ClockThứ Ba, 14/02/2017 12:46

Lan tỏa các giá trị truyền thống

TTH - Ông Nguyễn Quê, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, đa phần các hoạt động, lễ hội ở Huế mang tính chất dân gian, truyền thống và là điểm nhấn thu hút người dân, du khách. Điều này được thể hiện rõ tại xuân Đinh Dậu 2017.

Khai hội Đền Huyền Trân

Những điểm nhấn

Năm nay, tại Thừa Thiên Huế có hàng chục hoạt động, lễ hội, được tổ chức từ trước Tết và kéo dài đến nửa sau tháng Giêng, khởi động bằng các hoạt động trưng bày, triễn lãm mỹ thuật ở Bảo tàng Văn hóa Huế, Hội Xuân Đinh Dậu TP. Huế, hội hoa xuân ở Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh… đến các hoạt động văn hóa, thể thao ở tất cả các huyện, thị. Diện tổ chức rộng và số lượng hoạt động nhiều, nhiều chương trình để lại ấn tượng trong lòng người dân và du khách. Tiêu biểu như lễ hội Đền Huyền Trân và các lễ hội gắn với đời sống, sinh hoạt cư dân vùng sông nước (lễ cầu ngư ở Thuận An thuộc huyện Phú Vang, lễ cầu ngư ở Hải Dương thuộc thị xã Hương Trà).

Lễ hội Đền Huyền Trân do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức có nội dung sâu sắc và mang tính giáo dục truyền thống cao. Trong phần nghệ thuật sử thi, người dân như được “nhắc lại” một giai đoạn của lịch sử với công lao của công chúa Huyền Trân trong việc mở mang bờ cõi. Ông Nguyễn Ngọc Bình, Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật tại lễ hội Đền Huyền Trân cho biết, tổng thể chương trình được xây dựng dựa trên chủ đề lễ hội “Ngưỡng vọng tiền nhân”. Khi xây dựng chương trình, ngoài nghiên cứu lịch sử thì những giá trị nghệ thuật cũng được ông và những người trong ê kíp đầu tư và bàn tính kỹ. Đây chính là điểm nhấn, khiến người xem thích và nhớ mãi.

Lễ hội cầu ngư ở Thuận An và Hải Dương được tổ chức tam niên đáo lệ (ba năm một lần) cũng là một dấu ấn mùa lễ hội xuân. Năm nay, các lễ hội cầu ngư có đầy đủ nghi thức với hai phần lễ và hội, vừa tạo ra không khí vui vẻ dịp đầu xuân nhưng cũng chuyển tải những giá trị truyền thống vào tâm thức người dân. Chị Nguyễn Thị Lan, quê Phú Yên, kể: “Đưa con ra Huế học sau tết, nghe nói Thuận An có lễ hội cầu ngư tôi cũng về xem. Lễ hội rất hoành tráng, nhất là các nghi thức được tổ chức kỹ lưỡng, ấn tượng”.

Song song các lễ hội có “thương hiệu”, như: vật làng Sình (Phú Mậu - Phú Vang), vật Thủ Lễ (Quảng Điền), đu tiên Điền Hòa (Phong Điền), bài chòi (Thủy Thanh - Hương Thủy), đua ghe Lăng Cô (Phú Lộc), chợ phiên Gia Lạc, Vinh Mỹ, Quảng Ngạn… hầu hết các địa phương đều nhân rộng, tổ chức các hoạt động vui xuân, đón tết. Một số nơi, người dân còn tự tổ chức nhiều hình thức vui chơi lành mạnh, nhất là bài ghế (hình thức khác của bài chòi).

