|
Dệt zèng A Lưới được các bạn trẻ “Gen Z dệt zèng” đưa vào TP. Hồ Chí Minh giới thiệu đến công chúng. Ảnh: GZ |
Đó là một dự án cộng đồng bài bản, từ tên “GenZ dệt zèng” của nhóm bốn nữ sinh viên Đào Khánh Linh, Nguyễn Trần Thiên Thanh, Đặng Thị Thanh Hoa và Lại Thị Diệu Thùy đến từ Trường đại học FPT (TP. Hồ Chí Minh). Họ là những người trẻ sinh sau năm 2000 - đúng nghĩa gen Z nhưng có niềm yêu thích ngược dòng lịch sử để tìm hiểu, bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc.
Nặng lòng
Từ phương Nam xa xôi, bốn cô gái tuổi đôi mươi sau rất nhiều đắn đo đã quyết định ngược ra Huế tìm hiểu nghề dệt zèng - một loại thổ cẩm của người Tà Ôi ở huyện miền núi A Lưới. Bao mệt mỏi tan biến khi zèng của những người dân sống dựa lưng bên dãy Trường Sơn hùng vĩ, giáp biên giới Việt - Lào hiện ra trước mắt.
|
Những hoa văn trên zèng sau khi số hóa được “Gen Z dệt zèng” trình chiếu trên công nghệ ảo tạo nên tác phẩm nghệ thuật lung linh, huyền ảo. Ảnh: GZ |
“Cả nhóm chúng em đều yêu thích khám phá nét đẹp văn hóa dân tộc và tìm hiểu về di sản quê hương. Trong lúc tìm các thông tin liên quan đến zèng, ấn tượng đầu tiên của nhóm là hoa văn thổ cẩm vô cùng độc đáo. Tiếp đến, khi nhìn thấy những làng nghề dệt zèng đang có nguy cơ dần mai một, chúng em lập tức mong muốn có thể góp một phần lan tỏa giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này đến các bạn trẻ bằng cách ứng dụng truyền thông, sáng tạo nghệ thuật và công nghệ”, Đào Khánh Linh kể về những ngày đầu thực hiện dự án.
Những tìm hiểu ban đầu đã định hình trong tâm tưởng các bạn trẻ rằng, dệt zèng nếu biết hòa vào đời sống hiện đại sẽ mang lại nhiều giá trị. Đặc biệt hoa văn ở trên đó có rất nhiều ý nghĩa, gắn liền với nhiều câu chuyện, giai thoại nhưng chưa được khai thác như những loại thổ cẩm nổi tiếng khác của Việt Nam.
Đúng như lời Linh nói, zèng của bà con Tà Ôi mang đặc trưng riêng biệt, không giống loại thổ cẩm của người Lào bên kia biên giới, hay đồng bào các dân tộc khác trên đất Việt. Bằng mắt thường có thể thấy được những hoa văn với bốn màu chủ đạo gồm đen, đỏ, trắng, xanh của zèng vô cùng mộc mạc với những hình ảnh về núi rừng, cây cỏ, muông thú… Nhưng đắt giá nhất chính là cườm. Cườm qua đôi bàn tay khéo léo của những chị em Tà Ôi nên sự riêng biệt, không thể lẫn lộn vào đâu.
|
Những hoa văn trên zèng sau khi số hóa được “Gen Z dệt zèng” trình chiếu trên công nghệ ảo tạo nên tác phẩm nghệ thuật lung linh, huyền ảo. Ảnh: GZ |
A Ngo và Lâm Đớt là hai địa bàn “Gen Z dệt zèng” đã dành gần như toàn bộ thời gian hơn một tuần để dừng chân lại. “Ở đây chúng em may mắn được gặp chị A Kơ Pir Pi Nghe. Biết dự án của tụi em, chị Nghe hỗ trợ rất nhiệt tình. Những ngày lang thang nơi này bên cạnh chạm tận tay, nhìn tận mắt quy trình dệt zèng và được kể về những câu chuyện liên quan đến văn hóa zèng, chúng em còn được trải nghiệm không khí sinh hoạt rất bình yên và dễ chịu”, Diệu Thùy kể lại và nói rằng tất cả được nhóm cẩn thận ghi chép, quay chụp để lưu tư liệu.
