ClockChủ Nhật, 09/02/2020 09:34

Đến Huế sáng tạo nghệ thuật

TTH - Đến từ những đất nước khác nhau nhưng cả hai nữ nghệ sĩ Janneke Kornet (Hà Lan) và Yumiko Ono (Nhật Bản) đã tìm thấy ở Huế những ý tưởng sáng tạo nghệ thuật.

Bức tường hoang & con đường tranhCùng em trải nghiệm sáng tạo trúc chỉThăng hoa cùng tranh sơn mài của họa sĩ Trương Bé

Nghệ sĩ Yumiko Ono (người mang áo dài) giới thiệu tác phẩm với người xem

Kể chuyện văn hóa tâm linh

Sau một tháng đến Huế tìm hiểu, thai nghén, nghệ sĩ Janneke Kornet đến từ Hà Lan đã ra mắt công chúng những tác phẩm đầu tiên về văn hóa tâm linh ở Huế thông qua hoạt động mở cửa xưởng tại New Space Arts Foundation từ ngày 1 đến 5/2.

Tất cả các tác phẩm đều đề cập đến tín ngưỡng thờ phụng và được sáng tác từ những chất liệu gắn bó quen thuộc với người dân Huế. Ấn tượng nhất là tác phẩm sắp đặt “Huế” với những chân hương được xếp trên cát theo hình ảnh uốn lượn của dòng sông Hương. Để thực hiện tác phẩm này, ngay khi đến Huế, Janneke Kornet đã đến gõ cửa từng nhà, thậm chí bới thùng rác để xin… chân hương.

Một tác phẩm khác có tên “Thiên Y A Na” được Janneke Kornet sắp đặt từ gỗ cây trầm hương và chân hương cô thu nhặt được ở điện Hòn Chén, nơi Thánh Mẫu Thiên Y A Na được thờ phụng. Hai bức tranh khác Janneke Kornet vẽ về Thánh mẫu Thiên Y A Na là hình ảnh của mây trời và bọt biển.

Với mỗi tác phẩm, Janneke Kornet thường kể những câu chuyện liên quan và truyền tải các ý niệm về nghệ thuật. Theo tìm hiểu của cô từ truyền thuyết, Thánh mẫu Thiên Y A Na được sinh ra từ đám mây và bọt biển nhưng thân thể được hình thành từ cây trầm hương. Đó là lý do cô sáng tác các tác phẩm này.

Sáng tạo với lụa

Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, công chúng yêu nghệ thuật ở Huế cũng đã được thưởng lãm triển lãm sắp đặt đương đại có chủ đề “Chất hữu cơ” của nghệ sĩ Yumiko Ono đến từ Nhật Bản tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị.

Ngoài các bức tranh vẽ, đáng chú ý là 4 tác phẩm sắp đặt đều được Yumiko Ono sáng tạo từ chất liệu lụa truyền thống của Việt Nam. Đây là nghệ thuật sắp đặt vải lụa được lấy cảm hứng từ Metabolism, một phong trào kiến trúc của Nhật Bản, giữa cuối thập niên 50 và đầu thập niên 70 của thế kỷ 20.

Bằng cách tạo ra các kiến trúc mềm, nghệ sĩ Yumiko Ono cố gắng tạo ra một thế giới nằm giữa thế giới thực và thế giới không thực. Với các tác phẩm điêu khắc mềm mại được kết hợp từ nhiều modun của kiến trúc, Yumiko Ono tạo ra cuộc đối thoại, mang đến cho người xem một không gian nghệ thuật mới.

