về sân Nhà văn hóa cùng tham gia lễ phục dựng trò chơi Đu Tiên và các trò chơi dân gian. Nhìn những ánh mắt rạng ngời dõi theo những vòng đu quay, mới nhận ra trong lòng họ đang ngập tràn hạnh phúc, bởi sau 25 năm, giờ trò đu tiên mới được phục dựng trên mảnh đất quê hương.

Phục dựng hội đu tiên truyền thống Phú Gia

 Vui hội đu tiên làng Phú Gia

Làng văn vật

Làng Phú Gia, xã Lộc Tiến đã tồn tại gần 300 năm, nằm ngay theo dọc Quốc lộ 1A; phía đông giáp làng Lập An, phía tây giáp làng Thổ Sơn, phía bắc giáp làng Phú Hải. Làng nổi tiếng văn vật từ xưa với nhiều sinh hoạt dân gian phong phú, trong đó có các trò chơi như hát bội, bài chòi, hò giã gạo…, đặc biệt là đu tiên trong dịp xuân về tết đến.

Từ khi Pháp xâm lược, các hội làng cũng như trò chơi đu tiên đều không được tổ chức. Đến năm 1954, dân làng phục dựng trò đu tiên tại Cồn Chùa (chùa Phú Gia hiện nay), với các nghệ nhân tên tuổi như ông Cặn, ông Thắng, ông Thì, ông Bân, ông Tiềm… Ngày xưa khi ngồi đu tiên, người chơi còn cất lên những câu hát xướng, những điệu hò giao duyên tình cảm, tạo nên không khí vui tươi nhộn nhịp của trò chơi đu tiên ngày xuân: “Chơi đu thì phải hò đu/ Bao nhiêu trai gái lên đu phải hò. Hoặc: “Đu tiên mới dựng năm nay/ Cô nào hay hát kỳ này hãy lên”… Nhưng chỉ ba năm sau, do chiến tranh liên miên, hội làng không còn tổ chức, đu tiên cũng mất theo.

Sau ngày thống nhất đất nước, hội làng lại được tổ chức, nhưng do đời sống khó khăn nên làng chỉ tổ chức các trò chơi tốn ít kinh phí như bài chòi, kéo co, đập om… Dẫu vậy, khao khát phục dựng trò chơi truyền thống đu tiên không bao giờ phai mờ trong lòng người dân Phú Gia. Năm 1996, các cụ cao niên trong làng họp lại quyết tâm phục dựng. Làng huy động thanh niên lên rừng chặt gỗ về dựng cột đu, làm sàn đu… Chỉ trong 2 ngày đã phục dựng xong cây đu. Đu tiên ở Phú Gia dựng 4 trụ (chân choãi theo thế thượng thu hạ thách), có hai trếnh đu đỡ trục chính để giàn đu vững chắc hơn. Giàn đu tiên ở Phú Gia phục dựng năm 1996 quy mô nhỏ nên chỉ 4 người chơi. Nhưng chỉ ba năm sau, đu tiên Phú Gia bị hư hỏng hoàn toàn sau cơn đại hồng thủy năm 1999. Sân đu trở lại hoang vắng, cỏ dại mọc đầy. Dân làng mỗi lần đi qua đây đều không khỏi ngậm ngùi tiếc nuối, hoài mong một ngày nào đó đu tiên sẽ được phục hồi.

Những vòng quay hạnh phúc

Cuối năm 2023, Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh, Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh đã gặp gỡ chính quyền xã Lộc Tiến và người dân Phú Gia bàn cách phục dựng đu tiên. Những ngày giáp Tết, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã Lộc Tiến, bà con trong làng Phú Gia đã san lấp mặt bằng làm bãi đu ở sân Nhà văn hóa làng, dựng cây đu bằng vật liệu bền vững để sử dụng lâu dài, hàng năm duy trì trò chơi đu tiên trong hội xuân của làng xã. Một số doanh nghiệp là con em trong làng như Xí nghiệp mỏ đá Toàn Tâm, Công ty Vân tải Phú Gia Nguyên… cũng đã đóng góp tài lực cho việc phục dựng. Nhiều con em của làng ở phương xa, nghe tin cũng liên lạc về xin đóng góp…

Sáng ngày 25/2/2024, Trưởng bối của làng Ngô Văn Bân, thay mặt dân làng Phú Gia đã gióng ba hồi trống khai mạc hội đu tiên, đánh dấu thời khắc phục dựng đu tiên sau 25 năm vắng bóng.

Giàn đu tiên trông giống như cái xe guồng lấy nước vào ruộng ngày xưa, bởi đây là một trò chơi dân gian tái hiện hình ảnh nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt. Vòng đu đầu tiên, có bốn chị mặc áo dài rất đẹp lên tham gia. Khi những vòng quay đầu tiên khởi động, hơn nghìn người dân làng đến xem đã ồ lên vỗ tay, sung sướng và hạnh phúc. Mọi người đều cầm điện thoại trên tay bật chế đô camera để ghi lại khoảnh khắc vô cùng xúc động này.

