ClockThứ Sáu, 22/11/2019 14:47

Đưa ca Huế vào học đường: Sự chuẩn bị cho tương lai

TTH - Chương trình đưa di sản ca Huế vào trường học là một trong nhiều hoạt động được Sở Văn hóa & Thể thao phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo tổ chức, nhằm lan tỏa nghệ thuật ca Huế trong cộng đồng.

Xây dựng hồ sơ di sản ca Huế trình UNESCOBồi dưỡng kỹ năng biểu diễn cho diễn viên, nhạc công Ca Huế

Học sinh Trường THCS Thống Nhất thực hành hát ca Huế

Học rồi mê

Buổi học hát ca Huế của CLB Ca Huế Trường THCS Thống Nhất diễn ra vào hai tiết cuối chiều thứ 5 hằng tuần, do cô giáo Kim Liên, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật đứng lớp. Theo nhịp gõ của cô Kim Liên, cả lớp đang ôn lại bài “Lý Đoản xuân”. Với lời ca, âm điệu vui tươi, từng câu hát của bài “Lý Đoản xuân” được các em ngắt hơi, luyến láy đúng nhịp. Học xong điệu lý này, các em chuyển sang học bài “Hò mái xắp”. Dẫu là buổi học ngoài giờ nhưng em nào cũng nghiêm túc, chăm chú.

Lúc mới bắt đầu, lớp học ca Huế của Trường THCS Thống Nhất có gần 100 học sinh đăng ký tham gia. Qua thời gian sàng lọc, đến nay còn khoảng 30 em có đam mê và năng khiếu trụ lại với lớp. Hoàng Thanh Ngọc, học sinh lớp 6, hào hứng: “Trước khi tham gia vào lớp ca Huế, em chưa biết ca Huế là gì nhưng giờ lại rất yêu thích. Em thích ca Huế vì nó nhẹ nhàng mà em lại thích sự nhẹ nhàng như vậy. Ca Huế khó nhưng em sẽ cố gắng học thật tốt những bài bản cô đã dạy. Ngoài thời gian học ở lớp, về nhà em còn lên mạng tìm hiểu, nghe hát ca Huế”.

Bắt đầu vào tháng 8, chương trình đưa di sản ca Huế vào trường học do Sở Văn hóa & Thể thao phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo tổ chức là hoạt động trong khuôn khổ chương trình phối hợp giữa hai đơn vị nhằm đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho học sinh. Chương trình vừa tập huấn hát ca Huế cho 24 giáo viên âm nhạc của các trường trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn TP. Huế và dạy hát ca Huế cho học sinh theo hình thức CLB Ca Huế tại các trường THCS: Nguyễn Tri Phương, Thống Nhất và Trần Cao Vân. Các giảng viên của Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và nghệ nhân ca Huế tham gia giảng dạy và giao lưu trình diễn ca Huế.

Qua 3 tháng tập huấn, các giáo viên được giới thiệu những kiến thức tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển ca Huế; hát các làn điệu dân ca Huế và ca Huế; biểu diễn, giao lưu với các nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế. Giáo viên vừa học lời cổ vừa được hướng dẫn áp dụng lời mới phù hợp với yêu cầu phổ cập và để ca Huế đến gần với từng lứa tuổi, từng mục đích biểu diễn khác nhau.

Cô Trần Thị Hồng Anh, giáo viên âm nhạc Trường THCS Thống Nhất, chia sẻ: “Tôi học thanh nhạc, chưa từng được học về biểu diễn ca Huế nên ban đầu cũng thấy khó, nhất là cách luyến láy. Dần dần được hướng dẫn, giờ lại thấy thích hát các làn điệu, bài bản ca Huế. Trước đây, trong chương trình dạy nhạc cũng có giới thiệu ca Huế với học sinh nhưng giáo viên không biết nên không thể hát trích dẫn, chỉ mở băng của nghệ sĩ hát cho học sinh nghe. Giờ tôi có thể hát thành thạo một số bài bản và tự tin dạy cho học sinh”.