Theo giới thiệu của nghệ sĩ Yumiko Ono, kiến trúc Metabolism tạo ra một tòa nhà thực sự sống, là dạng kiến trúc có thể được thay thế, mở rộng. Nó không chỉ là những khối vật sắt vô hình mà giữa con người và kiến trúc có sự giao hòa, ở đó có cuộc sống, cảnh quan, âm nhạc…Cảm hứng

Sang Việt Nam dự đám cưới của anh trai, nghệ sĩ Janneke Kornet đã đăng ký nhiệm trú tại New Space Arts Foundation. Còn nghệ sĩ Yumiko Ono đến Huế triển lãm bởi duyên hạnh ngộ với giám tuyển Hoàng Thị Hiền, một người Huế đang học tập tại Nga. Họ đều có điểm chung là hứng thú với văn hóa truyền thống của Huế và tìm thấy ở đây các ý tưởng sáng tạo.

Nghệ sĩ Janneke Kornet hào hứng: “Điều tôi thấy hứng thú nhất khi đến Huế là văn hóa tâm linh, nó đậm sâu và quan trọng trong đời sống hàng ngày của mọi người. Tôi thực sự ấn tượng với hình ảnh những cây hương ở khắp mọi nơi trong thành phố, nó là minh chứng cho những hoạt động của trần gian liên kết với thánh thần. Đây là điều rất đặc trưng, hoàn toàn khác với đời sống ở Hà Lan và tôi được khơi nguồn hứng khởi bởi những ý tưởng này”.

Buổi triển lãm ở Huế chỉ là bước khởi đầu. Janneke Kornet cho biết, khi về Hà Lan, cô sẽ mang theo chân hương và cát, tiếp tục xây dựng các ý tưởng để triển lãm ở Hà Lan.

Theo nghệ sĩ Yumiko Ono, ở Việt Nam cũng có nhiều tòa nhà có kiến trúc tương tự Metabolism. Trường đại học Sư phạm – Đại học Huế cũng là một dạng kiến trúc như vậy. Yumiko Ono tin rằng, triển lãm của cô sẽ gần gũi với người Việt, đồng thời gửi gắm đến người xem thông điệp về việc quan tâm gìn giữ các giá trị kiến trúc cổ.

Tìm hiểu các chất liệu truyền thống của Việt Nam, Yumiko Ono chọn thử nghiệm với lụa, bởi nó đại diện cho chất liệu của Việt Nam nên sẽ gần gũi với người xem, lại có sự liên kết đặc biệt với Metabolism, một dạng kiến trúc hữu cơ.

Yumiko Ono chia sẻ: “Tôi thích lụa bởi sự mềm mại của nó. Trước khi chọn lụa, tôi đã tìm hiểu thông tin và được biết lụa là ngành thủ công đặc biệt của Việt Nam. Tôi chọn chất liệu này để sáng tạo tác phẩm như một món quà đặc biệt gửi tặng công chúng Việt Nam nói chung và Huế nói riêng”.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Năng động và sáng tạo

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã và đang xây dựng hình ảnh và phẩm chất người phụ nữ đáp ứng yêu cầu thời đại mới: Có tri thức, đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.

Năng động và sáng tạo
Gia tăng số lượng quốc gia tham gia cách tiếp cận đầu tư sáng tạo của FAO

Các phương pháp tiếp cận đổi mới sáng tạo và có mục tiêu hướng đến sự phát triển đang được chú ý hơn bao giờ hết, điều này được nhấn mạnh bởi sự tham gia ngày càng tăng vào Diễn đàn Đầu tư Hand-in-Hand năm 2024, trong khuôn khổ Diễn đàn Lương thực thế giới (WFF), đang được tổ chức từ ngày 14 - 18/10 tại thủ đô Rome, Italy.

Gia tăng số lượng quốc gia tham gia cách tiếp cận đầu tư sáng tạo của FAO
Sáng tạo nghệ thuật từ cộng đồng

Tham gia các hoạt động hướng về cộng đồng và tìm hiểu, cảm nhận vùng đất mới là cách để sinh viên Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế thỏa sức sáng tạo nghệ thuật.

Sáng tạo nghệ thuật từ cộng đồng

TIN MỚI

Return to top