Điều mà Thùy và các thành viên khác ấn tượng là khi chứng kiến những nghệ nhân dệt tấm zèng dài 2 mét. Trên đó người nghệ nhân thể hiện những câu chuyện nhân sinh, thế giới quan độc đáo nhưng không cần phải phác thảo ra giấy. “Những tấm vải zèng đẹp hoàn toàn đến từ trí tưởng tượng, bàn tay lành nghề cùng kỹ thuật dệt độc đáo. Ngoài ra những hoa văn cườm từ zèng đều được dệt trực tiếp trong lúc làm chứ không phải gắn hay đính lên, vô cùng đẹp mắt và chắc chắn”, cả nhóm trầm trồ.
“Phủ” công nghệ số lên zèng
Ngay từ khi hình thành ý tưởng, cả nhóm mong muốn khẳng định những giá trị mà người trẻ có thể mang lại cho văn hóa thông qua ứng dụng truyền thông, công nghệ và sáng tạo nghệ thuật. Trong suốt hành trình, bên cạnh việc lan tỏa giá trị di sản văn hóa phi vật thể zèng, các bạn còn muốn trở thành nguồn cảm hứng để các bạn trẻ Việt Nam dũng cảm thực hiện những dự án gìn giữ văn hóa dân tộc và tự hào về nét đẹp quê hương.
Trở về TP. Hồ Chí Minh, cả nhóm bắt tay với công việc xử lý tư liệu, trong đó quan trọng nhất là hình ảnh. Đó là quy trình số hóa những hoa văn và biến nó trở thành tác phẩm nghệ thuật để trưng bày, giới thiệu đến công chúng thông qua triển lãm ảo.
Công việc mất nhiều thời gian nhất đó là định vị (vector) từng sợi dệt, mũi dệt và phân tích triển khai theo tỷ lệ khác nhau của từng hoa văn. Công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn và là yếu tố nền tảng cho các hoạt động của dự án.
Mất rất nhiều thời gian, cuối cùng dự án cũng được kết lại bằng triển lãm ảo được tổ chức ngay tại TP. Hồ Chí Minh, với cái tên gọi đầy thân thương: “Từ sợi dệt đến vệt số”. Ở đó “GenZ dệt zèng” không chỉ mang những tấm vải zèng đến trực tiếp để người tham gia cùng cảm nhận, mà còn ứng dụng công nghệ và thiết bị hiện đại để trình chiếu các tác phẩm sáng tạo nghệ thuật từ 15 hoa văn zèng được số hóa.
Những hình dáng truyền thống cứ thế được “phủ” lớp công nghệ uyển chuyển, tạo nên sự gặp gỡ tinh tế giữa di sản và hiện đại. “Mỗi tác phẩm được sáng tạo dựa trên câu chuyện về ý nghĩa hoa văn zèng của người dân tộc Tà Ôi. Người tham gia sẽ lắng nghe, tìm hiểu những câu chuyện và tương tác, tham quan với tác phẩm nhiều màu sắc. Ngoài ra, tại triển lãm, mỗi người tham gia sẽ được đóng vai trò là “một sợi dệt số”, góp phần lan tỏa giá trị của làng nghề dệt zèng trên bức tranh số hóa. Ở đây, toàn bộ hành trình thực hiện của nhóm cũng như thông tin về zèng được in ấn trên các tấm bảng thông tin để mọi người cùng tìm hiểu”, Đào Khánh Linh xúc động khi nói về thành quả của dự án.
Không dừng lại đó, qua triển lãm ảo này, “GenZ dệt zèng” còn giúp nhiều người trong đó có các bạn trẻ hiểu rõ hơn về A Lưới - nơi có nghề dệt zèng, cũng như có những trải nghiệm ấn tượng với các tác phẩm sáng tạo từ hoa văn số. Ngược lại, bà con Tà Ôi cũng vô cùng tự hào khi những tác phẩm liên quan đến zèng tiếp cận đến nhiều bạn trẻ hơn, bằng cách thức độc đáo và sáng tạo.
Và ở góc nhìn của những người theo đuổi dự án, bốn cô gái gen Z một lần nữa khẳng định, tự hào và trân trọng sự tần tảo của các nghệ nhân để gìn giữ giá trị zèng. “Mong rằng, trong tương lai những giá trị của zèng sẽ càng được nhiều người biết đến, để những nghệ nhân tại A Lưới có thêm động lực duy trì nghề dệt zèng. Đây là mảnh đất gắn liền với dự án nên chúng em sẽ quay lại vùng đất này thêm nhiều lần nữa”, bốn cô gái tâm tình.