Đó là con hẻm cụt, đi bộ chậm rãi tầm mươi phút là hết từ đầu đến cuối hẻm. Dân trong hẻm sau mỗi chuyến chạy bộ ở khu vực thể dục thể thao, bắt đầu bước chân nhẩn nha lúc về đến đầu hẻm, coi như thời gian thư giãn. Mà con hẻm cũng thật biết cách khiến người ta thư thái bởi hầu như bờ rào nhà nào cũng có hồng leo nở, vừa đẹp quyến rũ, lại tỏa hương dịu dàng. Riêng nhà bà Hằng giữa hẻm, không có hoa hồng, nhưng trước ngõ là cây lộc vừng, vươn cao ngang ban công tầng hai, tỏa bóng mát cho lũ trẻ túm tụm say sưa với mấy trò chơi thích thú.
Ngay đầu hẻm có chợ tự phát, người dân gọi là “chợ hẻm”. Tuy nhỏ xíu nhưng chợ hẻm có đầy đủ cá tươi, thịt ngon, hoa quả theo mùa. Mấy bà, mấy cô trong hẻm đi chợ về, tay xách nách mang, đôi lúc rủ nhau dừng lại dưới tán lộc vừng nghỉ chân. Có người ngước mặt lên bầu trời, thốt lên: “Ơ kìa, mây trên hẻm mình xanh rứa luôn à”. Bà Hằng mỉm cười bởi niềm vui nhẹ nhàng. Trong câu nói có vẻ buồn cười ấy là tình yêu đối với nơi người ta gắn bó. Đến mùa, hoa lộc vừng rụng xuống thành một thảm đỏ những cánh hoa li ti trên mặt đường. Người dừng chân lại bảo: “Thảm hoa khiến lòng người hoài niệm. Càng già tuổi, cây lộc vừng càng trầm tư. Màu hoa dường như cũng đằm địa sâu lắng, như có điều gì khiến người ta trăn trở”.
Mỗi lần nghe câu nói ấy, bà Hằng lại nhớ khi Lộc, con trai bà, học lớp 5, nó tha đâu về cây lộc vừng khẳng khiu trong chiếc chậu bằng nhựa cứng. Thoạt nhìn cây lộc vừng rụng hết lá, khô queo khô quắt như đã biến thành củi, bà Hằng la: “Ai lại đưa cây chết về nhà. Con hãy mau đi vứt rác”. Con trai bà: “Trên thân cây gần gốc vẫn còn chiếc chồi non nhú ra bé xíu này mẹ. Như vậy, cây vẫn còn nhựa sống đúng không mẹ. Nhà mình cứu nó, mẹ nhé. Vứt đi, nó chết luôn á, tội nghiệp”.
Lúc nghe thằng Lộc nói vậy, tim bà Hằng như nghẹt lại. Bà nhớ cái thời khắc sáng sớm tinh mơ, người trong làng hoảng hốt phát hiện một đứa bé trai đỏ hỏn bị bỏ trong thùng giấy, vứt ngoài đồng vắng. Có lẽ là một người mẹ trẻ nào đó lỡ dại không chồng mà chửa, sợ hãi nên lén lút bỏ con. Nhưng sao lại nhẫn tâm bỏ nơi vắng vẻ, nếu như người ta không vô tình phát hiện thì đứa trẻ chẳng sống nổi.
Thằng đã bé tím tái, được đưa đến bệnh viện. Các y bác sĩ dốc hết tâm sức và thật may mắn, sự sống trong cơ thể nhỏ bé “hồi” lại rất nhanh. Nó khóc to, khóc khỏe, ai cũng vui. Nhưng sau giây lát vui mừng, mọi chuyện bắt đầu khó khăn. Không ai muốn nhận nuôi thêm một đứa trẻ, trong khi cặp vợ chồng nào trong làng cũng con cái đùm đề cả rồi. Ngoài chuyện kinh tế, người ta còn ngại sự gian nan khi phải “bọt” một đứa trẻ sơ sinh lẽ ra có bầu sữa mẹ, nay phải thức đêm thức hôm canh giờ pha sữa, cho bú bình, canh giờ tè, ị của nó. Rồi bao nhiêu nhọc nhằn khác khi nó đau ốm. Mà trẻ con thiếu nguồn sữa mẹ, hay đau hay ốm là cái chắc.
