ClockChủ Nhật, 10/07/2022 07:53

Giàn ti-gôn bên ô cửa

Bờ ràoDưới tán cây lộc vừng

Những dây ti-gôn xanh mướt vắt lên bờ tường cũ kỹ, mấy chiếc lá hình trái tim xôn xao che lại các vệt nứt lồi lõm của mảng tường loang cũ vết thời gian. Con ngõ nhỏ xíu với những mảng tường ẩm mốc dài hun hút được phủ lên vạt dây leo xinh xắn khiến vệt nắng xiên qua giữa những mái nhà, rớt trên ngõ nhỏ cũng trở nên mềm nhạt như sợi tơ chiều.

Mỗi lần đi qua con ngõ ấy, tôi đều bước thật chậm để ngước nhìn những dây ti-gôn vươn mình trên những bức tường cũ, nghe cây lá dường như cũng thì thầm trong ngõ nhỏ xôn xao đầy gió. Giữa những cũ kỹ, ẩm mốc, một vệt xanh của cây lá cũng khiến không gian trở nên sáng bừng rạng rỡ.

Tôi đã thấy mấy ông cụ ngồi bên hàng rào ti-gôn một chiều khi nắng len qua ngõ nhỏ. Bên chung trà xanh ngát đặt một bàn cờ, những câu chuyện huyên thuyên kéo dài theo vệt nắng miên man cuối trời. Tiếng trẻ con ê a học bài vọng ra từ khung cửa sổ nhà ai, tiếng nồi niêu xoong chảo lách cách va vào nhau, mùi thức ăn quyện lên trong gió chiều bảng lãng. Tiếng chim chiều líu ríu trên giàn ti-gôn nghe mỏng như vệt nắng uể oải loang dài nơi mái tôn cũ kỹ. Cách một con ngõ, phố xá ngoài kia rộn ràng đến thế, mà ở nơi này dường như mọi thứ đều trôi đi chậm rãi, tựa như cái lắc lư nhè nhẹ của chùm hoa nhàn nhạt neo nơi bờ tường.

Một hôm đầy nắng, chợt nhận ra ngõ nhỏ được nhuộm thắm bởi sắc ti-gôn. Màu hồng ngọt lịm phủ lên những mảng tường đầy rực rỡ, xóa đi vẻ u trầm tịch mịch của ngõ vắng lưa thưa bóng người. Có dây ti-gôn men theo cành bông cẩn rồi vượt qua bên kia đường, vắt lên khung cửa sổ nhỏ xíu trên cao đầy vết rêu xanh mướt. Khung cửa ấy hẳn đã lâu chưa có người mở, nên nhành ti-gôn vấn vít nơi ô cửa khép kín và lặng lẽ khoe sắc giữa một ngày vàng rực màu nắng cháy.

Tôi nhớ góc cà phê trên tầng hai trong một con hẻm nhỏ. Khoảng ban công nhỏ xíu cũng có một giàn ti-gôn xanh mướt. Tôi thích ngồi nơi đó vào những buổi sáng thảnh thơi và chậm rãi đọc vài trang sách khi chờ giọt cà phê chảy hết. Bên ngoài khung cửa, giàn ti-gôn nở hoa tưng bừng dưới nắng. Đàn chim sẻ về ríu rít ngoài hiên, chúng đậu đầy trên mái ngói đỏ chót nơi nhà bên. Tiếng lích rích của lũ chim chẳng gây phiền nhiễu gì, chỉ khiến buổi sáng ở nơi này càng thêm yên ả. Giữa thành phố ồn ã tiếng còi xe, được nhìn thấy bóng chim và tiếng kêu ríu rít giữa một ban mai đầy nắng mà ngỡ như đang ngồi nơi khung cửa lộng gió bên vườn quê.

Chẳng hiểu sao, đôi lúc đi ngang qua đâu đó, chỉ cần nhìn thấy một ô cửa sổ, một bóng cây thân quen cũng đủ gợi lên bao ký ức ngọt lịm nơi quê nhà. Giống như khi nhìn một vạt ti-gôn đang khoe sắc đâu đó bên đường, lại nhớ về giàn

ti-gôn trước ngõ nhà. Con ngõ ở quê rợp bóng cây xanh và hoa lá. Giàn ti-gôn nơi cổng nhà lúc nào cũng phơn phớt màu hoa. Tôi nhớ những chiều mùa hè cha đứng trên sân, hì hục kéo ống nước để tưới cho giàn hoa xanh mướt. Những chùm hoa bé xíu vậy mà luôn thi gan với cái nắng rực lửa mùa hè. Những ngày hè bỏng cháy là những ngày hoa ti-gôn nở tưng bừng nhất. Mỗi lần nhìn hoa nở, cha hay tủm tỉm cười, cây mỏng manh thế, hoa mỏng mảnh thế mà lại dẻo dai và chịu đựng nắng gió thật diệu kỳ.

Chiếc cổng gỗ được ghép từ những thanh ván đã cũ, có đôi chỗ đã mục ruỗng vì mưa nắng, nhờ giàn

ti-gôn rủ bóng mà đẹp đến nôn nao. Tôi nhớ mấy bận mạ muốn thay đi chiếc cổng mới mà vì tiếc giàn hoa nên không nỡ. Để mỗi lúc hè về, hoa lại xôn xao nơi ngõ nhà lồng lộng gió. Từng chùm hoa hồng nhạt nghiêng nghiêng trong chiều hè đầy nắng, chỉ vậy thôi mà cũng nhớ đến nôn nao.

LÊ HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top