|
Công chúng xem triển lãm mỹ thuật Khu vực Bắc miền Trung tại Huế 8/2014. Ảnh: X.Huy |
Hiện nay, khu vực Bắc miền Trung có 91 họa sĩ, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam (2014). Riêng Thừa Thiên Huế đã có 45 hội viên, nhiều nhất khu vực và đứng thứ ba toàn quốc sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nếu tính thêm lực lượng hội viên mỹ thuật địa phương tại các tỉnh thì con số có thể lên vài trăm họa sĩ. Theo tổng hợp tác giả tác phẩm được tặng giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam và giải thưởng triển lãm khu vực IV - Bắc miền Trung từ năm 1993 đến 2011 (tài liệu hội nghị - hội thảo mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung lần thứ nhất) đã có 115 giải thưởng được trao, và nếu tính đến thời điểm hiên nay, có thể con số lên đến 140 giải thưởng. Những con số trên phản ánh đội ngũ, năng lực sáng tạo và tính chuyên môn của các nghệ sĩ tạo hình khu vực Bắc miền Trung.
Ưu tư, trăn trở
Qua triển lãm, một lần nữa cho thấy khi sự kiện triển lãm và niềm vui gặp gỡ qua đi, vấn đề đọng lại gây nhiều ưu tư, trăn trở cho giới tạo hình và công chúng yêu nghệ thuật. Bên cạnh các thành tựu, còn một số tồn tại, thực trạng đã được các nghệ sĩ chỉ ra qua hội thảo, diễn đàn, trao đổi.
Mong muốn thiết tha của nghệ sĩ là mỗi tỉnh cần có một trung tâm hội thảo - triển lãm đa chức năng quy mô và đúng quy cách đến nay chưa thành hiện thực. Các hội liên hiệp phải liên hệ, thuê mướn các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa thiếu nhi hoặc bảo tàng tỉnh để trưng bày triển lãm. Các địa điểm này vốn công năng không dành cho triển lãm và không gian không đủ rộng, vì thế việc trưng bày thường mang tính sự vụ, lắp ghép tạm thời; thiết bị không đồng bộ, thiếu hẳn tính chuyên nghiệp. Năm nay, Huế cũng không phải là một ngoại lệ. Việc chọn lọc tác phẩm qua ảnh đã tạo được nhiều thuận lợi cho hội viên và ban tổ chức, nhưng vẫn còn những tác phẩm không đạt chất lượng nghệ thuật lọt vào.
Thiếu sự lóe sáng
Một số ý kiến cho rằng, tạm thời nên tách các tác phẩm mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng ra hai mảng riêng, không nên treo lẫn lộn. Trong văn bản và trên thực tế, Hội Mỹ thuật Việt Nam còn chưa phân định rạch ròi giữa ngôn ngữ đồ họa tạo hình (printmaking) với thiết kế đồ họa (graphic design). Ví dụ, poster - cổ động, thiết kế sách, tem,... lại nhầm lẫn, xếp loại, đánh giá với đồ họa tạo hình. Về lâu dài, nên thành lập Hội Mỹ thuật ứng dụng hoạt động độc lập với Hội Mỹ thuật, bởi lẽ hiện nay số lượng nhà thiết kế mỹ thuật ứng dụng trong cả nước đã phát triển rất mạnh, số lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành ứng dụng hàng năm đã lên đến hàng ngàn. Quan trọng hơn, ngành mỹ thuật ứng dụng rất đa dạng, có vai trò ngày càng quan trọng, cấp thiết; phong cách cập nhật liên tục theo các xu hướng quốc tế. Chúng ta đã có triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc năm 2005, 2009 và cuối năm 2014 tại Hà Nội.
Chất lượng, phong cách vẫn chưa có sự tiến triển đặc biệt. Triển lãm vẫn thiếu vắng sự cắt, cứa và lóe sáng của nghệ sĩ trẻ. Một số tên tuổi nghệ sĩ, như Trịnh Hoàng Tân, Nguyễn Thiện Đức, Hồ Thiết Trinh, Trần Minh Châu,.... gần như thay nhau nhận giải thưởng. Nhiều vấn đề về lịch sử, văn hóa khu vực; hoàn cảnh đương đại, như: thảm họa môi trường, triệt phá rừng, đô thị hóa, giới và bình đẳng giới, nông nghiệp - nông thôn - nông dân...chưa “tỏa nhiệt” đáng kể trong các tác phẩm. Đề tài biển đảo xuất hiện ngày càng nhiều, vì tính thời sự, nhưng lại thiếu vắng tác giả chuyên tâm, gắn bó với đề tài bền bỉ trong nhiều năm. Chỉ số ảnh hưởng, lan tỏa của các tác phẩm được giải chưa cao, tác phẩm giải thưởng năm sau không nhiều khác biệt, thậm chí là thụt lùi so với những lần triển lãm trước. Phần lớn tác giả thường xuyên đạt giải thưởng khu vực, đôi khi lại thiếu sự tỏa sáng khi tham gia không gian nghệ thuật khác. Thường, họ đạt giải vì tranh khổ lớn, đề tài thời sự, chứ không phải là vì phong cách nghệ thuật.
Nếu duy trì như hiện nay thì triển lãm Bắc miền Trung dù trưng bày ở địa phương nào cũng sẽ trở nên quen nhàm và thiếu hấp dẫn với những nghệ sĩ làm việc chuyên nghiệp, vì họ có nhiều sân chơi nghệ thuật khác để tham gia, so sánh. Tuy nhiên, đối với đa phần các họa sĩ các địa phương thì đây là sân chơi và cơ hội duy nhất để triển lãm, giới thiệu bản thân mình. Do đó, cần có cuộc cải cách mạnh mẽ và đột phá từ cơ sở hạ tầng đến khâu tổ chức. Hội Mỹ thuật Việt Nam cần đưa ra thông điệp cụ thể cho triển lãm khu vực mỗi năm, như các sân chơi nghệ thuật thị giác của các nước trong khu vực và quốc tế và cần phải bàn thảo kỹ càng để tìm ra mô hình triển lãm mỹ thuật khu vực thích hợp trong tương lai.