Cũng do dự, nhưng khi người làng nói sẽ giao đứa trẻ cho chính quyền, để nó được đưa vào trại trẻ mồ côi nào đó trên thành phố, thì cô Hằng xin nhận nuôi. Nhiều người khuyên cô Hằng nghĩ lại, bởi chồng không may bị tai nạn mất, một mình cô nuôi hai đứa con gái đã còng lưng. Nhưng nghĩ đến cảnh thằng bé bị mẹ vứt bỏ đã tội nghiệp lắm rồi, lớn lên trong trại mồ côi, chắc cả đời nó đầy những tổn thương vì chẳng biết nguồn gốc mình, cha mẹ mình là ai, không biết lớn lên nên hay hư, cô Hằng quyết nhận đứa trẻ, làm đứa con trai trong gia đình mình, đặt tên là Lộc. Cả làng ngạc nhiên khi bỗng dưng cô Hằng lại cắt khu vườn mênh mông xanh mướt, bán cho người ta phần nhiều. Giữ lại phần diện tích đất hẹp hơn, trên đó có ngôi nhà cũ, nhưng cô Hằng cũng đóng cửa, dắt hai đứa con gái, ẵm đứa con nuôi đỏ hỏn mới nhận, bỏ làng đi.
Lên thành phố, bà Hằng đến con hẻm này. Thời đó, con hẻm còn nhếch nhác, nhà cửa xập xệ, là nơi dân lao động nghèo có thể kiếm được chỗ trú ngụ bằng số tiền ít ỏi. Mua căn nhà cấp 4 cũ kỹ trên miếng đất tầm 70m2, bà Hằng bắt đầu buôn thúng bán bưng, bắt đầu bằng những món ăn quê nhà. Hai con gái vừa đi học, vừa thay nhau phụ mẹ chăm em. Người trong hẻm nhiều lần hỏi: “Bà Hằng ơi, bà lấy mô ra sức khỏe mà làm việc dữ rứa. Bà thiệt có phúc, con cái ngoan, giỏi và thương nhau. Hai đứa chị cưng đứa em quá trời. Chắc nhà có thằng con trai út ít nên cưng dữ”. Mỗi lần như vậy, trong lòng bà Hằng nhẹ nhõm, hạnh phúc. Bao nhiêu nhọc nhằn thức dậy lúc 2- 3 giờ sáng để bắt đầu một ngày làm việc cật lực, như tan biến.
“Mẹ ơi, nhà mình cứu nó mẹ nhé!”. Tiếng thằng Lộc giục giã khiến bà Hằng giật mình. Lộc không hiểu vì sao gật đầu, trong mắt mẹ lại lại lăn ra mấy giọt nước. Mấy mẹ con hì hục đào hố trước cổng nhà, lấy đất ven bãi bồi phía thượng nguồn con sông chảy qua thành phố, lót xuống trước, phá bỏ chiếc chậu, bưng cả bầu đất đang bao bọc rễ cây, đặt xuống hố. Rồi dùng chiếc cưa nhỏ, thận trọng cưa phía thân cây đã khô thành củi. Lộc vừng là loại cây ưa nước nên ngoài việc tưới nước thật đẫm xuống gốc, hằng ngày, mỗi ngày mấy bận, Lộc dùng bình xịt tưới hoa, nhẹ nhàng tưới lên toàn thân cây lộc vừng và chiếc chồi non đang hé mở mấy cánh lá bé nhỏ. Thời đó chẳng có điện thoại như bây giờ để chụp ảnh. Nhưng hình ảnh ấm áp đó của đứa con trai, bà Hằng lưu giữ trong lòng. Cả ánh mắt và giọng như reo vui, khi mỗi lần thêm vài chồi non nhú ra, nó khoe với mẹ.
Năm đó, bà Hằng quyết định bán nốt mảnh vườn và căn nhà ở quê, gửi tiết kiệm, nhờ ngân hàng giữ hộ. Khi các con lấy chồng, lấy vợ, bà dùng tiền này cho con làm của hồi môn. Ba phần tiền bằng nhau, bà không phân biệt trai hay gái. Hai con gái lấy chồng, ở nhà chồng. Vợ chồng Lộc ở cùng mẹ. Cuộc sống cứ đổi thay sung túc tốt đẹp mãi lên, như sự đổi thay của con hẻm này.
