Miễn phí trong các tối biểu diễn vào thứ ba và thứ sáu hàng tuần, tiền cát-xê cho diễn viên, nhạc công tham gia CLB hầu như không có, ngoại trừ những khi may mắn kêu gọi được tài trợ, từ những nguồn bạn bè thân quen.
Chật vật như thế và cũng chỉ qui tụ được 10 nghệ nhân, nghệ sĩ tâm huyết nhưng mục tiêu mà CLB đặt ra lại vô cùng lớn lao. Đó là nơi để các nghệ nhân ca Huế lớn tuổi không còn đất diễn do tuổi tác tìm được niềm vui khi xế chiều. Cũng là nơi đào tạo miễn phí cho những người trẻ yêu ca Huế đến học. CLB còn là chỗ để thể nghiệm bài bàn mới, duy trì, bảo tồn các bài bản ca Huế lớn vốn đã mất hút trong dịch vụ ca Huế du lịch vì cái sự khó của những bài bản kinh điển.
Nhưng sâu xa và lớn hơn, còn một mục đích khác mà CLB ca Huế thính phòng hướng tới là tìm một hướng đi cho Bảo tàng Văn hóa Huế theo hướng một bảo tàng sống.
Nhà thơ Võ Quê cho hay, trước khi Bảo tàng Văn hóa Huế thành lập, ông cùng một số nhà nghiên cứu Huế, lãnh đạo thành phố có một buổi tọa đàm trên truyền hình về việc xây dựng bảo tàng này thành một bảo tàng văn hóa nghệ thuật, làm nơi lưu giữ tài liệu, hiện vật về ca Huế, tuồng Huế, ẩm thực Huế, tranh dân gian làng Sình, và thậm chí cả áo dài Huế… Cùng với trưng bày là tổ chức biểu diễn, quảng diễn, thao tác nghề. Nếu tổ chức tốt có thể đưa vào tour, tuyến du lịch, nối dài khách về các làng nghề, về các cửa hiệu ẩm thực, các shop áo dài…Tiền bán vé tham quan bảo tàng, nghe ca Huế, xem tuồng... là một phần nguồn để nuôi bảo tàng, với các hoạt động nghệ thuật sống như biểu diễn ca Huế, tuồng Huế, đào tạo nghề... hay triển lãm nghệ thuật, bảo tồn vốn cổ.
Một đường đi nước bước có vẻ như đã “sờ được bằng tay, xem được bằng mắt”. Thế nhưng, làm gì nữa để Bảo tàng Văn hóa Huế “sống” hơn, hấp dẫn hơn, thu hút hơn, hiệu qủa hơn thì vẫn đang loay hoay và bó hẹp trong tâm huyết của một số ít nghệ nhân ca Huế luống tuổi.
Tiểu Muội