ClockThứ Tư, 24/01/2024 16:54

Đường Sư Liễu Quán nên ở đâu là phù hợp?

TTH.VN - Đường Sư Liễu Quán hiện tại là con đường ngang qua trước mặt chùa Từ Đàm, giới hạn bởi 2 tuyến Phan Bội Châu ở phía đông và Điện Biên Phủ ở phía tây nên rất ngắn, cảm giác chưa tương xứng lắm với công đức, hành trạng của người mà đường mang tên.
HN - Ngọc Huyền
  • HN - Ngọc Huyền

“Bảo đạc trường minh” kể chuyện Thiền phái Liễu QuánNhiều đóng góp Thiền phái Liễu Quán trong lịch sử Phật giáo Việt Nam được làm rõTổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán có vị trí đặc biệt trong lịch sử Phật giáo Việt NamTăng ni, Phật tử dự lễ tảo tháp Đức Tổ sư Thiệt Diệu Liễu QuánLàm rõ cuộc đời, đạo nghiệp và những ảnh hưởng của Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán

 Thiền sư Liễu Quán (1667-1742) (Ảnh Internet)

Lâu nay qua về đường Sư Liễu Quán trước chùa Từ Đàm, hoặc Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán ở đường Lê Lợi, mọi người chỉ chắc chắn đó là một nhà sư, còn hành trạng như thế nào, sống ở thời nào thì không nhiều người biết, cho đến cách đây chỉ ít tuần…

Những ngày cuối năm 2023 đầu 2024, tại xứ Thiền kinh bên dòng sông Hương thơ mộng, Hội thảo khoa học “Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển” do Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Huế phối hợp tổ chức. Đây là lần đầu tiên sau gần 300 năm mới có một hội thảo về Thiền phái Liễu Quán được tổ chức. Với gần 1.000 đại biểu khắp mọi miền tham dự, với tập kỷ yếu dày trên ngàn trang in, trọng lượng lên đến chừng 7 kg, và rất thú vị là rất nhanh sau đó đã được… rao bán trên mạng với giá lên đến cả triệu đồng chứng tỏ tầm vóc cũng như nội dung của hội thảo đã tạo sức hút lớn đối với giới chuyên môn cũng như công chúng.

Qua hội thảo và chuỗi các sự kiện vệ tinh (lễ Tảo tháp, các triển lãm, thăm, chiêm bái các ngôi chùa cổ …), hành trạng và công đức của Thiền sư Liễu Quán được “phát lộ” khiến nhiều người ngỡ ngàng. Thì ra bên cạnh dòng Thiền Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, còn có thêm dòng thiền thuần Việt của Thiền sư Liễu Quán. Đặc biệt nữa là dòng thiền ấy lại phát xuất từ Kinh đô Huế rồi lan tỏa rộng khắp xứ Đàng Trong, kế tục truyền thừa mạnh mẽ cho đến bây giờ.

Thiền sư Liễu Quán sinh ngày 18/11 năm Đinh Mùi (1667), người làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, họ Lê, húy Thiệt Diệu; xuất gia năm 12 tuổi với Hòa thượng Tế Viên (người Hoa) tại chùa Hội Tôn, được 7 năm thì sư phụ viên tịch. Thiền sư ra Thuận Hóa, đến chùa Báo Quốc cầu học với Giác Phong lão tổ (người Hoa) vào năm Canh Ngọ (1690). Tròn 1 năm, ông phải trở về quê hương để phụng dưỡng người cha tuổi cao đang lâm bệnh. Sau khi thân phụ qua đời, năm Ất Hợi (1695) người mới trở lại Thuận Hóa để tiếp tục tu học, được thọ giới Sa-di với Hòa thượng Thạch Liêm (người Hoa) cũng trong năm này.

Năm Đinh Sửu (1697), sư thọ Đại giới với Hòa thượng Từ Lâm (người Hoa). Năm Kỷ Mão (1699), ông bắt đầu cuộc hành trình tham vấn cầu đạo khắp các thiền lâm. Nhâm Ngọ (1702), đến núi Long Sơn chùa Ấn Tôn (Từ Đàm) bái yết Tử Dung Hòa thượng cầu dạy pháp tham thiền, được Hòa thượng Tử Dung ấn chứng đắc pháp vào năm 1708.

Tổ đình Thuyền Tôn (An Tây, Tp Huế) do Tổ Liễu Quán khai sơn.  

Sau đó, sư vào núi Thiên Thai lập am tu thiền (nay là chùa Thuyền Tôn). Các năm: Quý Sửu (1733), Giáp Dần (1734), Ất Mão (1735), sư chứng minh các Đại giới đàn tại Huế theo sự thỉnh cầu của các tông môn. Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) rất mến đạo hạnh của ngài, thường đến chùa Viên Thông dưới chân núi Ngự đàm đạo và thỉnh ngài vào cung để bàn luận Phật pháp, nhưng ngài khéo léo từ chối. Mùa Xuân năm Nhâm Tuất (1740), sư làm Hòa thượng Đàn đầu cho Đại giới đàn tại chùa Viên Thông. Cũng tại ngôi cổ tự này, năm Nhâm Tuất (1742) sư đã an nhiên về cõi Phật, thọ 76 tuổi. Bảo tháp của ngài được lập tại núi Thiên Thai (phường An Tây, thành phố Huế), gần Tổ đình Thuyền Tôn- ngôi chùa ngài đã khai sơn hơn 3 thập kỷ trước.