Đang khỏe mạnh, bỗng dưng bà Hằng bị cơn tai biến quật ngã. Sau cơn hôn mê nhiều ngày liền, bà Hằng ngơ ngác tỉnh dậy trên chiếc giường bệnh viện. Mặt mũi các con bà nhòe nhoẹt nước mắt. Sau mấy ngày đầu, kể từ khi mẹ tỉnh lại, Lộc nói với hai chị: “Các chị bận công việc Nhà nước, các cháu còn nhỏ, lại ở nhà chồng, nên các chị cứ theo công việc, chăm sóc con cái. Các chị để vợ chồng em tập trung chăm sóc mẹ. Vợ chồng em làm nghề tự do, dễ dàng thu xếp thời gian, các chị cứ yên tâm. Thỉnh thoảng ghé động viên mẹ là được”.
Liệt nửa người dưới, sức khỏe yếu đến độ thở cũng mệt, mọi sinh hoạt của bà Hằng đều phụ thuộc vào người khác. Nhìn cách con trai và con dâu chăm bẵm từng li từng tí, từ bón sữa, bón cháo, đến thay bỉm, đỡ mẹ dậy lau rửa, thức đêm thức hôm, từ tháng này sang tháng khác, bà Hằng ứa nước mắt xúc động. Bà có đứa con trai hiếu thảo, lại có thêm con dâu cũng hiếu thảo như vậy, đúng là lộc của cuộc đời.
Vào lúc bà Hằng thấy trong người yếu mệt, nghĩ trước nghĩ sau, bà Hằng gọi riêng Lộc vào phòng: “Tuổi già, đã mắc căn bệnh này, mẹ sợ ra đi đột ngột, nên có một chuyện giữ kín bấy lâu, nay mẹ muốn nói với con. Thực ra, con không phải do mẹ sinh ra. Nhưng bao giờ mẹ cũng coi con là núm ruột của mẹ. Các chị cũng coi con là em út ruột rà của chúng nó. Nhưng con có quyền biết sự thật. Nếu con muốn tìm mẹ đẻ, gốc gác của mình, hãy về làng, dò tìm từ đó. Mẹ nghĩ, mẹ đẻ con cũng là người các làng bên, chứ không ở đâu xa”.
Nắm chặt đôi tay già nua nhăn nheo của mẹ, Lộc úp mặt vào đó, để những dòng nước mắt ấm nóng tuôn mãi. Lộc nói với mẹ trong tiếng nấc nghẹn, rằng anh đã biết điều này từ lâu, rất lâu. Từ lúc anh còn bé xíu, mẹ dắt về làng. Người làng nhìn thằng bé khôi ngô, vui vẻ hỏi: “Ui trời, thằng nhỏ người ta vứt ngoài ruộng mà cô Hằng nhận nuôi đây hả. Bữa nay “bảnh” quá trời. Cô Hằng nuôi giỏi thật đấy”. Lúc đó, mẹ đã kéo anh đi thật nhanh, rồi giải thích, người làng thích đùa lắm. Chỉ vì lúc nhỏ, con trai hay đau ốm, nên mẹ mới giả vờ nhận con nuôi, để nuôi con được dễ dàng hơn mà thôi. Sau này, mẹ bán nốt mảnh vườn, coi như là cách để bảo vệ anh không thêm lần nào bị tổn thương, chỉ bởi những lời nói vô tư của người làng. Anh hiểu hết lòng mẹ. Yêu thương vô bờ bến của mẹ đã cho anh một gia đình ruột thịt đúng nghĩa nhất. Anh đã vì yêu thương đó mà trưởng thành. Anh cũng muốn giống mẹ. Lộc từng tâm sự tất cả những điều đó với cô gái mà anh cưới làm vợ, bây giờ là con dâu của mẹ.
Mắt bà Hằng cũng long lanh những giọt nước ấm nóng. Bà nhớ lại hình ảnh đứa con trai, lúc đó dù còn rất nhỏ tuổi, nhưng tâm hồn đã ấm áp yêu thương, khi tỉ mỉ chăm sóc cây lộc vừng khô héo, chỉ còn một chồi non bé nhỏ mong manh. Nhưng chỉ cần tình yêu thương đủ lớn, sự sống đã tiếp tục sinh sôi.
Bà Hằng nắm chặt tay đứa con trai, nở nụ cười mãn nguyện. Bây giờ ngoài ngõ nhà bà, chắc lại có đám trẻ con núp dưới bóng mát của cây lộc vừng để say sưa với mấy trò chơi tuổi thơ. Hay lại có các chị, các bà đi chợ hẻm về, dừng chân dưới tán lộc vừng, tán gẫu vài câu chuyện vui vẻ.
QUỲNH ANH