Hướng vào Đại Nội từ cửa Hòa Bình
Bạn từ Bình Dương quyết định chọn Huế làm điểm đến trong chuyến đi “quà tặng mùa hè” cho con. Ngay cả khi vé máy bay đã sẵn sàng, bạn vẫn ái ngại nắng nóng miền Trung dễ “nướng đen” mất hai cậu con trai. Vậy nhưng ra đến Huế, dành trọn một ngày cho khu di sản Cố đô Huế, bạn nhẹ nhàng và chắc chắn: Năm sau phải trở lại Huế thêm chuyến nữa, mời thêm cả ông bà đi cùng. Đường xa đã có máy bay, nhưng các điểm tham quan ở đây mới thực sự thú vị, nhất là đi đến đâu gặp cây xanh đến đó. Không gian dành cho cây xanh quá nhiều, cảm giác thích thú và gần gũi không dứt được. Bạn vui, đôi chân của tôi rã rời do suốt một ngày đưa bạn hết Đại Nội, lên lăng vua Minh Mạng và qua lăng vua Tự Đức cũng vì vậy mà dễ chịu hơn.
Suốt quá trình hình thành và phát triển, nhà Nguyễn qua các đời đã tạo dựng nên một quần thể kiến trúc phong cảnh vô cùng đa dạng, với hệ thống cây xanh, cây trồng làm cảnh, sưu tập các loài hoa thơm cỏ lạ của mọi miền. Trong tổng thể kiến trúc cảnh quan đó, hệ thống cây xanh, cây trồng tạo cảnh là một trong những nhân tố chính tạo nét độc đáo riêng cho từng di tích. Điều đó được thể hiện khá rõ qua sự quy hoạch, bố trí, lựa chọn chủng loại cây trồng đặc thù riêng cho từng khu vực. Đến nay, ở nhiều khu di tích vẫn còn tồn tại, lưu giữ nhiều cây trồng cổ thụ đặc trưng, thể hiện tính cách của từng vị vua đương triều, hay đánh dấu một điểm mốc lịch sử, mối quan hệ bang giao.
Trước điện Phụng Tiên (Đại Nội)
Trong đề án Điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010-2020, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Bảo vệ, tôn tạo cảnh quan kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên trong quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Huế không tách rời cảnh quan kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên của Quần thể Di tích Cố đô Huế”. Đó là cơ sở quan trọng để Thừa Thiên Huế tiếp tục thúc đẩy công tác cảnh quan môi trường của di tích Huế, gắn với công tác trùng tu tôn tạo các công trình kiến trúc và phát huy giá trị di tích cố đô Huế. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xác định công tác bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị cảnh quan môi trường di tích Huế là một trong 3 nhiệm vụ quan trọng của công cuộc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Huế.
Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn phục vụ tốt cho công tác cảnh quan, như: xây dựng và phối hợp triển khai thực hiện dự án “Quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo cảnh quan khu vực vành đai xanh lăng Minh Mạng”; xây dựng hoàn chỉnh dự án “Bảo tồn, phục hồi thích nghi vườn Thiệu Phương”; Xây dựng hoàn chỉnh dự án “Sưu tập, nhân giống và bảo tồn các giống cây di tích”; xây dựng đề án “Xử lý rác thải khu vực di tích Đại Nội bằng công nghệ vi sinh”… Việc chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan các sân vườn, ao hồ cũng được tập trung thực hiện, cải thiện đáng kể bộ mặt cảnh quan của khu vực di tích Đại Nội. Hệ thống hồ ao cũng được duy trì công tác vệ sinh mặt nước, thường xuyên xử lý các thực vật lan rộng trong hồ ao. Việc trồng sen trắng và nuôi thả cá chép cảnh cũng được triển khai để tôn tạo cảnh quan hồ ao của di tích trọng điểm, như: hồ Thái Dịch và ngoại Kim Thuỷ, Hộ thành hào, hồ Minh Giám..., góp phần tích cực tăng tính hấp dẫn cho điểm đến.
Theo anh Lê Công Sơn, Trưởng phòng Cảnh quan - Môi trường (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế), công tác ươm trồng các loài hoa quý, đẹp được đơn vị quan tâm đầu tư. Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất hoa để cấp đủ cho việc trang trí thường xuyên và các lễ hội, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Hệ thống cây xanh trên di tích được tiến hành kiểm tra thường xuyên để có các biện pháp xử lý cắt tỉa, tạo tán, không để xảy ra hiện tượng cây xanh gãy đổ ảnh hưởng đến công trình kiến trúc và cảnh quan du lịch. Trong đó, hệ thống cây cổ thụ được ưu tiên chăm sóc và bảo tồn bài bản, đúng mức, nhiều loại cây quý cũng được nghiên cứu bảo tồn chuyên sâu. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu cách lập vườn, tạo kiểng của người xưa để dần tiệm cận hơn với cảnh xưa dáng cũ. Từ những nỗ lực đó, hệ thống cây xanh đã góp phần tôn tạo cho cảnh quan di tích thêm phần mềm mại, tôn tạo cho các công trình kiến trúc đồ sộ thành những tiểu cảnh gần gũi thiên nhiên.
Anh Lê Công Sơn chia sẻ: Điều chúng tôi mong muốn nhất là cảnh quan di tích cũng được xem như một bộ phận cấu thành di tích. Chỉ có như thế, trong các dự án trùng tu di tích, nội dung này không còn như là “phần đuôi” và chắc chắn chúng tôi sẽ có thêm cơ hội, điều kiện để nghiên cứu chuyên sâu những giá trị đặc sắc và nguyên gốc của tổng thể công trình. Lâu nay, Ban giám đốc Trung tâm quan tâm và tạo nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh nhiệm vụ công tác này, nhưng do nguồn lực có hạn, nên chúng tôi vẫn còn cảm giác như tổ chức, bài trí công viên, cây xanh.
ĐỒNG VĂN