Chiều mùng 3 Tết năm Nhâm Dần, trên đường vào Đà Nẵng, tôi chạy xe qua Huế. Trời lất phất mưa. Cơn lạnh bởi gió mùa không ngăn nổi cảm giác mùa xuân đang chộn rộn. Có lẽ bởi những cội mai vàng nở rực trước cổng các nhà hàng phố ven đường, bởi hình ảnh đoàn người đón Tết trước Phu Văn Lâu. Cảm nhận ấy khiến tôi tự nhủ, nhất định phải quay lại Huế trong những ngày đầu năm mới.
Ngày 6 tháng Giêng tôi ngược ra Huế. Đi từ Đà Nẵng - nơi có dãy Hải Vân chắn gió lạnh từ phương Bắc đang khá ấm áp, cứ nghĩ Huế đang lạnh lắm nên mang đủ cả khăn quàng, áo ấm đại hàn. Vậy mà Huế đón chúng tôi bằng tiết xuân không thể đẹp hơn. Và tôi gặp Huế trong một cảnh sắc mới và lạ. Cứ như lần đầu gặp gỡ. Trên cây cầu đi bộ bên bờ sông Hương, nơi tôi từng có những buổi sáng đặt bước giữa mờ sương trên những phiến gỗ lim mặt cầu, nghe sóng Hương giang âm thầm thao thiết… mà chiều hôm ấy, cứ như mới chạm tới lần đầu.
Và tôi gặp lại sắc vàng hoa mai. Dân xứ Bắc, nhất là Hà Nội vốn chỉ quen đón xuân với đủ cả các loại, đào phai, đào bích, rồi đào rừng… Chỉ sau ngày đất nước thống nhất, mùa xuân Hà Nội mới thêm sắc vàng hoa mai. Nhưng cũng chỉ là giống mai mang ra từ miền Nam, được trồng trong chậu. Thế nên tôi như bị cuốn đi bởi sắc mai, vàng hiền dịu, vàng thảnh thơi giữa đất trời xứ Huế. Lúc ấy là cảm giác như đã từng khi chiêm ngưỡng mai anh đào khoe sắc hồng nơi Đà Lạt, hay rừng ban trắng trời Tây Bắc. “Mai vàng trước ngõ” là câu chuyện mà tôi được nghe, bắt đầu từ cuộc vận động các cơ quan, người dân trồng cây mai vàng xứ Huế trước ngõ công sở, nhà ở... do ông Phan Ngọc Thọ khởi xướng khi đang là Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ ý tưởng này, các cơ quan, công sở và nhà dân có thêm nhiều gốc mai trước sân hay hiên nhà. Mỗi mùa xuân đến, hoa sẽ nở vàng và tỏa hương thanh khiết và Huế sẽ xứng danh xứ sở là của hoàng mai.
Đến Huế lúc mùa xuân vẫn còn thầm thì, tôi cảm nhận ước mong đó dường như bắt đầu trở thành hiện thực với những gốc mai đang độ vàng thắm thiết trước mỗi ngôi nhà, mỗi trụ sở và dọc con đường hoàng mai trước Đại Nội Huế. Đưa tôi đi dọc đường mai đang độ mãn khai, bạn kể về giống hoa quý có nguồn gen bản địa đặc hữu của đất Huế. Hoàng mai Huế được trồng từ lâu đời ở cung đình, phủ đệ, dinh thự, sân đình, cửa chùa, sân nhà người dân... tượng trưng cho mùa xuân đất Cố đô và vùng đất phương Nam. Hoàng mai của Huế quý và đẹp nhờ có những nhánh lộc xanh, dày, hoa mảnh và dịu dàng thơm.
Nếu hôm đi vào chợt gặp sắc vàng hoàng mai thì một ngày đầu năm khi chạy xe từ Đà Nẵng ra, tôi lại tình cờ biết thêm một phong tục đẹp của Huế lúc chờ bạn trên đường Nguyễn Tất Thành (thị xã Hương Thủy). Ngay gần chỗ chúng tôi dừng xe, đầu một kiệt nhỏ, là một ban thờ nghi ngút khói hương đủ cả hương án, bình bông cùng mọi thứ phẩm vật. Chính giữa ban thờ là một chú heo quay đặt trang trọng. Các cụ cao niên khăn đóng áo dài. Mấy ông trung niên complet, cravate tề chỉnh. Các cháu thanh niên trang phục gọn gàng. Hỏi ra thì đó là một lễ cúng xóm. Nhân đầu năm mới, mọi nhà trong kiệt cùng nhau góp lễ, cúng các quan thần linh, thổ địa cầu cho mọi người, mọi nhà an khang, thịnh vượng, để con cháu đi xa ăn nên làm ra. Các cụ còn bảo, dịp cuối năm dân cư trong kiệt cũng biện lễ cùng nhau cúng tất niên. Sau một năm tất bật mưu sinh, lễ cúng tất niên là dịp để những người láng giềng ngồi lại với nhau, cùng nhau nâng chén rượu ngon tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới, thấm đượm tình làng nghĩa xóm. Sau lễ cúng xóm đầu năm, những người đi làm ăn xa quê yên tâm cất bước, vì tin rằng sau mình là cả một ngõ xóm thân thương… Hôm ấy tôi cứ tiếc mãi vì trót hẹn bạn đồng nghiệp, không thể nhận lời mời của các cụ ở lại cùng thưởng chén rượu năm mới.
Ở Hà Nội, mấy năm nay, khi văn hóa nhà chung cư phát triển, đâu đó đã có những bữa liên hoan tất niên hoặc đón năm mới của cư dân một tầng nhà, hay một tòa nhà. Chỉ là nhà ai có gì mang tới, cùng uống ly rượu đầu xuân. Thế là đã quý lắm rồi. Thế nên càng thấy tục cúng xóm ở Huế thật đáng giữ gìn, trân trọng.
Tôi nói với đồng nghiệp, rằng mình thật may mắn khi cảm nhận được những vẻ đẹp Huế mùa xuân từ sắc hoàng mai rực rỡ đến tục cúng xóm đậm nét nhân văn. Bạn bảo, là vì anh nặng lòng với Huế. Đâu phải ai cũng cảm nhận vậy trong bao người từng qua lại “xứ sở” này. Biết người Huế, nhất là phụ nữ Huế vốn nói dễ nghe, mà vẫn thấy lòng mình vui. Lại thấy biết ơn những người như ông Thọ cùng bao người dân Cố đô luôn tạo dựng, gìn giữ để Huế luôn thơ, và đẹp...
Bài: Tạ Việt Anh
Ảnh: Lục Ngọc Bảo