ClockThứ Sáu, 09/09/2022 21:30

Khắc họa chân dung văn nghệ sĩ bằng thơ

TTH - Mỗi chân dung văn nghệ sĩ là một câu chuyện được khắc họa ngắn gọn bằng một bài thơ. Ở đó độc giả sẽ thấy rõ sự tinh tế nhưng cũng đầy rung động, cảm xúc của chính tác giả, nhà thơ khi “vẽ” chân dung những bậc tiền bối văn nghệ sĩ.

Từ Dạ Thảo “vẽ” chân dung văn nghệ sĩ bằng thơ

Tập thơ “Người trong bóng chữ” của nhà thơ Từ Dạ Thảo khắc họa 123 văn nghệ sĩ

Tập thơ với tựa đề “Người trong bóng chữ” của nhà thơ, nhà báo Từ Dạ Thảo (tên thật Phạm Xuân Hùng, hiện đang công tác tại VTV8, TP. Đà Nẵng) vừa được ra mắt tại Liên hiệp các hội VHNT tỉnh đã để lại rất nhiều cảm xúc với công chúng quan tâm. Tập thơ bao gồm 123 bài thơ là 123 chân dung tác giả hoạt động ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Nhiều nhận định đồng quan điểm đây là tác phẩm khá đồ sộ, vượt xa “Chân dung nhà văn” của tác giả Xuân Sách (1992).

Ở đó, người đọc sẽ bắt gặp được hình bóng nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Đỗ Nhuận, Trần Hoàn, Vũ Đức Sao Biển, Lam Phương, họa sĩ Đinh Cường, đạo diễn Trần Văn Thủy. Riêng ở lĩnh vực văn học, có rất nhiều tác gia tiêu biểu thuộc nhiều thế hệ khác nhau, như Nhất Linh, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Huy Cận, Xuân Diệu, Bùi Giáng, Tô Hoài, Tố Hữu, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lưu Quang Vũ…

Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phạm Phú Phong và chính là người thầy của nhà thơ Từ Dạ Thảo nhận xét đây là một “tập đại thành” về chân dung tác giả. Theo ông, người làm thơ chân dung không chỉ có tư duy, cảm xúc của một nhà thơ mà còn đòi hỏi năng lực của nhà phê bình. Không chỉ am hiểu hành trang cuộc đời tác giả mà còn đọc toàn bộ hoặc những tác phẩm chủ yếu, mới có thể tạo nên bức chân dung tinh thần. Ngoài ra, phải am tường rất nhiều loại hình nghệ thuật của các tác giả đa tài hoặc hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

“Tôi nể phục sức đọc và sự quan sát, phát hiện một cách tinh nhạy của Từ Dạ Thảo… Không phải tác giả nổi tiếng nào cũng lọt vào tầm ngắm của Từ Dạ Thảo. Với con mắt của nhà phê bình, anh chỉ chọn những tác giả nào có vấn đề và mình có sự am tường để luận bàn, phân tích”, nhà phê bình Phạm Phú Phong đánh giá khi đọc bản thảo tập thơ.

Với thể thơ tự do được vận dụng một cách phóng túng, Từ Dạ Thảo đã khắc họa thần sắc thế giới tinh thần của các văn nghệ sĩ bằng những bài thơ có độ dài ngắn khác nhau. Có bài dài nhất 28 câu, bài ngắn nhất 4 câu, phần nhiều là 12 câu. Trong đó, chân dung được Từ Dạ Thảo “vẽ” dài nhất đó là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và được xem đó là bức chân dung hay, đẹp nhất trong tập thơ này. Bức chân dung người nhạc sĩ họ Trịnh dù dài nhưng vẫn không thừa, không thiếu. Điều này chứng tỏ cái nhìn tinh tường, am hiểu và chọn lọc kỹ càng của Từ Dạ Thảo. Hay như phận đời chìm nổi của nhà văn Phùng Quán qua “nét vẽ” của nhà thơ rất chân thật: “vượt Côn Đảo muôn trùng sóng gió/ lời mẹ dặn mang theo khắc cốt ghi tâm”.

