Biểu diễn âm nhạc hai bờ sông Hương là một nét đẹp văn hóa của thành phố
Từ các nhóm nhạc tự phát
Từ năm 2000, âm nhạc đường phố bắt đầu xuất hiện ở Huế trong mỗi dịp festival với 2 ban nhạc biểu diễn 2 dòng nhạc flamenco và pop. Sau đó, nhiều nhóm nhạc tự phát của các bạn sinh viên cùng sở thích tập hợp lại biểu diễn ở phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Và dần, các chương trình biểu diễn âm nhạc hai bên bờ sông Hương đã trở thành một nét đẹp văn hóa của thành phố những ngày cuối tuần.
Những năm trước, nhóm bạn trẻ “Du ca Cố đô” thường thắp nến ngồi lại thành vòng tròn khép kín, những bạn nam ôm cây guitar gảy từ khúc nhạc này cho đến giai điệu khác, các bạn nữ cất tiếng hát trong trẻo, mê say trên nền nhạc đệm du dương. Các bạn ca vang về những bài ca tuổi trẻ, những bài hát thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Đám đông vây quanh cùng hòa nhịp hát theo, cả góc phố rộn tiếng ca, tiếng đàn.
Sau này các bạn đem thêm loa thùng và micro tới, không chỉ tự mình biểu diễn, người xem nào “cao hứng” đều có thể cùng “trổ tài” góp vui. Phước Hạnh, thành viên “Du ca Cố đô” biểu diễn âm nhạc suốt 5 năm, chia sẻ: “Mình cảm thấy thỏa niềm đam mê khi được chơi nhạc trước đám đông. Năm năm biểu diễn đã giúp mình đàn lên tay rất nhiều”. Ngoài “Du ca Cố đô”, Huế còn có nhiều nhóm nhạc đường phố do sinh viên thành lập, như: Fi-For, Bazook thường xuyên biểu diễn ở phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Sự gần gũi, phóng khoáng của không gian đường phố kết hợp với cách biểu diễn ngẫu hứng luôn đem lại sự thích thú cho người xem.
Đến các dàn nhạc "trường, lớp"
Năm 2012, tại nhà Kèn (công viên 3/2), công viên Thương Bạc, công viên Lý Tự Trọng hay công viên trên đường Trịnh Công Sơn, các dàn nhạc trẻ, dàn nhạc dân tộc tổng hợp, dàn nhạc guitar, dàn nhạc kèn, dàn nhạc Hương Giang, dàn hợp xướng acapela của Học viện Âm nhạc Huế đã thay phiên nhau làm “nóng” hai bờ sông Hương. Từ nhạc dân tộc mộc mạc, ngọt ngào, nhạc đương đại trẻ trung, sôi động cho đến nhạc giao hưởng hàn lâm, trang trọng, tùy theo thời điểm hay sự kiện sẽ trình diễn những thể loại khác nhau. Lê Bằng (sinh viên năm 3 Khoa Sư phạm âm nhạc, HVAN Huế) thường biểu diễn cùng dàn nhạc Guitar tại nhà Kèn vào chiều chủ nhật hàng tuần, chia sẻ: “Những tâm tình của chúng tôi đều thể hiện qua âm nhạc. Sự hiện diện và đón nhận của khán giả chính là niềm vui, niềm vinh hạnh lớn nhất đối với người chơi nhạc”.
Bao nhiêu năm nay, chỉ lỗi hẹn vào ngày mưa, còn lại ở những cung đường, góc phố ấy, những nhóm nhạc đường phố vẫn miệt mài biểu diễn. Ở đó, người nghe được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ các bài hát thịnh hành đang được chào đón cho đến các tác phẩm bất hủ, từ thanh âm của đàn nhị, đàn nguyệt, guitar, violon... Anh Nhật Tiến (trú tại phường Đúc, TP. Huế) thường dừng chân ở các công viên để nghe nhạc, chia sẻ: “Thưởng thức âm nhạc ở công viên đem lại cảm giác chân thực, tôi cảm thấy mình đang được hòa điệu với những người lạ xung quanh thông qua âm nhạc”.
Nhạc sĩ Đặng Xuân Trường, Giảng viên Thanh nhạc, Phụ trách Phòng Công tác Học sinh – Sinh viên (HSSV) cho hay: “Sân diễn vừa để phục vụ người dân và du khách, vừa là cơ hội để HSSV học hỏi, thể hiện bản thân, qua đó cũng quảng bá hình ảnh của HVAN Huế”. Trung bình mỗi chương trình biểu diễn khoảng 45 - 60 phút, có thể xem đó là “đất diễn”, là sân chơi thực tế để HSSV cũng như giảng viên HVAN Huế có cơ hội trau dồi chuyên môn, rèn luyện bản lĩnh biểu diễn trên sân khấu.
Huế có tiềm năng và thế mạnh về đội ngũ những người làm nghệ thuật, là những giảng viên, nghệ sĩ, sinh viên HVAN Huế, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh, Khoa Nhạc Trường cao đẳng Sư phạm, các đoàn biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh,... Ngoài ra, hai bờ sông Hương mang lợi thế về không gian nên thơ, phù hợp cho các chương trình biểu diễn âm nhạc. Thạc sĩ Hoàng Thanh Sơn, Phó Giám đốc HVAN Huế, đề xuất: “Nên có một khu liên hợp gồm âm nhạc, ẩm thực và mua sắm để khách du lịch khám phá Huế về đêm, vừa để quảng bá nét đẹp văn hóa, vừa thu hút du lịch - dịch vụ”.
Phước Ly