Tác phẩm “Tiếng hót trong rừng” của họa sĩ Lê Minh Phong. Ảnh: M.P
Mới đây nhất, một tác phẩm của họa sĩ trẻ Lê Minh Phong (TP. Huế) đã bị một xưởng tranh ở Hà Nội chép lại y nguyên và rao bán với giá tranh chép trước sự ngỡ ngàng của chính tác giả.
“Tác phẩm này tôi đang giữ nhưng đã có người chép lại từ ảnh trên facebook của tôi và rao bán với giá tranh chép. Họ còn ký tên họ và ghi thời gian vào tranh. Nhờ một người bạn thông báo tôi mới biết. Quả là đáng buồn!”. Họa sĩ Lê Minh Phong thảng thốt.
Rao bán công khai
Vụ việc được một người bạn phát hiện và thông báo, khi xem và đối chiếu lại tác phẩm gốc do chính tay mình vẽ họa sĩ Lê Minh Phong vô cùng bức xúc bởi hành vi đạo tranh trắng trợn rồi rao bán một cách ngang nhiên trên mạng.
Quan sát hai tác phẩm, rõ ràng thấy giống hệt nhau từ phong cách, màu sắc, cho đến bố cục. Làm sao lại có một sự trùng lặp ngẫu nhiên gần như nguyên bản như vậy trong sáng tạo nghệ thuật? Theo họa sĩ Lê Minh Phong, tác phẩm gốc có tên “Tiếng hót trong rừng” được chính anh thực hiện trong vòng hai tuần bằng chất sơn dầu trên bố, kích thước 80x100cm.
Và tác phẩm sau khi bị một xưởng tranh ở Hà Nội chép, đạo lại rồi rao bán công khai trên mạng. Ảnh: M.P cung cấp
“Ngay khi phát hiện tôi đã cùng nhiều họa sĩ ở Hà Nội phản ứng. Họ “nhận lỗi” và lấy lý do không biết luật, sau đó đã hạ bức trang này xuống”, anh Phong nói. Tuy nhiên, theo tác giả cũng như nhiều chuyên gia mỹ thuật việc hạ xuống này chỉ mang tính tạm thời, và câu chuyện chép, đạo tranh vẫn lởn vởn, công khai một cách âm ỉ. Còn với cộng đồng nghệ sĩ, việc này đã quá quen thuộc như “ăn cơm bữa”.
Nhắc đến vấn nạn này, họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Huế chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm. Ông Tựu kể, trong một cuộc triển lãm thường niên diễn ra trước tết vừa rồi có một tác phẩm cũng đạo tranh của danh họa Đinh Cường. Khi bị ban tổ chức phát hiện người này đã ngay lập tức xin lỗi và hạ bức tranh xuống.
Nhiều họa sĩ khác cũng cho rằng, đã nhiều lần lên tiếng vấn nạn đạo tranh một cách gay gắt nhưng rồi cũng chẳng đâu vào đâu. “Có bức tranh mới vẽ hôm nay, ngày mai đi triển lãm đã thấy đạo lại!”, một họa sĩ nói như thế về việc đạo tranh. Còn họa sĩ Phan Hải Bằng, mỗi lần nhắc đến đạo tranh là mỗi lần khá mệt mỏi. Nói theo cách của họa sĩ Bằng “cứ có cái gì mới là bị bắt chước”. “Những lúc như thế chỉ biết tĩnh tâm, tái tạo năng lượng để làm việc mà không cần bàn luận gì thêm”, họa sĩ Bằng điềm tĩnh. Để rồi, giờ đây một số họa sĩ khi có tác phẩm mới ra đời không dám công khai hình ảnh gốc lên mạng bởi sợ kẻ gian tải về, chép lại rồi rao bán.
Cần nhiều biện pháp thắt chặt
Hỏi về vấn đề bảo vệ quyền tác giả, họa sĩ Đặng Mậu Tựu cho rằng, hội chỉ có bảo vệ quyền lợi của hội viên bằng cách lên án. Nhưng cũng không riêng gì ở Huế mà nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc khi xảy ra tình trạng đạo tranh, các tác giả không đi đến tận cùng của sự việc để các cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật.
“Do vậy, rất khó giải quyết”, ông Tựu lý giải. Cũng theo vị họa sĩ này, bên cạnh ý thức của chính họa sĩ tôn trọng hoạt động nghề nghiệp lẫn nhau cần có nhiều biện pháp thắt chặt hơn nữa trong vấn đề bảo vệ bản quyền mà cụ thể theo ông được biết, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang tiến hành thành lập cơ quan giám định tác phẩm. Hy vọng, sự ra đời của cơ quan này dần hạn chế được nạn sao chép, đạo tranh một cách tràn lan như hiện nay.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, nhìn nhận vấn nạn chép, đạo tranh ở Việt Nam xuất hiện từ thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước. Cũng chính giai đoạn này, thế giới đã gọi Việt Nam là thời kỳ “đỉnh cao” chép tranh. Theo ông Bình, nhiều họa sĩ ban đầu nghĩ tranh mình được chép là vinh dự, nhưng khi tranh chép được bán giá cao còn tranh của chính tác giả mất giá khi đó mới phản ứng. Việc chép, đạo tranh không dừng lại ở “thợ” mà ngay một số họa sĩ còn coi đó là việc làm bình thường, trở thành hiện tượng hiển nhiên tồn tại. Riêng ở Huế, việc chép, đạo tranh xuất hiện từ trước năm 2000 và về sau càng nghiêm trọng hơn. Đáng nói, một số giáo trình giảng dạy cho sinh viên mỹ thuật gần như bỏ quên phần giáo dục bản quyền, đạo đức nghề nghiệp.
Ông Bình kể lại ngay chính cá nhân ông, cũng như nhiều họa sĩ là giảng viên của trường đã từng trở thành nạn nhân của các vụ chép tranh, đạo tranh gây nhiều thiệt hại về kinh tế và uy tín. Có lần, khi đi vào Hội An phát hiện một bức tranh nhái lại tác phẩm của mình đang treo ở nhà, khi hỏi ra chủ bán trả lời tranh của một họa sĩ ở Huế gửi vào bán do vẽ vội nên không có chữ ký mà chỉ biết thẫn thờ.
Theo ông Bình, có một thực trạng nữa là họa sĩ tự làm hại chính mình bằng cách tự chép lại tranh của mình đã bán trước đó để rao bán lại. Điều này đang âm ỉ, làm mất đi tính trung thực, giá trị của chính người họa sĩ đó. “Lâu nay, chúng ta nói nhiều về bản quyền một cách to tát tuy nhiên các quy định, pháp luật không đồng bộ, không có hướng dẫn cụ thể, các đơn vị quản lý chồng chéo. Đã đến lúc cần lên án mạnh mẽ, các văn bản pháp luật cần nêu rõ tội danh một cách rõ ràng”, ông Bình đề nghị và nói cần phải xử lý mạnh tay nếu không sẽ bùng phát và khó kiểm soát trong tương lai.
PHAN THÀNH