Như một vùng di trú nhỏ xinh, ấm cúng và cũ kỹ, nhiều lúc tưởng như tách biệt hoàn toàn với nhà cao cửa rộng, an nhiên nằm gọn một mình dẫu cho biết bao trầm luân nắng mưa dâu bể đổi dời. Ấy là ngõ Huế. Ngõ, không đơn thuần chỉ là ngõ, mà còn là một phần hồn của Huế xưa.
Trong những cuộc lang thang vô định trên nhiều con đường ở Huế, tôi đã thường bị dừng lại rất lâu ở những con ngõ nhỏ. Chúng như chứng nhân còn sót lại để kể một vài câu chuyện của thời cuộc, của đời người và của những thân phận mong manh. Và, trong muôn vàn hình dung về xứ Huế, phải chăng ngõ là một trong những ước lệ tin cậy nhất về góc hoài niệm ra đi - trở lại của người Cố đô?
Ngõ là một mã văn hoá.
Những ngày này, Huế đang chìm mình trong mưa và gió rét đầu mùa. Thả bộ bước chân trong ánh chiều tà sẽ bắt gặp những ngõ nhỏ, hẹp, u tối nhưng vô cùng sạch sẽ. Những mảng tường tróc lở để hiện ra màu đỏ gạch mà nắng gió thời gian đã nhuộm thành phai khác. Ngõ nhỏ dẫn vào những ngôi nhà cũng nhỏ, cộng sinh san sát, nép vào nhau tạo thành một bức tranh tuyệt đẹp. Cùng với ngõ gạch, Huế còn có những con ngõ xanh mướt mắt với hàng chè tàu được gia chủ cắt tỉa cẩn thận. Chỉ cần nhón chân qua đó thôi, đôi khi, cuộc dạo chơi may mắn sẽ cho bạn được bắt gặp hình ảnh một người già ngồi trước bậc thềm, và đôi mắt nhìn xa xăm. Trải nghiệm cuộc đời đã trả về nguyên vẹn một hình hài già nua, yếu ớt nhưng thần thái vô cùng ung dung tự tại.
Ngõ Huế thức dậy sớm và đi ngủ cũng sớm. Mới khoảng 4-5h sáng, các o các mệ đã lục đục chuẩn bị trà nước bún bánh để bán cho người dùng bữa, lẫn trong xao xác tiếng rao ăn hàng buổi sáng. Ngõ nhỏ chật chội càng trở nên đông đúc, chỉ kê được một hai chiếc bàn và hầu như bán cho khách quen. Tối, ngõ Huế vắng người từ rất sớm, nhất là những ngày mưa gió rét, ngõ nhỏ hiện ra với đầy đủ nét u buồn, cô đơn của khu phố ngoại ô. Nhưng lẩn khuất thật sâu trong những nếp nhà xứ Huế, khi mùi nhang đã bắt đầu được bay lên, ánh đèn đã nhác màu vàng đục thì vẫn có những chiếc bàn nhỏ được kê trong sân vườn. Họ có thể uống trà hoặc nhậu, nói chuyện thời sự hay bình thơ văn. Huế vẫn ngủ rất muộn và rất sâu, nếu cất công đi lượm những điều kín đáo ấy.
Cho nên, ngõ Huế bây chừ góp phần vén lộ một nếp sống kiểu làng xã ở Việt Nam thuở trước.
Có những đêm không ngủ, tôi đi bộ một mình trên những con hẻm nhỏ của Huế. Lúc này, mùi mồ hôi, mùi đồng thau han rỉ đã không còn nữa mà chỉ thấy thơm phưng phức mùi nhang khói đốt đêm. Kẻ Bắc Kỳ tôi đã lần theo mùi nhang ấy để dẫn đến một ngõ nhỏ trong Thành Nội. Đang ngơ ngác nhìn quanh thì nghe thấy tiếng hát của Thanh Thuý vang lên đầy ma mị. Ánh đèn vàng cô độc hắt hiu tưởng như có thể nhấn chìm những cơn đau mới chớm. Ngói cũ tường rêu nằm yên bao năm không tiếng động, mặc kệ những cơn rao bán của kinh tế thị trường. Ngõ buồn, im lặng và xác xơ. Xác xơ nhưng đẹp, kiểu đẹp mảnh mai mềm yếu ẩn sau nét cũ kỹ hoang tàn.
Đó là lúc tôi nghe Thanh Thuý hát “Nửa đêm ngoài phố”. Không đau đớn dằn vặt chi. Mà chỉ là một tiếng thở dài nửa đêm về sáng. Nhức tim đến bây giờ.
Bỗng nhận ra, nhân gian ồn ào hay yên ắng chẳng hề tác động chi đến tiếng chân bước trên hè phố lát đá của người ca sĩ ấy. Bởi vẫn còn đây một ngõ xưa âu sầu, với những cũ mới, đục trong lịm đi cùng tiếng hát.
Ngõ Huế đôi khi chỉ là những mảng rời, có phần luộm thuộm và gầy ốm, chẳng liên quan chi đến nét đài các, mơ màng của các di tích Cố đô. Nhưng mà tôi đã bị mê hoặc bởi những khung cảnh này. Có chút gì rất thật, rất thương, rất chịu đựng. Một vài lần và muôn kiếp trước.
Và hình như, với Huế, đấy chính là cuộc đời thì phải.
NGUYÊN HƯƠNG