|
Phan Thiệu Cát -
cháu nội cụ Phan
|
Về bản phác thảo cuối đời của Lê Thành Nhơn, ông Cát cho hay: Trước đây, điêu khắc gia Lê Thành Nhơn thường liên lạc với ông từ Úc. Trong câu chuyện, Lê Thành Nhơn nhiều lần nói đến tâm nguyện hoàn thành phần chân cho pho tượng cụ Phan vì nhiều lý do trước năm 1975 chưa hoàn thành được.
Khoảng năm 1992-1993, Lê Thành Nhơn đã chuyển cho ông Phan Thiệu Cát bản phác thảo thiết kế trên giấy với mong muốn thực hiện mơ ước cuối đời mà ông luôn thao thức. Ước nguyện chưa thành thì năm 2002, Lê Thành Nhơn qua đời do bệnh nặng.
Ông có thể tiết lộ đôi điều về bản phác thảo cuối đời ấy của điêu khắc gia Lê Thành Nhơn?
Đó là phác thảo mà anh Nhơn rất trăn trở. Anh muốn hoàn thành phần chân tượng bằng những mảng phù điêu tái hiện dòng chảy văn hóa mấy ngàn năm của dân tộc, từ sự tích Trầu cau, Mỵ Châu Trọng Thủy cho đến dấu ấn hành trình Nam tiến mở cõi của cha ông từ ngàn xưa... Có lẽ đó là chủ ý của anh Nhơn, vì suy cho cùng, sự trường tồn của mỗi dân tộc chính là nền tảng văn hóa.
Ngoài phác thảo chân tượng, sinh thời, Lê Thành Nhơn có đề cập đến câu thơ “Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ” do điều kiện ra đời của tác phẩm lúc ấy, đã phải gọt bỏ?
Sau này về Huế, tôi mới biết là đã có nhiều tranh luận về vấn đề có nên phục hồi hay không câu thơ này. Tuy nhiên trước đó, tôi không nghe anh Nhơn đề cập gì đến chuyện ấy.
Điêu khắc gia Lê Thành Nhơn hoàn thành phác thảo tượng Phan Bội Châu
tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1974 (Ảnh tư liệu của nhà ngiên cứu Nguyễn Xuân Hoa)
Vậy theo ý kiến cá nhân ông, có nên phục hồi câu thơ như cũ?
Cái gì cũng có thời điểm của nó. Câu thơ ấy đúng là khí chất cách mạng của cụ Phan, một thời hun đúc tinh thần yêu nước của thanh niên Việt Nam. Nhưng liệu bây giờ phục hồi lại thì có còn phù hợp? Tác phẩm nghệ thuật cũng như đời người, cũng có số phận, cuộc đời riêng của nó. Với bức tượng cụ Phan, đây là một tác phẩm có hoàn cảnh ra đời đặc biệt. Nếu không có Huế, không có Lê Thành Nhơn, không có họa sĩ Vĩnh Phối, không có cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc... thì chắc hẳn đã không có tượng. Việc câu thơ hồi ấy đã phải xóa bỏ do điều kiện khách quan, là một chi tiết thuộc về lịch sử của tác phẩm. Có lẽ cái gì thuộc về lịch sử thì cứ để nó thuộc về lịch sử, như một sự trân trọng.
Từng tham gia phong trào dựng tượng từ những năm 1973-1974 và bây giờ, nhìn thấy tượng được di dời và đặt ở vị trí đẹp bên sông Hương, ông có cảm xúc gì?
Cũng như nhiều người yêu kính cụ Phan, tôi vô cùng vui mừng, xúc động. Cuối cùng, sau hơn 30 năm chờ đợi, tượng đã có nơi chốn cần phải đến. Chừng đó thời gian, nói ngắn cũng đúng, nói dài cũng được. Nhưng đôi khi, sự chờ đợi cũng có cái hay của nó.
Riêng việc thực hiện bức phù điêu cho bệ tượng như ước nguyện cuối đời của điêu khắc gia Lê Thành Nhơn, ông nghĩ thế nào?
Khi biết ở Huế từng có nhiều tranh cãi về vấn đề nên làm bệ tượng như thế nào, tôi đã gửi tất cả những tư liệu do anh Nhơn chuyển cho Bảo tàng Lịch sử - Cách mạng Thừa Thiên Huế để nghiên cứu và có phương án thực hiện. Trong khả năng có thể, chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình để tác phẩm được hoàn thiện. Đây không còn là tình cảm cá nhân, tình cảm gia đình nữa. Bởi cụ Phan đã thuộc về lịch sử, thuộc về dân tộc.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Tượng Phan Bội Châu được điêu khắc gia Lê Thành Nhơn hoàn thành phác thảo năm 1974 tại Huế. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, để có kinh phí cho việc đúc tác phẩm đồ sộ (cao gần 4m và nặng trên 5 tấn) này bằng đồng, Ủy ban dựng tượng danh nhân Việt Nam lúc bấy giờ đã vận động Tổng trưởng chính quyền Sài Gòn Hoàng Đức Nhã (cháu của Nguyễn Văn Thiệu) đồng ý tài trợ kinh phí với yêu cầu, phải gọt bỏ câu thơ "Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ" phía sau lưng tượng. Thay vào đó là những thông tin "Phan Bội Châu (1867 / 1940). Thực hiện ở Huế ngày 20 tháng Chạp năm Quí Sửu. Ủy ban dựng tượng danh nhân Việt Nam 1974". Dù sau đó, nguồn kinh phí từ lời hứa của Hoàng Đức Nhã đã không đến như mong đợi.
Tượng được đúc tại phường Đúc bằng kinh phí vận động từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn vận động từ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và đang trong giai đoạn hoàn thiện thì đất nước giải phóng. Năm 1987, tượng được đưa từ phường Đúc về đặt tạm tại Nhà lưu niệm cụ Phan cho đến tháng 4/2012 thì được di dời về công viên 19 Lê Lợi-Huế.
|
Kim Oanh (thực hiện)