Tôi đã bao lần lên với “A Lưới đồng bào mình”, đã bao cuộc chuyện trò khuya bên những người bạn núi tình thâm, còn đậm mãi dư vị trà thơm miền ký ức. Mỗi lần lên là thêm một lần vui với những đổi thay của vùng đất này. Những con đường mới mở, rộng thênh, thoải dốc, chẻ xương cá từ trung tâm thị trấn vô đến bản làng. Khu chợ, những cửa hàng, cửa hiệu, quán xá rình rang, tấp nập, sáng đèn. Cuộc sống đầy năng lượng, như những cô gái Pa Cô tóc dài bên suối thác A Nor huyền thoại.
Lần này phố huyện đang rộn ràng “ngày hội vùng cao”, du khách đổ lên đông đúc, các nhà nghỉ kín hết phòng đăng ký trước gần cả tháng. Du khách đồng bằng làm sao không náo nức hòa mình vào những lễ hội đặc sắc lạ lẫm của vùng đất này: lễ hội tắm suối, lễ cúng dâng dèng, tục pộc xu (đi sim)… Hoa văn dèng hiện diện khắp nơi, không chỉ là trang phục truyền thống của các mẹ, các già làng, mà còn trong những đôi mắt rạng ngời thanh xuân của những em gái Tà Ôi đầy sức sống. Lễ hội rơi vào những ngày mưa trút, nhưng có hề gì. Tranh thủ từng lúc trời quang, du khách vẫn đổ lên quảng trường trung tâm mua sắm nơi “phiên chợ vùng cao”, ngó nghiêng check-in vườn đào, đồi sim tím. Chín giờ rưỡi đêm bạn vẫn còn gọi điện rủ “lên quảng trường giao lưu” vì bạn bè chưa ngớt.
Tái hiện nghi lễ cúng dâng dèng là tiết mục mới hết sức thú vị trong dịp này. Khâu chuẩn bị với mâm cúng lễ vật gồm một con gà chín, một vò rượu cần, bánh a quát, bát hương Ci cul. Những tấm dèng được sắp đặt gọn gàng quanh mâm cúng, sẵn sàng cho nghi lễ cúng nghiêm cẩn, rồi sau cùng là cuộc vui ăn mừng với những điệu múa Ri răm, Ân Zựt cầu xin Giàng dèng ban cho nhiều may mắn tốt đẹp trong cuộc sống. Trải hàng trăm năm, nghề dệt dèng đã được các thế hệ người Tà Ôi gìn giữ, trao truyền, phát triển đến hôm nay và trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Bộ sưu tập thời trang dèng từng lên các sàn trình diễn trong nước và quốc tế. Được biết, đến nay A Lưới có bốn hợp tác xã dệt dèng hoạt động thường xuyên, tạo ra những sản phầm dèng không chỉ mang giá trị văn hóa độc đáo của người Tà Ôi mà còn góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho từng gia đình, bản làng.
Tự dưng tôi nghĩ về mẹ Kăn Hốt, nhân vật đầy ám ảnh trong tùy bút “Mẹ sau núi” ngày ấy của tôi. Mười sáu năm trước ở thôn A Hươr, tôi lân la suốt ngày ngắm nhìn mẹ đan dèng với đôi tay thoăn thoắt, điệu nghệ. “Mẹ là người dệt dèng giỏi nhất vùng, là nghệ nhân, nhiều khách đến thăm. Mẹ dệt dèng nhanh, ba ngày xong một tấm. Mẹ cứ cặm cụi ngày qua ngày như thế, được ba mươi tấm dèng thì làm một chuyến qua bán tận xứ Lào”. Ngày ấy A Hươr là một trong những thôn du lịch sinh thái đầu tiên của huyện, do một dự án nước ngoài tài trợ. Lần này trở lại A Hươr, buồn thay, không còn cảnh tươi vui rộn rã như xưa. Không còn những du khách háo hức đạp xe quanh thôn, ghé thăm từng nhà hỏi han, tìm hiểu. Trời mưa dầm làm cho buổi chiều thêm ảm đạm. Dãy xe đạp dồn một góc sau nhà rông, ìm lìm, rỉ sét. Du lịch A Lưới nay đã sải những bước dài, nhưng thật buồn A Hươr hiu quạnh nằm lại sau núi.
Tự dưng nhớ nghi lễ cúng dâng dèng tạ ơn trong buổi hội sớm mai rộn rã, ngắm nhìn người mẹ A Hươr giờ già nua, mờ đục, không còn đủ sức với dèng, tôi buột miệng gọi qua núi “Ơ Giàng…”.
PHẠM NGUYÊN TƯỜNG