|
Trang Thanh Hiền giới thiệu những bức tranh và tập thơ Đáy sóng của chị tại triển lãm
|
Trang Thanh Hiền gần như không vẽ sau lần triển lãm cuối cùng năm 2004, thời điểm chị sinh đứa con đầu tiên. Niềm đam mê được vẽ phải nhường chỗ cho gia đình và công việc mưu sinh. Nhưng thẳm sâu trong chị, khát vọng được vẽ sâu thẳm như một tình yêu vẫn chờ đợi! Ngày đó đã đến “như một định mệnh giữa thời điểm mà chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình có thể dằn lòng sáng tạo giữa những cơn sóng gió”, Trang Thanh Hiền chia sẻ. Đó là năm 2011, và từ đó đến nay, những bức tranh và vần điệu trong chị cứ “lặng lẽ tuôn trào khiến lòng tôi dịu lắng mà vượt lên như một cứu cánh”.
“Như tên của triển lãm (Đáy sóng), tôi muốn gửi gắm tất cả thông điệp về tình yêu, về thân phận của người phụ nữ làm nghệ thuật phải sắp xếp công việc gia đình sau đó mới đến đam mê. Giữa những bộn bề cuộc sống, ở thời điểm đó, vẽ và viết với tôi như những cơn sóng bật lên từ đáy lòng, tạo ra một thế giới khác mà ở đó tôi tìm được niềm hạnh phúc của riêng mình”, Trang Thanh Hiền nói.
|
Đáy sóng thu hút sự quan tâm của nhiều người
|
Ấn tượng đầu tiên đến từ triển lãm là chất liệu vẽ tranh vô cùng lạ lẫm và mới mẻ, đó là loại giấy đặc biệt làm từ vỏ cây mẩy sa của người Nùng An ở Cao Bằng. Loại giấy này được seo ra để cắt hoa trang trí bàn thờ hoặc làm tiền mã vào các dịp có lễ. Các thếp giấy thường có từ 8-10 tờ, se không thật mịn và lành lặn như giấy dó của người Kinh. Một thếp như vậy chỉ có thể chọn ra tối đa 4-5 tờ để vẽ. Chính sự sần sùi của loại giấy này đã tạo nên nguồn cảm hứng và liên tưởng trong Trang Thanh Hiền về người phụ nữ. “Việc lựa chọn và ghép giấy đôi khi cũng làm cho tôi thích thú với liên tưởng về sự mong manh của số phận và kiếp người. Sự ghép đôi như là ngẫu nhiên, nhưng lại là sự sắp đặt đã định của duyên kiếp...”, chị chia sẻ
Các motip hình tượng biển, nước, những lá môi, mắt và hình tượng liên quan đến phật giáo như hoa sen với nhị sen, đài sen, lá sen,... được biến tấu theo những cung bậc khác nhau và vẽ bằng mực nho nổi bật trên nền giấy, tạo ra các cuộc đối thoại tương ngẫu. “Màu sắc đen - trắng của mực và giấy giúp cho con người cảm thấy tĩnh tại, sự tĩnh tại và thuần khiết rất cần cho một sự khởi đầu”, hoạ sĩ Đỗ Kỳ Huy, Trường đại học Nghệ thuật Huế nhận xét khi xem triển lãm.
Trang Thanh Hiền tốt nghiệp năm 1997 Khoa Lý luận và lịch sử mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Sau đó chị ở lại trường làm giảng viên Khoa lịch sử Mỹ thuật. Trước năm 2000, Trang Thanh Hiền vẽ bằng chất liệu quen thuộc là giấy dó và sơn mài. Từ năm 2000, chị khám phá ra loại giấy vỏ cây trong một lần đi Cao Bằng và từ đó thử nghiệm vẽ tranh trên loại giấy thủ công này.
|
Theo lý giải của Trang Thanh Hiền, chị sử dụng những hình tượng liên quan đến Phật giáo vì tư tưởng Phật giáo đem đến cho con người tình yêu bao la. Biểu tượng của người phụ nữ được biến hoá đa dạng lúc là lá, là lửa, là bông hoa, là mắt - thể hiện cách nhìn giữa một bên là tình yêu và một bên là cảm xúc thể hiện tình yêu trong người phụ nữ, hay biểu tượng làn môi thể hiện nhiệt huyết và tình yêu của người phụ nữ... tất cả đem lại cảm xúc về yêu thương.
“Những bức tranh ở triển lãm này thể hiện tâm tư của một người phụ nữ rất yêu hội hoạ. Tác giả đã có giai đoạn làm mẹ; ở quãng thời gian đó, những rạo rực về hội hoạ dâng trào lên để trở thành những tác phẩm rất tự nhiên nhưng tràn đầy sự khắc khoải sâu xa về người phụ nữ, về ý nghĩa sống, về tình yêu lứa đôi. Những ưu tư thể hiện ra bằng lời, bằng thơ, bằng hội hoạ như vậy là một trường hợp rất quý!”, nhà nghiên cứu, dịch giả Bửu Ý nhận xét.
Cũng tại Triển lãm Đáy sóng, hoạ sĩ Trang Thanh Hiền giới thiệu cuốn sách cùng tên gồm những tác phẩm và các bài thơ của chị. Những bài thơ là những câu chuyện kể bằng vần điệu, chất chứa đầy tâm trạng ưu tư và ẩn dụ về cuộc đời mà những người đàn bà như chị đang đối diện.
Xin mượn vài câu thơ trong bài thơ Những người đàn bà chửa - bài thơ mở đầu trong tập thơ Đáy sóng để kết cho bài viết này: “Những người đàn bà chửa bước qua đường/Những người đàn bà chửa, chửa những niềm vui/chửa những niềm bất hạnh/chất chứa/Những người đàn ông thờ ơ bước qua đường/Những người đàn ông bước qua những nỗi đau/Trong cơn mê/Bão tố và giông gió/Hút về phía chân trời/Bóng đêm sâu thẳm...”.
Trong những cơn bão và bóng đêm sâu thẳm ấy, niềm đam mê vẽ và thơ chính là cứu cánh giúp Trang Thanh Hiền vượt lên để tìm lại niềm hạnh phúc của riêng mình.