Giá đu tiên được dựng bằng hai cột lớn chôn sâu xuống đất, phần từ mặt đất lên cao khoảng hơn bốn mét, có trục bắc ngang ở phần trên. Dân làng gắn những bàn đu (tựa như ghế ngồi) để người tham gia ngồi. Khi đủ bốn người lên ngồi đu, hai người phụ trách xoay đu sẽ dùng chân đạp vào nan thanh đu cho guồng đu chuyển động theo chiều ngược kim đồng hồ. Sau khi đu đã có trớn quay đều thì những người chơi đu khi hạ xuống gần mặt đất sẽ luân phiên đạp chân xuống đất để tiếp lực cho đu quay nhanh.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Dương Quang Nghĩa cho biết: “Khi nhận được sự khuyến khích của Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh phục dựng lại đu tiên truyền thống, Đảng ủy đã họp và chỉ đạo chính quyền xã phải quyết tâm giúp dân làng Phú Gia thực hiện cho được. Chúng tôi nghĩ không thể để trò chơi đu tiên cứ lùi khuất về quá khứ mãi được”. Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến - Phan Văn Cường kể: “Anh chị em trong ủy ban đã rất nỗ lực giúp dân làng Phú Gia trong việc phục dựng lại đu tiên. Phó Chủ tịch Trần Đình Quý đã nhiều đêm họp với dân làng rất khuya để bàn cách triển khai. Việc xã hội hóa khi phục dựng đu tiên truyền thống cũng được dân làng Phú Gia làm rất tốt, khơi dậy tình yêu quê hương của con em dân làng ở phương xa”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế nói: “Đu tiên là một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Thừa Thiên Huế. Đu tiên trong hội xuân ở làng Phú Gia là một trò chơi dân gian độc đáo cần được bảo tồn. Việc phục hồi này sẽ góp phần giữ nét đẹp của một làng quê văn vật nằm bên cạnh vịnh đẹp Lăng Cô nổi tiếng thế giới. Một điều nữa là việc phục dựng đu tiên ở Phú Gia sẽ giúp bà con nhiều nơi hình dung đu tiên là như thế nào, bởi đang có sự nhầm lẫn giữa đu tiên và đu nhún, đu rút, đu giàng xay là những trò chơi đu vốn có ở Thừa Thiên Huế”.

Bài: Hồ Đăng Thanh Ngọc - Ảnh: Hoàng Hải
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để văn hóa bản địa “níu chân” du khách

Văn hóa bản địa là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch. Sự độc đáo, khác biệt của sản phẩm du lịch cũng do yếu tố văn hóa bản địa quyết định. Các địa phương tại Thừa Thiên Huế có những lễ hội đặc sắc, nhưng để thu hút khách cần thiết phải đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng từ yếu tố này và chú trọng hơn công tác quảng bá.

Để văn hóa bản địa “níu chân” du khách
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – người nặng lòng với công cuộc bảo tồn di sản Cố đô Huế

“Văn hóa còn là dân tộc còn” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiều lần như thế khi khẳng định vai trò của văn hóa tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào năm 2021. Trong những chuyến làm việc với các tỉnh, thành, Tổng Bí thư thường dành riêng thời gian đến thăm các di sản văn hóa và căn dặn đội ngũ làm văn hóa không ngừng học tập phấn đấu để nâng cao trình độ kiến thức, bồi đắp tình yêu, sự tâm huyết đối với các di sản vô giá của dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – người nặng lòng với công cuộc bảo tồn di sản Cố đô Huế
Nơi “gặp gỡ” văn hóa

Bên cạnh chức năng chính trưng bày các hiện vật, nhiều bảo tàng, không gian văn hóa nghệ thuật còn đảm nhận một chức năng quan trọng khác đó là tổ chức các sự kiện giao lưu, trò chuyện, tọa đàm những vấn đề liên quan. Chính những không gian như thế đã trở thành điểm đến, tạo được sự kết nối giữa giới nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa cũng như những người có niềm đam mê gặp gỡ.

Nơi “gặp gỡ” văn hóa
50 năm một chặng đường gìn giữ văn hóa dân gian

Thừa Thiên Huế là vùng đất mang dấu ấn của thời di dân mở nước hơn 700 năm. Vì thế, cội nguồn văn hóa hình thành từ sự dung hợp bản sắc văn hóa của cư dân bản địa cùng cư dân Việt từ khắp các vùng miền của đất nước. Văn hóa dân gian luôn gắn liền với đời sống tinh thần của cộng đồng người Huế.

50 năm một chặng đường gìn giữ văn hóa dân gian
Chợ Khe Tre hoạt động trở lại sau vụ cháy

Sáng 12/7, đại diện UBND huyện Nam Đông cho biết, chợ Khe Tre đã hoạt động trở lại sau hơn 7 tháng tạm dừng để thi công, sửa chữa khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn xảy ra vào tháng 12/2023.

Chợ Khe Tre hoạt động trở lại sau vụ cháy
Return to top