Đi giữa mùa sen. Ảnh: Doãn Quang
Hôm trước đi ngang hồ Tịnh Tâm, kỳ lạ là sen chỉ mọc được ở một góc hồ, còn phía bên kia rau muống lên xanh um. Nhìn lên thấy cái miệng cống đen xì xả thải thẳng ra hồ. Hèn gì, làm sao mà sen hồ Tịnh không lụi tàn.
Mạ kể, đám cưới mạ ngày ấy cũng diễn ra vào đúng mùa sen. Sở dĩ mạ nhớ rõ như vậy là vì hôm trước ngày rước dâu, bà cố mua hoa sen về cắm trên bàn thờ. Còn mạ, thao thức cả đêm, lòng phập phồng nên dậy sớm và sững sờ khi thấy trên bàn thờ Phật hoa sen nở bung, tinh khiết. Mạ chưa bao giờ thấy một bình hoa sen nào đẹp như thế, những cánh hoa trắng muốt, tỏa làn hương dịu nhẹ…
Muốn nấu chè hạt sen trước hết phải xoi tim sen Ảnh: VĐN
Mạ về làm dâu vào mùa sen nên được thử thách bằng việc nấu chè hạt sen cúng rằm. Mạ nói bây chừ nấu chè hạt sen dễ òm, có người làm sẵn chứ ngày trước muốn nấu nồi chè hạt sen phải ngồi bóc vỏ, xoi tim muốn gãy cái lưng, nhưng bù lại mùi thơm của nồi chè hạt sen dậy nhà. Trong mùi thơm cũng cảm được phần tinh khiết gói ghém trong hạt.
“Chừ sen chi dở ẹt. Nấu xong không nghe mùi thơm chi hết. Vô duyên!”.
Mạ phán rứa và tôi chỉ ngồi cười chịu trận như bao lần nghe những người lớn tuổi càm ràm ngày xưa ăn món nớ ngon, răng chừ cái chi cũng dở, hay là tại cho thuốc trừ sâu quá nhiều?!
Mà, ngày nớ của những người như mạ tôi cách đây cũng 60-70 năm.
Tim sen - thuốc an thần tuyệt vời từ thiên nhiên. Ảnh: VĐN
Đôi khi ngồi gọt củ sen, tôi liên tưởng đến câu chuyện Thái Ất chân nhân dùng củ sen, hoa sen tạo hình hài cho Na Tra trong truyện “Phong thần diễn nghĩa”. Phải chăng hoa sen, tự ngàn xưa người ta đã nghĩ đến cốt cách kiên cường, cứng cáp chứa đựng trong một vẻ ngoài mềm mại.
Sau mùa hoa sen, vào tầm tháng 6, tháng 7 âm lịch khi sen đã tàn người ta mới đi đào củ sen. Sen được trồng khắp trong Nam ngoài Bắc nhưng chế biến cầu kỳ và đa dạng thì có lẽ Huế là nhất, ngoài món chè hạt sen thông thường, Huế có món chè hạt sen bọc nhãn lồng nổi tiếng, mứt hạt sen, mứt củ sen rồi củ sen hầm xương, canh sen, củ sen độn thịt và nếp hấp.
Thường những củ sen mập mạp, dùng để làm món hấp. Củ nào dài ngoằn ngoèo, khó xoi bùn thì xắt chéo vạt, hơi dày, luộc sơ qua rồi ướp đường làm mứt. Cái món mứt củ sen này có màu hồng sậm tự nhiên rất đẹp, vừa dai dai, vừa thơm, dùng uống với trà buổi sáng thì tuyệt. Nhiều lúc đổi “khẩu vị” với kẹo mè xửng truyền thống, tôi chọn mua mứt củ sen, và rồi từ đó, mỗi lần điện thoại về thăm Huế là bạn tôi lại í ới, tới mùa mứt củ sen chưa…
Đôi khi tôi cũng nhìn bàn tay nhăn nheo, đầy vết đồi mồi của mạ mình và thầm liên tưởng đến màu của củ sen già. Củ sen ấy đã đâm sâu xuống bùn, tìm kiếm dưỡng chất để cho hoa thơm, hạt bùi, lá xanh, để tạo một tấm thảm xanh trên mặt hồ và gió bạt ngàn đưa hương đi xa. Bàn tay của người mạ nào cũng thế, đã nuôi dưỡng, ôm ấp, vuốt ve bao đứa con yêu của mình, “lũ chúng ta ai mà chẳng lớn lên từ bàn tay mẹ” (ý thơ Nguyễn Khoa Điềm).
Mạ kể, thời mạ 15, 16 tuổi, chỉ con nhà quyền quý mới mặc áo vải trắng còn tất cả đều áo nâu nhuộm bùn. Cái mùi bùn đã vương trong áo, ngấm vào da thịt, đi vào hơi thở nhiều người thời mạ tôi và trước đó nữa. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao mạ tôi không thích nói về sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Với mạ, bùn không hôi, chỉ có bùn bị vấy bẩn mới hôi.
“Trắng muốt mùa sen trắng cổ thành
Tưởng như mùa hạ Huế chờ anh
Mượn ai tà áo bay màu lụa
Bọc lấy mùa hương ấy để dành…”
Đọc lại bốn câu thơ yêu thích của nhà thơ Chế Lan Viên viết về sen Huế và như một tia sáng chiếu rọi, tôi bước ra khỏi bức tường vị kỷ, định kiến lâu nay để nhận ra thêm một mùi hương trong mùa hương ấy, đó là mùi hương của bùn.
Và một lần nữa tôi nể phục mạ mình. Ôi, những bà mạ chân quê, hiền lành luôn là người sâu sắc và minh triết.
HẠ AN