ClockChủ Nhật, 13/08/2023 12:11

Sen Huế trong tranh Lê Hòa

TTH - Buổi chiều cuối hạ, xe ngược dốc lên miệt đồi phía tây thành phố Huế. Nói là đi một vòng hóng gió, nhưng cũng chủ ý tìm ghé thăm một họa sĩ.

“Đồng vọng” Huế xưaGiới thiệu tác phẩm mỹ thuật mới của hoạ sĩ trẻHọa sĩ Lê Văn Nhường kể chuyện về di sản văn hóa Huế qua tranhGiữ tranh quý cho Huế

leftcenterrightdel
 

Qua con dốc quanh co mọc đầy những vạt xuyến chi, người và xe như lạc vào giữa những vòm xanh. Gió mát như êm như ru luồn qua hai bờ tre kết thành con đường lung linh hoa nắng. Những ngôi nhà nhỏ nép trên sườn đồi thanh bình, tĩnh tại. Huế có những con đường và khu dân cư ngoại đô đẹp như tranh vẽ. Tiếng bầy chim gù trên mái ngói đỏ và những ô cửa sổ bằng gạch không tô trét. Một khuôn cửa gợi hình một người hành thiền với đường nét giản dị lấp ló sau cành trúc vàng óng. Tôi nhận ra ngay ngôi nhà mình cần tìm.

Đôi vợ chồng họa sĩ trẻ Lê Hòa và Minh Thi với hai cậu nhóc đang xếp những chùm nhãn đầu mùa vào vài chiếc túi nhỏ. Nhãn Huế đầu mùa trồng trên đất miệt đồi có cùi dày, ráo nước, không quá giòn, vị ngọt thanh dịu và rất thơm. Chúng tôi đứng trước một căn phòng chừng gần 40 mét vuông tranh treo kín tường, tranh xếp ngay ngắn từng chồng bọc xốp bảo quản cẩn thận. Hòa vui vẻ:

- Đây là số tranh chuẩn bị cho cuộc triển lãm solo sẽ được tổ chức vào tháng 8 này ở Nhà triển lãm mỹ thuật của Hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Hà Nội.

leftcenterrightdel
 

Được biết, 15 năm từ ngày tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Huế, Hòa đã tham gia rất nhiều triển lãm chung ở địa phương, trong nước và các nước trong khu vực, đã nhận được nhiều giải thưởng và sự quan tâm của giới sưu tập và người thưởng ngoạn.

Sinh ra, lớn lên trong cái nôi nghệ thuật Cố đô, tranh của Hòa đã khai thác được những câu chuyện mang dấu ẩn hiện của thời gian, những bức tĩnh vật đầy chất hoài niệm, những mảng màu quá khứ hiện tại, hòa quyện trong từng lớp mache ghồ ghề, loang chảy. Quan tâm đến kỹ thuật tạo chất với cách thể hiện các hình thể kết hợp, tranh Hòa có một tone màu khá đặc biệt, dễ nhận biết là những đám rêu phong cổ kính, là bờ tường gạch cũ, những góc vườn đầy ánh sáng, dòng sông thơ mộng... như hương sắc trầm sâu xứ sở, như một tiếng gọi trở về.

Chúng ta tin vào vẻ đẹp tự nhiên của loài hoa có mùi hương thanh khiết được nuôi dưỡng từ bùn tối cô đơn. Chúng ta thành kính một loài hoa với những cánh mỏng nương tựa vào nhau trìu mến không lựa chọn. Có sự nhen nhóm trong giấc mơ người họa sĩ như một hoài thai đã hiện, một sự bùng phát của quá trình bình tĩnh chiêm nghiệm quan sát. Đất Cố đô mùa này khắp những ao hồ ở đâu cũng gặp sen. Ký ức lưu giữ những hình ảnh thơ mộng về sen và hiện tại là sức quyến rũ của lá, của hoa và mùi hương thuần khiết thấp thoáng giữa miền lăng tẩm đền đài cổ kính, làng mạc yên bình.

leftcenterrightdel
Sen của Lê Hòa 

Tôi không quá ngạc nhiên về số lượng hơn 30 bức tranh khổ lớn, có bức lên tới 4m mà họa sĩ chuẩn bị giới thiệu trong triển lãm này. Bởi đó là một hành động tốc lực đã được nung nấu. Một sự ấp ủ, hoài thai được nhen nhóm từ rất lâu đến kỳ bùng phát. Không có ở đây sự chần chừ dò dẫm quá độ. Đó là sự trôi chảy của tâm thức dẫn lối vào sắc màu và nét cọ, thong thả mà dứt khoát, tận tụy và thả trôi.

Phần mache với kỹ thuật tạo chất ấn tượng đã tạo nên những hiệu ứng đầy cảm xúc cho chủ thể trong câu chuyện mà tác giả muốn kể. Những lớp gạch Hoàng thành, sương khói thời gian và màu xanh dịu dàng trong trẻo của bầu trời của lá, màu trắng trong veo thánh thiện của những cánh hoa bung nở... Và trạng thái thiền định được thể hiện lặp lại với nhiều hình thể dù được làm mờ có ý thức như kiểu làm phần nền cho câu chuyện nhưng lại mang đến rất nhiều cảm xúc cho người xem.