Sự chuẩn bị cho tương lai

Cô Nguyễn Phước Như Ý, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thống Nhất chia sẻ, khi có chủ trương này, các giáo viên âm nhạc cũng hơi lo lắng, nhưng sau 3 tháng được tập huấn, các giáo viên của trường đã tiếp nhận được một số làn điệu, bài bản ca Huế cũng như các điệu hò, điệu lý Huế. Khi học mới thấy ca Huế rất hay và thực sự có những giá trị về mặt nghệ thuật mà các thầy cô cần phải học. Ngoài CLB Ca Huế, ở các lớp học bình thường, giáo viên dạy nhạc dành thời gian vào cuối mỗi tiết để dạy một số điệu lý đơn giản. Nhiều lớp đã hát được và rất hào hứng. Đây là việc giáo dục kỹ năng, tình yêu quê hương cần thiết cho học sinh. Nếu giáo viên khơi gợi, truyền lửa được cho các em thì chắc chắn các em sẽ yêu thích.

Cô Đặng Thị Quỳnh Nga, Tổ trưởng Tổ âm nhạc dân tộc, Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật cho rằng: “Ngày một, ngày hai có thể hát ca Huế chưa nhuần nhuyễn, nhưng có người hát ca Huế, còn người đàn ca Huế, nhiều người biết và trân quý ca Huế, đó là điều đáng mừng! Các thầy cô có thể vận dụng những làn điệu đã học để dạy trong các tiết dân ca địa phương, các hoạt động văn nghệ tại trường, có những định hướng tốt cho các hoạt động liên quan đến nghệ thuật truyền thống”.

Sau khi hoàn thành tập huấn, các thầy cô giáo sẽ cùng các nghệ nhân truyền dạy và nuôi dưỡng tình yêu di sản ca Huế cho các thế hệ học trò. Đưa di sản ca Huế vào trường học là sự chuẩn bị cho tương lai, để di sản này có sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ. Từ đó, đặt nền móng cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản vô giá này một cách hiệu quả và bền vững. Điều này cũng có vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở vững chắc xây dựng bộ hồ sơ nghệ thuật ca Huế trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong tương lai.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, cho biết: “Chương trình đưa ca Huế vào trường học không chỉ đơn thuần là dạy cho học sinh tập hát ca Huế mà còn giúp các em nhận ra những giá trị nhân văn ẩn chứa trong nội dung từng bài bản. Từ đó, giúp các em biết trân trọng, yêu quý di sản ca Huế. Đồng thời, giúp các em có niềm đam mê với ca Huế nói riêng và âm nhạc truyền thống dân tộc nói chung, có khả năng thực hành biểu diễn, cảm thụ những làn điệu ca Huế. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản ca Huế trong đời sống đương đại”.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới

Trong 2 ngày 19-20/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến về công tác chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non (GDMN), tham vấn quy trình thí điểm, các biểu mẫu báo cáo kết quả thí điểm chương trình GDMN. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới
Ngày Quốc tế chống bạo lực và bắt nạt học đường (7/11):
Cần hành động nhiều hơn để chống bạo lực và bắt nạt học đường

Trong một báo cáo được công bố nhân Ngày Quốc tế chống bạo lực và bắt nạt học đường, bao gồm cả bắt nạt trên mạng, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết, cứ 3 học sinh thì có gần 1 học sinh trên toàn thế giới đã bị gây tổn hại về thể chất ít nhất 1 lần trong năm.

Cần hành động nhiều hơn để chống bạo lực và bắt nạt học đường
Phòng, chống bạo lực học đường: Nhà trường và gia đình cần theo sát con trẻ

Bạo lực học đường thực sự luôn rình rập, hiện hữu ở bất cứ ngôi trường nào. Ngoài những học sinh cá biệt, có xu hướng bạo lực thì nhiều hành vi bạo lực xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của học sinh. Các con chỉ nghĩ đơn giản “dọa cho bạn sợ” chứ không lường được những hậu quả, tổn thương tâm lý mà mình gây ra cho bạn học...

Phòng, chống bạo lực học đường Nhà trường và gia đình cần theo sát con trẻ
Singapore tích cực chuẩn bị cho Lễ hội Cửu Hoàng

Được công nhận là một phần di sản văn hóa phi vật thể của Singapore, Lễ hội Cửu Hoàng là một lễ hội truyền thống của Đạo giáo được tổ chức ở đền Leong Nam, với các nghi lễ phức tạp và lễ hội sôi động, cần được chuẩn bị suốt nhiều tuần.

Singapore tích cực chuẩn bị cho Lễ hội Cửu Hoàng
Return to top