ClockThứ Tư, 10/09/2014 15:46

Bứt phá của tác giả Huế

TTH - 15 tác giả Huế có tác phẩm được chọn tham gia Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2014 và 4 trong số đó xuất sắc đoạt giải. Con số này đã nói lên sự bứt phá và khả năng sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ trẻ Huế tại sân chơi có tiêu chí tuyển chọn rất ngặt nghèo này.

 

Vừa trở về sau khi đi nhận giải ở Hà Nội, Trần Thị Như Hải (1992), sinh viên lớp đồ hoạ 5, bộ môn Đồ hoạ, Trường đại học Nghệ thuật Huế, tác giả trẻ nhất đoạt giải tại Festival lần này tỏ ra rất vui mừng. “Đây là lần đầu tiên em tham gia một triển lãm mang tầm quốc gia - Hải nói. - Trước khi đi thi em không tự tin. Khi biết tin tác phẩm được chọn để trưng bày tại triển lãm, em vui lắm. Vậy mà tác phẩm đó lại đạt giải thưởng nữa thì quả thật là rất hạnh phúc!”.

 

Tác giả Trần Thị Như Hải bên tác phẩm đồ hoạ sắp đặt Bình yên

 

Tác phẩm kết hợp đồ hoạ và sắp đặt Bình yên của Như Hải thu hút sự chú ý của nhiều người xem tại festival bởi ở đó có hẳn một khung cảnh đầm phá thu nhỏ với những cánh cò rất đỗi thanh bình. Khác với hình ảnh những con cò lâu nay, những con cò của Hải lại trở thành không gian “chở” trên mình hình ảnh đầm phá, chài lưới, cuộc sống tảo tần, lam lũ mà yên bình của người dân. Những con cò này lại được khéo léo sắp đặt trong một không gian với hồ nước, những con cá tung tăng bơi lượn và đớp mồi dưới những cánh bèo. Chọn thể loại sắp đặt, một loại hình nghệ thuật đương đại nhằm mở rộng không gian tương tác cho tác phẩm, Như Hải đã rất sáng tạo trong cách biểu hiện mới để diễn đạt những hoài niệm đẹp trong tâm thức con người về quê hương. Điểm nổi bật nữa trong tác phẩm Bình yên là sự kết hợp giữa thể loại nghệ thuật sắp đặt với âm thanh và ánh sáng. Những tiếng mưa rơi, nước chảy, tiếng gió đưa cành và tiếng ếch kêu; ánh sáng hắt bóng những con cò lên tường khơi gợi sự tò mò và trí tưởng tượng, khiến người xem hoà nhập vào tác phẩm và chạm vào cuộc sống thực nơi vùng đầm phá, quên đi những hối hả, xô bồ của cuộc sống hiện đại...

 

Tác phẩm sắp đặt khai thác tính chất đặc trưng của nghệ thuật Trúc chỉ - Vì tình yêu là đủ cho tình yêu của hoạ sĩ Ngô Đình Bảo Vi

 

Khai thác tính chất đặc trưng của nghệ thuật trúc chỉ, một hình thức thể hiện rất mới, kết hợp ánh sáng, cấu trúc, không gian, họa tiết hoa hồng chìm ẩn để tạo nên tác phẩm sắp đặt có tính ý niệm, tác phẩm Vì tình yêu là đủ cho tình yêu của hoạ sĩ Ngô Đình Bảo Vi, Quản lý Dự án nghệ thuật trúc chỉ Việt Nam, đã thể hiện sự sáng tạo trong ứng biến và kết hợp kỹ thuật chất liệu, hình thức tạo hình trong một tác phẩm, tạo nên hiệu ứng thị giác mới mẻ với người xem.

 

4 tác giả của Huế đoạt giải tại Festival Mỹ thuật trẻ 2014 là: Ngô Đình Bảo Vi với tác phẩm Vì tình yêu là đủ cho tình yêu, sắp đặt; Lê Việt Trung - Người bạn, lụa; Trần Ánh Phi - Ký ức làng quê II, trúc chỉ; Trần Thị Như Hải - Bình yên đồ hoạ sắp đặt. Trong 4 tác giả này có 2 tác giả rất trẻ là Trần Thị Như Hải sinh năm 1992 và Trần Ánh Phi sinh năm 1990. Cả 2 đều là sinh viên năm cuối bộ môn Đồ họa Tạo hình, Trường đại học Nghệ thuật Huế. Tác giả Lê Việt Trung là giảng viên Khoa Hội họa của trường.  