Đối diện với “Tam Quan” “Tứ Diện” “Vọng Xưa” “Tiếp Nối”, chúng ta như được trở lại, với bàn chân hôn lên mặt đất. Và đến Vũ điệu Sen, Miền hạnh phúc, Khát vọng... với những mảng màu tuôn trào, loang chảy không cần tiết chế khoảng cách giữa bức họa và đời thực người xem có cảm giác đang được chạm đến miền yên tĩnh mà chúng ta luôn mong cầu được trú ngụ.

Mười lăm năm trước, bức tranh đầu tiên chàng sinh viên trẻ Lê Hòa hoàn thành và được một cư sĩ người Đức chọn mua là Tĩnh vật Sen. Và sau đó, với những mảng đề tài với hàng trăm bức họa được Hòa thể hiện trong suốt quá trình mày mò tìm kiếm một lối đi riêng, những dấu ấn trong con đường thực hành sáng tạo nghệ thuật của anh đều quyến luyến và có bóng dáng hương sắc của loài hoa đặc biệt này.

Hòa chia sẻ:

- Em không còn nhớ rõ mình đã vẽ bao nhiêu bức tranh về sen cũng như các họa sĩ ai cũng có nhiều hơn một lần vẽ về loài hoa này. Nhưng lần này thực sự em muốn làm khác, làm mới mình, làm mới tranh. Sen giờ đây không còn nằm ở việc vẽ hoa, vẽ lá hay vẽ cành mà nó còn được đào sâu hơn về những câu chuyện đời thường và nhiều triết lý sâu sắc mà con người ta đang đối diện.

Là những tình cảm chân thành với xứ sở, chút lãng du và cả màu sắc có hơi hướng triết lý, là khát vọng muốn gửi đến người thưởng lãm hướng đến con đường: Chân - Thiện - Mỹ qua hình ảnh “LOTUS” - SEN.

Lần giở từng bức họa tôi thật sự xúc động trước sự tập trung và sức lao động miệt mài sáng tạo của chàng họa sĩ trẻ. Màu, cọ và những kỹ thuật được tìm tòi cân nhắc đã tỏa sáng trên mặt toan thứ ngôn ngữ diễn cảm riêng biệt đáng trân trọng.

Mùa Sen. Đang giữa mùa sen, tranh của Hòa cũng đã nở những đóa sen của tình yêu và niềm hy vọng được chữa lành, được trở lại.

Họa sĩ Lê Hòa, sinh năm 1983 tại TP. Huế. Anh tốt nghiệp Trường đại học Nghệ thuật, Chuyên ngành Hội họa, là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Hòa đạt Giải Nhất Triển lãm chào mừng ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam do Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức năm 2016; nhận giải thưởng Bửu Chỉ tại Huế 2017; tham gia triển lãm khu vực Sông Mêkong tại Thái Lan tháng 12/2013; tham gia triển lãm “Điểm hẹn sắc màu Hà Lan” tại Bảo tàng Mỹ thuật Hồ Chí Minh năm 2014; năm 2011 & 2017 được trưng bày tranh tại Festval mỹ thuật trẻ toàn quốc ở Hà Nội…
Bài, ảnh: Trần Thị Bạch Diệp
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi nguồn từ một căn cước văn hóa

Võ Thành Thân là một trong những họa sĩ trẻ, góp phần làm nên công cuộc đổi mới nghệ thuật Việt Nam. Triển lãm cá nhân “Mộng Ảnh” của anh đang diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (TP. Hồ Chí Minh) từ ngày 30/11 - 15/12/2024 - triển lãm quy tụ 14 bộ tác phẩm sơn dầu, thành quả của hơn ba năm nghiên cứu và sáng tạo miệt mài.

Khởi nguồn từ một căn cước văn hóa
Trao giải 3 cuộc thi về lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế

Ngày 17/12, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tổng kết, trao giải 3 cuộc thi: Sáng tác ca khúc về truyền thống, sáng tác logo truyền thống Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh và cuộc thi viết “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân” tỉnh lần thứ 3, năm 2024; đồng thời, công bố phim tài liệu về lịch sử truyền thống LLVT tỉnh.

Trao giải 3 cuộc thi về lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế
“Huế rất riêng, đó là niềm cảm hứng trong sáng tác của tôi”

“Ngoài đề tài văn hóa di sản của Huế, điều mà tôi ấn tượng và cảm xúc trong quá trình sáng tác ảnh nghệ thuật ở vùng đất này đó chính là con người. Người Huế bình dị, mộc mạc và có “chất” riêng”, nhiếp ảnh gia Hoàng Quốc Vĩnh (sinh năm 1986, Gia Lai) – người vừa được xướng tên với giải thưởng tác phẩm nghệ thuật xuất sắc về Huế với bộ ảnh “Quần thể di tích Cố đô Huế” đã trải lòng như thế với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

“Huế rất riêng, đó là niềm cảm hứng trong sáng tác của tôi”
Chuông đồng - Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình

“Những chiếc chuông không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nghệ thuật đương đại” - nhận định này được PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra tại hội thảo “Chuông đồng thời Nguyễn – Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình”.

Chuông đồng - Từ triết mỹ Phật giáo đến nghệ thuật tạo hình

TIN MỚI

Return to top