ClockThứ Bảy, 23/05/2020 06:45

Lưu giữ tuồng Huế

TTH - Khi nghệ thuật tuồng đang bị khán giả lãng quên, đội ngũ kế cận cũng không còn hùng hậu, việc lưu trữ một cách bài bản, khoa học thông qua xây dựng cơ sở dữ liệu là cần thiết để giữ gìn tuồng Huế cho thế hệ mai sau.

Đến Huế sáng tạo nghệ thuậtĐưa ca Huế vào học đường: Sự chuẩn bị cho tương lai

Tất cả dữ liệu về tuồng Huế sẽ được lưu giữ một cách bài bản, khoa học. Ảnh: MINH HIỀN

Nguy cơ mai một

Từng phát triển rực rỡ trong quá khứ nhưng nhiều năm nay, cùng với sự phát triển của nhiều loại hình nghệ thuật đương đại, tuồng Huế đang vắng khán giả. Lực lượng nghệ sĩ tiếp tục kế thừa vốn quý này cũng không còn nhiều, tuồng Huế đứng trước nguy cơ mai một.

“Xã hội đang nỗ lực bảo tồn nghệ thuật tuồng nhưng ngặt là môi trường diễn xướng, đối tượng khán giả của loại hình này ngày càng hạn hẹp. Đơn vị nghệ thuật giữ gìn để bảo tồn, nghệ sĩ nỗ lực tập luyện để tham dự các cuộc thi nhưng khó có thể đưa ra ngoài biểu diễn phục vụ công chúng rộng rãi như các chương trình nghệ thuật phù hợp với thời đại. Điều đó khiến loại hình sân khấu này mai một dần”, bà Lê Mai Phương, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế băn khoăn.

Vở Phụng nghi đình. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

Nhiều năm qua, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phục dựng nhiều vở tuồng và trích đoạn tuồng, như: Sơn Hậu, Nguyệt Cô hóa cáo, Ngọn lửa hồng sơn, Quần phương tập khánh… cũng như thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến tuồng. Tuy vậy, các dữ liệu về tuồng Huế được lưu trữ một cách rời rạc, được các nghệ nhân, nghệ sĩ lưu giữ bằng nhiều cách: trong máy tính của mỗi cá nhân, bằng bản giấy, tập sách… Nếu không được bảo tồn, lưu giữ một cách khoa học, mất mát là điều khó tránh khỏi.

Hơn nữa, trong điều kiện số lượng nghệ nhân tuồng Huế ngày càng giảm theo thời gian, việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho loại hình nghệ thuật này là yêu cầu cấp thiết để lưu trữ một cách hệ thống toàn bộ những nguồn tài liệu hiện có, đồng thời sưu tầm bổ sung thêm những tư liệu còn lưu giữ trong dân gian.

Vở Tứ tuồng đại khánh. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

NSND Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, nhấn mạnh: “Hiện nay, chúng tôi cũng có nhiều cách lưu giữ lại vốn quý của nghệ thuật tuồng nhưng di sản phi vật thể vốn là cái được sáng tạo, học tập, đúc kết từ xưa đến nay qua nhiều thế hệ nên cần được lưu trữ một cách khoa học để những dữ liệu này có thể lưu giữ lâu dài, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Lưu giữ cho mai sau

Sau thành công của công trình xây dựng cơ sở dữ liệu về Nhã nhạc, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế tiếp tục đăng ký thực hiện đề tài cấp tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu cho tuồng Huế, với sự đầu tư về kinh phí của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở Khoa học & Công nghệ. Thông tin này khiến những người yêu nghệ thuật, các nghệ nhân, nghệ sĩ hết sức vui mừng vì đây là cơ hội để bảo tồn lâu dài và bài bản loại hình nghệ thuật di sản của vùng đất Cố đô.

Bắt tay vào xây dựng đề cương từ cách đây hơn một năm, nhóm nghiên cứu đã tiến hành những bước đi ban đầu, như: thiết lập phiếu điều tra, khảo sát thực tế, tìm kiếm tư liệu, viết các chuyên đề về tổng quan… Tiếp theo, nhóm sẽ đi điền dã, gặp các nghệ nhân, nghệ sĩ, những người đã từng biểu diễn hoặc xem tuồng để thu thập, ghi âm, điều tra, từ đó đưa ra những nhận định, đánh giá, so sánh, đối chiếu… Việc xây dựng bộ hồ sơ khoa học mất từ 1 đến 3 năm mới hoàn thành.

Bà Mai Phương cho hay, để xây dựng cơ sở dữ liệu về tuồng Huế, chúng tôi khai thác tất cả các khía cạnh, yếu tố cấu thành nên tuồng; trong đó có vũ đạo, mặt nạ, phục trang, kịch bản, âm nhạc, các làn điệu, cũng như tập hợp tất cả hình ảnh, băng đĩa, thu âm. Sưu tầm lại tất cả những nhân tố này cho vào hệ thống cơ sở dữ liệu, xây dựng hệ thống truy cập, trên cơ sở đó người nghiên cứu, người quan tâm đến nghệ thuật tuồng có thể xem và hiểu tuồng.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho tuồng Huế gặp khó khăn khi những người làm nghề gạo cội, các nghệ nhân cung đình xưa đã không còn, chỉ còn lại một số truyền nhân nhưng số lượng cũng không nhiều. Tuy vậy, điểm thuận lợi là thời gian qua, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu về tuồng. Các nghệ nhân, nghệ sĩ tuồng đều đang công tác tại nhà hát và đang lưu giữ nhiều bài bản tuồng cổ.

MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuồng Huế và bảo tồn đa dạng sinh học

Sự kiện nghệ thuật kết hợp với truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học này do lớp học Cầu vồng cảm xúc tổ chức diễn ra chiều 20/10 tại không gian trải nghiệm Hue Lotus (78 Minh Mạng, TP. Huế).

Tuồng Huế và bảo tồn đa dạng sinh học
Sáng tạo nghệ thuật từ cộng đồng

Tham gia các hoạt động hướng về cộng đồng và tìm hiểu, cảm nhận vùng đất mới là cách để sinh viên Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế thỏa sức sáng tạo nghệ thuật.

Sáng tạo nghệ thuật từ cộng đồng
Những cống hiến thầm lặng

Suốt 6 ngày đêm diễn ra Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024, lực lượng làm nhiệm vụ, đội ngũ kỹ thuật, công nhân thi công của các đơn vị đã có những đóng góp thầm lặng để góp phần làm nên thành công cho các chương trình.

Những cống hiến thầm lặng
Return to top