Không phải đơn giản mà khắc họa được một bức chân dung trong một tác phẩm ngắn gọn nhưng súc tích, cô đọng như thế. Mỗi bức tranh đã ôm trọn một bức chân dung, đặc tả một cách chi tiết, cho thấy “họa sĩ” thi ca Từ Dạ Thảo rất am tường cuộc đời mỗi nhân vật và chất chứa sâu thẳm bên trong tình cảm, sự đồng cảm và lòng mến mộ cho các bậc tiền bối. Có thế mới nắm được bố cục chặt chẽ, thần thái của mỗi tác phẩm.

Đọc tập thơ này người ta sẽ thấy rõ Từ Dạ Thảo đã sử dụng mô thức lắp ghép tựa đề hoặc nội dung, các câu chữ của tác giả để tạo nên chân dung tác giả ấy. Việc này đã khó nhưng không khó bằng những bình luận, tổng kết của Từ Dạ Thảo trong mỗi nhân vật để làm nên một bức chân dung đích thực. Bức tranh ấy có đôi mắt, linh hồn của tác phẩm.

Đặc biệt hơn nữa, 123 bài thơ này được Từ Dạ Thảo sáng tác trong vòng chưa đầy 4 tháng trong năm 2021 với thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và Đà Nẵng là nơi ảnh hưởng nặng nề, với nhiều lần bị phong tỏa nghiêm ngặt. Điều này cho thấy, ngoài việc lao động một cách miệt mài, nghiêm túc trong một thời gian ngắn nhưng khẳng định được vốn tích lũy hàng chục năm đọc, tìm tòi, nghiên cứu của Từ Dạ Thảo về những tác giả mà anh đặt bút để “vẽ”.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chân dung nhà vô địch đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24

Với màn thể hiện xuất sắc trong trận chung kết năm của chương trình Đường lên đỉnh Olympia, em Võ Quang Phú Đức, học sinh lớp 12 Toán 1, Trường THPT chuyên Quốc Học Huế đã mang vòng nguyệt quế trở về quê hương, trở thành cái tên thứ ba của trường trở thành nhà vô địch sau Hồ Ngọc Hân (năm 2009) và Hồ Đắc Thanh Chương (năm 2016). Báo Thừa Thiên Huế Online có cuộc trao đổi với Phú Đức về cảm xúc của em và những diễn biến trong trận chung kết.

Chân dung nhà vô địch đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24
Tổng kết Trại sáng tác văn học nghệ thuật “Bài ca thống nhất”

Chiều 22/8, tại Khách sạn Duy Tân 2 diễn ra lễ tổng kết Trại sáng tác văn học nghệ thuật “Bài ca thống nhất” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức. Ông Hoàng Khánh Hùng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đến dự.

Tổng kết Trại sáng tác văn học nghệ thuật “Bài ca thống nhất”
Văn nghệ sĩ và Festival Huế

Khởi nguồn từ Festival Việt – Pháp, được tổ chức lần đầu tiên năm 1992, đến năm 2000 được đổi thành Festival Huế, và trở thành sự kiện lớn của vùng đất, quy tụ nhiều chương trình nghệ thuật, đại diện và mang dấu ấn của nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Để có thể tổ chức một kỳ festival thành công, lần sau quy mô hơn lần trước, là sự quy tụ, đóng góp của người dân Thừa Thiên Huế mà đặc biệt là văn nghệ sĩ, những con người chuyên sáng tác, sáng tạo và thể hiện, trình diễn các tác phẩm văn học - nghệ thuật.

Văn nghệ sĩ và Festival Huế
Văn nghệ sĩ sáng tạo và cống hiến

Khởi nguồn từ cuộc vận động vào năm 2005, đến năm 2010, Giải thưởng Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trở thành giải thưởng thường niên do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động 5 năm 2 lần. Tại Thừa Thiên Huế, cuộc thi đặc biệt thu hút nhiều văn nghệ sĩ tham gia. Các tác phẩm về Bác chứa đựng tâm huyết của những nghệ sĩ liên tục được tạo ra trên đất Thần kinh, nơi người cha già dân tộc đã gắn bó thuở thiếu thời, thuở thanh niên.

Văn nghệ sĩ sáng tạo và cống hiến

TIN MỚI

Return to top