Mùa lễ hội xuân Đinh Dậu được đánh giá thành công tốt đẹp. Minh chứng rõ nhất là lượng người dân, du khách tham gia các hoạt động, lễ hội rất đông. Chỉ tính riêng Hội xuân Đinh Dậu TP. Huế thu hút hơn 60.000 lượt người dân và du khách tham quan, vui chơi trong 9 ngày diễn ra; lễ hội Đền Huyền Trân (mùng 8 – 9 Tết) theo ước tính của ban tổ chức, có khoảng hơn 4.000 lượt người đến tham quan, dâng hương, chiêm bái. Tuy lượng người đông nhưng hầu hết các địa điểm đều không xảy ra các hành vi phản cảm, chen lấn, xô đẩy. Nạn chèo kéo khách, hành vi thiếu văn hóa ở các điểm diễn ra lễ hội giảm. Không khí lễ hội từ vùng nông thôn đến thành phố luôn vui vẻ, nhộn nhịp.

Lan tỏa

Ông Nguyễn Quê cho rằng, các cơ quan, ban, ngành chịu trách nhiệm tổ chức lễ hội, song vai trò chủ thể, thực hành lễ hội chính là người dân. Đa phần người dân đi dự hội năm nay với tâm thế phấn khởi, vui vẻ nhưng nghiêm túc. Điển hình như lễ hội Đền Huyền Trân, phụ nữ các phường đến dâng hoa, dâng hương rất đông, hình thành một phong trào đẹp. Nhiều lễ hội, người dân chọn mặc trang phục truyền thống như áo dài. “Tôi tin tưởng những giá trị truyền thống đã và đang in sâu vào tâm thức người dân Huế, góp phần hình thành một nếp sống văn hóa, lan tỏa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, ông Quê khẳng định.

Tại nhiều địa phương, việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống được thể hiện khá rõ. Trước sự phát triển của các trò chơi điện tử, nhiều thế hệ vẫn tìm về các giá trị có từ ngày xưa, các lễ hội truyền thống đều rất đông vui. Bà Trần Thị Thảo, người dân Thủy Thanh, kể: “Bài chòi ở đây năm nay rất đông người tham dự. Tôi và nhiều người dân ở đây cũng mê nhưng nhiều người khách từ thành phố Huế về xin chơi nên nhường... ”.

Theo ông Nguyễn Phương Toàn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Hương Thủy, không khí vui xuân ở Hương Thủy năm nay rộn ràng, vui vẻ. Ngoài Thủy Thanh, trò chơi bài chòi còn được nhân rộng ở nhiều điểm của Thủy Lương, Thủy Phù, Phú Sơn,… không chỉ thu hút người già mà lớp trẻ cũng rất mê. Dự kiến những hoạt động văn hóa, lễ hội như vậy sẽ được tổ chức nhiều hơn vào dịp Tết các năm tới.

Bài, ảnh: Lê HỮu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biên cương Tổ quốc

Được các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sôi nổi, hưởng ứng, tham gia; là hoạt động có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân về truyền thống đoàn kết quân - dân, truyền thống anh hùng của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, là thành công của các cuộc thi.

Lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biên cương Tổ quốc
NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 9/11:
Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo sự đồng thuận của Nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
Áo dài & hành trình lan tỏa

“Tri thức may, mặc áo dài Huế” vừa được ghi danh, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sau một thời gian dài với rất nhiều các hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của chiếc áo dài truyền thống ở vùng đất kinh kỳ.

Áo dài  hành trình lan tỏa
Lan tỏa tinh thần sống xanh, sống sạch

Từ những hoạt động, phong trào phụ nữ sống xanh do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Huế triển khai, đã góp phần nâng cao nhận thức và hình thành thói quen phân loại rác thải trong sinh hoạt của các hộ gia đình, tiểu thương kinh doanh ở các chợ...

Lan tỏa tinh thần sống xanh, sống sạch
Tìm giải pháp bảo tồn lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu

UBND huyện Nam Đông và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan sẽ khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin về lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông. Điều này làm cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ, toàn diện một quy trình nghi lễ bỏ mả truyền thống cho công tác phục hồi, bảo tồn phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu.

Tìm giải pháp bảo tồn lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu
Return to top