Với chương trình học mỹ thuật cấp 1 ở trường, bọn trẻ đã được làm quen với phong cách vẽ của những họa sĩ nổi tiếng như Leonardo da Vinci, Pablo Picasso, Vincent van Gogh hay Edouard Manet….
Các bé bắt tay sáng tác
"Hội đồng" thẩm định nhí
Với tiêu chí “Khám phá – Tận hưởng – Sáng tạo”, chương trình được tổ chức định kỳ tại phòng triển lãm nghệ thuật thuộc Trường đại học Missouri dành cho trẻ em từ 8 đến 15 tuổi với mục đích khơi gợi niềm yêu thích mỹ thuật ở các em.
Diễn ra vào đầu năm 2018, triển lãm lần này có chủ đề “Phong cảnh của chúng ta đang thay đổi” với nội dung liên quan đến biến đổi khí hậu, tái chế rác thải, ô nhiễm môi trường… được thực hiện từ cảm hứng dựa trên chất liệu “Quilt” là dạng vải ghép từ nhiều loại vải khác nhau để tạo nên một tổng thể hài hoà về màu sắc và bố cục nghệ thuật đương đại.
Chương trình được bắt đầu với việc các bạn nhỏ tham gia chương trình gặp gỡ, làm quen sau đó được chia thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm 4-5 cháu và được một sinh viên ngành sư phạm mỹ thuật hướng dẫn. Từng nhóm theo người hướng dẫn dạo phòng trưng bày tranh, rồi quay lại vòng thứ hai để dừng lại ở từng bức tranh của các nghệ sĩ đến từ nhiều bang trên toàn nước Mỹ, nghe hướng dẫn viên giải thích sơ bộ về chủ đề, chất liệu và một phần tiểu sử của tác giả. Rồi từng em sẽ đưa ra nhận xét cá nhân về bức tranh đó.
Khi nghe bọn trẻ bàn luận sôi nổi, tôi có cảm giác như được nghe một hội đồng thẩm định “nhí” đang bình phẩm, đánh giá các tác phẩm hội hoạ. Mà cũng đúng thôi bởi trong chương trình học mỹ thuật cấp 1 ở trường, con gái tôi đã được làm quen với phong cách vẽ của những họa sĩ nổi tiếng như Leonardo da Vinci, Pablo Picasso, Vincent van Gogh hay Edouard Manet… Nên đây cũng là dịp đánh giá “đầu ra” của chương trình mỹ thuật được học tại trường với thực tế.
Trong khi dõi theo con gái đi cùng nhóm của mình, tôi được gặp và trò chuyện với ông Christan Moore, Giám đốc trung tâm Nghệ thuật và thiết kế của trường đại học. Khi được hỏi về mục đích của chương trình, ông Moore cho biết: "Khi tổ chức chương trình định kỳ 2 lần trong mỗi học kỳ, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho các em nhỏ tìm hiểu về phòng tranh nghệ thuật, phát huy mọi tiềm năng về mỹ thuật trong các em cũng như các sinh viên có thêm cơ hội thực tập khả năng hướng dẫn cho học sinh từ đó tích lũy kinh nghiệm cho công việc trong tương lai".
Một tác phẩm sau khi được hoàn thành
Trăm nghe không bằng một làm
Sau khi hoàn thành xong tour tham quan, các em được đưa đến phòng thực hành sáng tác. Tại đây, giáo sư sẽ trình bày cách thức để thực hiện một tác phẩm nghệ thuật từ các mảnh vải ghép và một số gợi ý nhỏ dành cho chủ đề khá “hot” với cuộc sống hiện đại trong buổi triển lãm này. Chỉ sau 10 phút, mỗi bạn sẽ bắt đầu công việc sáng tác của mình với nhiều ý tưởng khác nhau. Các “mỹ thuật gia tương lai” vừa hì hục tô vẽ vừa trò chuyện với các hướng dẫn viên về các đề tài mình muốn thể hiện một cách say sưa.
Những mảnh vải được ghép lại xung quanh tranh vẽ cũng là công đoạn cuối cùng để hoàn thiện tác phẩm trước khi các em ký tên lên đó. Và hai tác phẩm xuất sắc sẽ được bình chọn cùng danh hiệu “nghệ sĩ tài năng” để được lên hình trong poster quảng cáo cho chương trình lần tiếp theo.
Kết thúc chương trình của các em cũng là mở đầu cho tôi một ý tưởng mở dành cho các trường đại học nghệ thuật ở Việt Nam trước thực trạng nhiều ngành năng khiếu có nguy cơ giải tán. Đặc biệt là thời gian qua Trường đại học Nghệ thuật Huế phải đóng cửa một số ngành do không đủ sinh viên nhập học hoặc tuyển được rất ít thí sinh.
Với mong muốn ươm mầm “tài năng mỹ thuật” cho các em nhỏ, các trường cũng có thể thực hiện chương trình tương tự ngay tại các cơ sở thực hành mỹ thuật của mình hay đối với các bảo tàng mỹ thuật và các cuộc triển lãm nghệ thuật cũng cần tạo ra các sân chơi gần gũi giống như vậy cho trẻ em - những nhà mỹ thuật tương lai. Cùng với đó, các đơn vị kinh doanh ẩm thực, ngành hàng tiêu dùng nhanh… có thể đồng hành cùng với chương trình qua phương thức tài trợ sản phẩm, chi phí tổ chức.
Việc liên kết sẽ giúp cho bảo tàng thu hút thêm khách tham quan (trẻ em và phụ huynh), các bé có thêm niềm vui trong các chương trình ngoại khoá còn doanh nghiệp tăng thêm việc nhận diện thương hiệu qua mỗi sự kiện. Có lẽ đây là một “thị trường tiềm ẩn” còn bỏ ngỏ cần được sự quan tâm để khai thác trong tương lai không xa.
Bài, ảnh: PHAN QUỐC VINH