|
Đình làng Thủ Lễ trong tranh của Đặng Mậu Triết |
Rất nhiều lần tôi đưa anh em văn nghệ sĩ cả nước về thực tế sáng tác ở Quảng Điền, thăm thành Hóa Châu, chùa Thành Trung, đình làng Thủ Lễ, miếu và lăng mộ Đặng Hữu Phổ, miếu thờ Nguyễn Hữu Dật, miếu Bà Tơ, làng đan lát Bao La, khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu… Những người con kiệt xuất của quê hương Quảng Điền luôn là đề tài gợi nhiều cảm hứng sáng tác. Hình ảnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được thể hiện rõ qua bút ký của Lê Đức Thành (Hoa của đất), hay thơ của Mai Văn Hoan (Đại tướng và nhà thơ). Ký ức về nhà thơ Tố Hữu gắn bó với làng quê Phù Lai, Quảng Thọ hiện lên qua bút ký của Phạm Xuân Phụng…
Như một đoạn trong bút ký của Nguyễn Quang Hà: Bà Kim Ánh (gọi nhà thơ Tố Hữu bằng cậu) kể: “Tôi nói với ông Tố Hữu: “Cậu có quyền to trong tay, quê hương mình lại nghèo, cậu có cách nào giúp quê hương mình vùng dậy với”. Tôi thật lòng không ngờ ông Tố Hữu trừng mắt bảo tôi, giọng rất dữ dội: “Ai có quyền cũng dùng quyền để lo cho quê hương của mình thì đất nước này vừa tan nát vừa lụi tàn cháu ạ”. Tôi phải cảm ơn cậu Tố Hữu, những ý kiến quyết liệt của ông làm tôi thức dậy một cuộc đời. Cho đến ngày nay điều đó đã rõ ràng. Thói tham nhũng đã làm bao ông lớn tự làm hỏng chính mình và con cháu mình, làm hỏng đất nước mình” (Về thăm nhà Tố Hữu).
Nhịp sống, con người hiện tại gắn với những làng nghề truyền thống được khá nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh ghi lại như đan lát Bao La, nghề chài lưới, cá lồng, ra đồng, làm bún, chợ nổi… qua các tác phẩm ảnh nghệ thuật của Phạm Văn Tý, Phạm Bá Thịnh, Đặng Văn Trân, Trương Vững, Lê Nhật Quang, Nguyễn Văn Trực… Và tranh nữa, cảnh đẹp của sông nước, làng quê, tình yêu quê hương lan tỏa khá nhiều trong các tác phẩm mỹ thuật. Khung cảnh Tam Giang khỏa sóng trong tranh của các họa sĩ Trần Xuân Minh, Nguyễn Văn Sỹ, Huỳnh Tiến Hải. Đặc biệt, họa sĩ Đặng Mậu Triết đã từng tổ chức triển lãm cá nhân ở Quảng Điền với 40 tác phẩm sơn dầu. Anh cũng có dịp lang thang vẽ một lúc 12 bức tranh về hầu hết các di tích văn hóa lịch sử ở Quảng Điền: Miếu thờ Đặng Hữu Phổ, miếu thờ Nguyễn Hữu Dật, đền Võ Thánh, đền Văn Thánh, đình làng Thủ Lễ, Thiên Cẩu Thần, miếu Cô Mộ, miếu Bà Tơ… Những nhát cọ sống động, như cuốn xoắn cả ký ức và hiện tại vào chuỗi hồi ức tươi mới.
|
Miếu Bà Tơ trong tranh của Đặng Mậu Triết |
Nhiều năm đưa anh em nhạc sĩ về sáng tác ở Quảng Điền, nhận ra các ca khúc được sáng tác ở Quảng Điền bao giờ cũng có giai điệu thiết tha mời gọi. Những đồng vọng từ các ca khúc của Đại Dũng (Quảng Điền quê mẹ tôi yêu, Về làng tôi), Đoàn Phương Hải (Tự tình sông Bồ, Tam Giang chiều hoàng hôn), Đăng Khánh (Quê mẹ), Tịnh Mỹ (Thương quá quê mình, Theo em về Tam Giang), Mai Ánh (Quảng Điền - quê mẹ yêu thương)… Cũng có những ca khúc sôi động, mang âm hưởng như đồng dao trẻ con, đẫm chất ngộ nghĩnh dân gian, chẳng hạn trường hợp của ca khúc “Long nhong chợ Sịa” của nhạc sĩ Văn Đình… Phải nói đến một điều, sau nhiều lần tổ chức trại sáng tác văn học nghệ thuật, huyện Quảng Điền đã có trên sáu mươi ca khúc viết về vùng đất thân yêu của mình. Một con số hết sức giàu có mà không có huyện nào ở Thừa Thiên Huế làm được, xứng danh “Nhất Huế, nhì Sịa”…
Có một ngôi làng chưa được các nhà văn viết đến: Làng Uất Mậu. Làng nằm hiền hòa, thanh bình bên dòng sông Sịa. Làng Uất Mậu là một trong số không nhiều làng trong cả nước có ngôi miếu thờ Hỏa Thần, còn lưu giữ các thần sắc như: Sắc Minh Mạng thứ 21, ngày 18 tháng 11 năm 1840 phong cho Hỏa Thần là Hỏa Đức tôn thần; sắc năm Thiệu Trị thứ 5, ngày 23 tháng 1 năm 1846 phong là Ôn hậu Quang ứng Chiêu cảm Hỏa Đức Trung Đẳng thần. Miếu thờ Hỏa Thần như một hình ảnh nhắc nhở người dân trong làng ý thức về phòng tránh hỏa hoạn...
Gần đây, làng được mệnh danh là “làng sức khỏe”. Làng có những nghệ sĩ lớn, nổi tiếng nhất là NSƯT Ngọc Yến. Ông sinh tháng 2/1922. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 10 tuổi cậu bé làng Uất Mậu đã phải rời nhà lên đi ở cho ông chủ ga Huế. Năm 13 tuổi, cậu bé Ngọc Yến xin theo các gánh hát Ca kịch Huế, rồi về sau tham gia vào đội tuyên truyền kháng chiến. Năm 1957, xuất phát từ lòng yêu sân khấu Ca kịch Huế, Ngọc Yến bàn với vợ là Trần Thị Kim Oanh (diễn viên tuồng, ca kịch Huế) bán nhà cửa, gia sản rồi triệu tập một số anh chị em nghệ sĩ thâm tình thành lập Đoàn Ca kịch Trị Thiên, nổi tiếng trong thời chống Mỹ. Năm 1977, nghệ sĩ Ngọc Yến được mời làm chính trị viên Đoàn Cải lương Sông Hương. Gia đình ông đến nay, nói đúng nghĩa là một đại gia đình nghệ sĩ ca kịch Huế. Hầu như con trai, con gái, dâu rể, cháu đều theo nghiệp nghệ sĩ. Nhiều người đã thành danh trong làng ca kịch Huế như các con NSND Ngọc Bình, NNƯT Kim Vàng, Kim Kiều, Đình Hạp, Đỗ Trung Hùng (rể), Tiểu Hoa (dâu), Mai Sao, Mai Anh, Đỗ Trung Thành (cháu ngoại), Quốc Khánh (chắt ngoại)…
Vỉa tầng ký ức văn hóa lịch sử hàng trăm năm của cuộc đất địa linh, nhân kiệt; hương vị quê nhà cùng nắng gió sông nước sông Bồ, phá Tam Giang, hòa trong không khí Quảng Điền ngày một khang trang hơn xưa… đã luôn tạo nên nhiều cảm hứng sáng tạo cho văn nghệ sĩ.