Điều đặc biệt là mặc dù học đạo với các hòa thượng người Hoa, nhưng Thiền sư Liễu Quán lại luôn có ý thức Việt hóa những gì mình đã lĩnh hội, tu chứng. Thế nên hậu thế đã ghi nhận: “Trước khi Tổ Liễu Quán xuất hiện, thiền phái Lâm Tế ảnh hưởng của Trung Quốc (vì có ngài Nguyên Thiều, ngài Thạch Liêm, ngài Tử Dung, v.v..). Chính Tổ Liễu Quán đã Việt hóa tất cả từ văn hóa, kiến trúc và nghi lễ, …” (Thiền sư Liễu Quán, Tiểu sử, phatgiaohue.vn).

 Bảo tháp của Thiền sư Liễu Quán sau gần 3 thế kỷ vẫn vẹn nguyên, cổ kính.

Hội thảo khoa học “Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển” tại Huế vừa qua cũng một lần nữa khẳng định, Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667-1742) là vị Sơ tổ của Thiền phái Liễu Quán, một dòng thiền thuần Việt ra đời vào đầu thế kỷ XVIII tại Đàng Trong. Đạo phong và công hạnh của Ngài không chỉ được hầu hết mọi tầng lớp xã hội đương thời - từ vương hầu khanh tướng đến tăng tín đồ quy ngưỡng, mà trong hơn 300 năm qua, nguồn mạch thiền phái do Ngài sáng lập vẫn mãi được “truyền đăng tục diệm”, phát triển hưng thịnh và có nhiều đóng góp quan trọng cho lịch sử Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam.

Tháp Liễu Quán nằm ngay bên tuyến đường Thiên Thai dẫn vào Học viện PGVN tại Huế, Đền Huyền Trân, Thiền viện Hương Vân, Khu chứng tích Chín hầm. 

Sư Liễu Quán đã được đặt tên đường tại Huế. Đó là con đường ngang qua trước mặt chùa Từ Đàm, giới hạn bởi 2 tuyến Phan Bội Châu ở phía đông và Điện Biên Phủ ở phía tây nên rất ngắn, cảm giác chưa tương xứng lắm với công đức, hành trạng của người mà đường mang tên. Trong lúc đó, đường Thiên Thai nối từ đường Võ Văn Kiệt ở phía bắc đến tiếp giáp với đường Tam Thai ở phía nam đi qua nhiều địa danh gắn với cuộc đời của Sư Liễu Quán, đó là Tổ đình Thuyền Tôn- ngôi cổ tự rất đẹp do ngài khai sơn; là tháp Tổ Minh Hoằng Tử Dung- Tôn sư ấn chứng của ngài; là bảo tháp có tuổi gần 300 năm- nơi đang tàng giữ xá lợi của Tổ Liễu Quán, trải gần 3 thế kỷ, tháp vẫn còn vẹn nguyên, cổ kính, uy nghiêm, thiền vị. Trên con đường này còn có nhiều chùa, thất, cuối đường có Đền Huyền Trân, Thiền viện Hương Vân, Học viện PGVN tại Huế- đơn vị vừa tổ chức Hội thảo khoa học về ngài. Thế nên, nếu đổi Thiên Thai làm đường Sư Liễu Quán thì vừa hợp lý vừa ý nghĩa. Còn đường Sư Liễu Quán hiện nay, nhiều người đề xuất có thể đặt thành đường Từ Đàm cũng là sự thay đổi phù hợp và thú vị. Tất nhiên đó là đề xuất, còn việc có điều chỉnh hay không thì liên quan nhiều việc khác nên đòi hỏi phải có thời gian. Tuy nhiên, một sự “đánh động” để cơ quan hữu trách lưu tâm khi cả tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương, địa giới hành chính có sự phân định mới cũng là điều nên ghi nhận.

Huy Khánh
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
PP
Phạm Xuân Phụng - 26/01/2024 10:40
Tán thành ý kiến tác giả bài viết. Rất mong Hội đồng đặt tên đường phố của tỉnh có thể làm sớm điều này trước khi Quốc hội ban hành nghị quyết về việc chuyển tỉnh TTH trở thành TP trực thuộc Trung ương. Đề nghị làm sớm vào giữa năm 2024 vì nếu để chậm sẽ bị cuốn vào nhiều việc đại sự khác, dễ bị lãng quên!

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trăm năm nén lại trong phút giây tri ngộ

Những tư liệu, hiện vật liên quan đến Phật giáo Thuận Hóa nói chung và Thiền phái Liễu Quán cũng như bút tích của Quốc chúa lần đầu tiên được công bố khiến người xem choáng ngợp. Trải qua hơn 300 năm, những tư liệu, hiện vật ấy như đưa người xem được chậm lại theo từng thước phim với những thăng trầm lịch sử từ giai đoạn hình thành, phát triển đến ngày hôm nay của vị tổ sư sáng lập ra thiền phái.

Trăm năm nén lại trong phút giây tri ngộ
“Bảo đạc trường minh” kể chuyện Thiền phái Liễu Quán

Hàng trăm tư liệu quý liên quan đến Thiền phái Liễu Quán được Ban tổ chức hội thảo “Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển” trưng bày, giới thiệu đến công chúng vào chiều 30/12 tại không gian cơ sở I Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế (chùa Hồng Đức, 109 Minh Mạng, TP. Huế).

“Bảo đạc trường minh” kể chuyện Thiền phái Liễu Quán

TIN MỚI

Return to top