“Lâu nay, người ta chỉ nghĩ giấy là giấy chứ không nghĩ giấy có thể làm được như vậy và tại festival này, trúc chỉ là một loại hình nghệ thuật mới (dựa trên quy trình làm giấy thủ công truyền thống nhưng là một hoá thân của cây tre) đã được Hội đồng nghệ thuật nhìn nhận. Sắp tới, những sản phẩm trúc chỉ sẽ tham gia triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc. Mình muốn làm một cái gì đó cụ thể cho Huế”, Vi chia sẻ.

 

Theo hoạ sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên bộ môn Đồ hoạ, Trường đại học Nghệ thuật Huế, “các tác giả Huế xuất hiện rất chững chạc tại triển lãm này và quan trọng là đã khẳng định nét riêng của mình qua việc khai thác nghệ thuật tạo hình với mọi góc độ, phương tiện, chất liệu... với tâm thức đương đại. Tính chất đương đại không chỉ dừng ở hình thức mà đã khai tách, kết hợp, ứng biến từ chất liệu, hình thức với tâm thức đương đại, trẻ, cởi mở, độc lập và chủ động”.

 

Đó là Lê Việt Trung với chất liệu lụa truyền thống nhưng đã chủ động thay đổi kết hợp, chồng lớp, cấu trúc bề mặt và chiều sâu... tạo nên hiệu quả thị giác mới lạ, tăng chiều sâu cho tác phẩm. Là Như Hải với tác phẩm sắp đặt đồ hoạ thoát khỏi mặt phẳng hai chiều, hoán đổi không gian với hình thể những con cò hóa thành không gian chứa đựng các vật thể tạo hình...

 

Hoạ sĩ Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế đánh giá: “Điều đáng chú ý trong 4 giải của Thừa Thiên Huế là ở chỗ có đến 2 tác phẩm từ trúc chỉ. Nghệ thuật trúc chỉ đã tạo được sự quan tâm về tính biểu cảm chất liệu và ngôn ngữ thể hiện ở các tác giả trẻ. Qua 2 giải thưởng ở Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2014 và 2 tác phẩm khác của trúc chỉ tại Triển lãm Bắc miền Trung 2014 vừa qua cho thấy triển vọng phát triển nghệ thuật Trúc chỉ là rất lớn”.

Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc triển lãm tranh Trúc Chỉ “Giao của mùa – Cảm ơn mùa hè”

Chiều 17/7, Tạp chí Sông Hương và Công ty TNHH Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam phối hợp tổ chức triển lãm tranh mang chủ đề “Giao của mùa – Cảm ơn mùa hè” tại Tòa soạn Tạp chí Sông Hương (số 9 Phạm Hồng Thái, TP. Huế). Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế tham dự.

Khai mạc triển lãm tranh Trúc Chỉ “Giao của mùa – Cảm ơn mùa hè”
Quảng Điền - miền cảm hứng sáng tạo

Về Quảng Điền, nghe trong gió văng vẳng câu hát người xưa: “Phá Tam Giang rộng lắm ai ơi!/Có ai về Sịa với tôi thì về/Đất Sịa có lịch có lề/Có sông tắm mát, có nghề làm ăn”...

Quảng Điền - miền cảm hứng sáng tạo
Dạo chơi vườn ngũ sắc

Hưởng ứng Festival Huế 2024, ngày 8/6 tới đây, các họa sĩ Huế và yêu Huế sẽ về miệt vườn Kim Long hoa trái để trưng bày tranh với chủ đề “Dạo chơi vườn Huế”. Cuộc dạo chơi sẽ được bài trí bởi 39 bức tranh của 7 tác giả, là những bước chân qua những góc vườn ngũ sắc, với những câu chuyện xao động sắc màu của nắng gió vườn xanh, những tự tình hàn huyên của lá và hoa trong những góc vườn Huế vừa tĩnh lặng vừa sôi động…

Dạo chơi vườn ngũ sắc
Kể chuyện lịch sử bằng ký họa

Những tác phẩm ký họa của họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên đã tái hiện được những năm tháng lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ của dân và quân Bình Trị Thiên với những góc nhìn chân thật về cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ. Nhiều tác phẩm trong số đó sáng tác trong thời kỳ tham gia kháng chiến và lần đầu tiên được công bố đến công chúng với tên gọi “Miền ký ức”.

Kể chuyện lịch sử bằng ký họa
“Những người bạn” tụ hội về Huế

Họ dù ở nhiều thế hệ, sống ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng có chung niềm đam mê với hội họa để rồi còn hẹn hò về Huế triển lãm. Với họ, Huế là vùng đất để lại rất nhiều kỷ niệm không chỉ trong sáng tác mà còn ở tình bằng hữu, tình của những người nghệ sĩ với nhau.

“Những người bạn” tụ hội về Huế
Return to top