Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các Hội VHNT trao tặng thưởng cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc. Ảnh: Minh Hiền
Các văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế đã có bước tổng hợp và khẳng định mới về chủ đề, đề tài, có sự tích hợp mới về tư duy nghệ thuật để thể hiện thành thế giới ngôn từ, hình tượng và tư tưởng theo đặc trưng riêng của từng loại hình nghệ thuật quy định. Mười bốn tác phẩm đều tập trung thể hiện các bình diện đa dạng, phong phú của con người và hiện thực cả nước; trong đó, có Thừa Thiên Huế với cái nhìn nhân văn, triết lý sâu sắc, lấp lánh lời giải đáp về những vấn đề nhân sinh trước mắt và lâu dài của cuộc sống, con người.
Hội Âm nhạc năm nay có 2 tác phẩm đạt giải, đó là Thương em giọng Huế của Đoàn Lan Hương (thơ Bùi Ngọc Lan), và Nắng Trường Tiền của Mai Ánh. Cả hai ca khúc đều có phong cách riêng trong cấu trúc ca từ và giai điệu. Tác phẩm của Đoàn Lan Hương phổ theo giai điệu truyền thống thuộc dòng âm nhạc dân gian Huế, thể hiện được vẻ đẹp đài trang, quý phái của cô gái Huế qua giọng nói ngọt ngào, dễ thương, phù hợp với tiết điệu slow beat nhẹ nhàng, chậm rãi và sâu lắng. Kết thúc ca khúc, vẫn còn dư vang trong lòng người nghe nỗi niềm “thương em giọng Huế”.
Còn tác phẩm của Mai Ánh mang phong cách âm nhạc hiện đại, tiết tấu Tây phương, được sự hỗ trợ và cộng hưởng của dàn kèn đồng Brass làm nổi bật những phách nghịch đảo - sincop, tạo nên những cao trào âm thanh thu hút người nghe.
Hội Nghệ sĩ sân khấu năm nay góp mặt vào giải thưởng 1 tác phẩm ca kịch Huế được dàn dựng công phu: Cái mẻ kho, kịch bản của nhà văn Xuân Đức, dựa theo truyện kể dân gian Truyện Thạch Sùng, đạo diễn NSND Ngọc Bình. Tài năng đạo diễn Ngọc Bình thông qua vai diễn của Hoàng Hà vai Thạch Sùng và NSƯT Thu Hằng vai vợ Thạch Sùng. Với kinh nghiệm và khả năng ca diễn của mình, hai nghệ sĩ đã thể hiện thành công tư tưởng tác phẩm một cách xuất sắc. Vở ca kịch đã để lại cho người xem sự thức nhận mới mẻ với tinh thần “ôn cố tri tân” sâu sắc từ góc nhìn của con người đương đại.
Hội Nghệ sĩ múa có sự góp mặt 2 tác phẩm: Tiếng gọi Tổ quốc của Thu Hoài. Tác phẩm rất thời sự về chủ đề biển đảo, thể hiện ý thức khẳng định chủ quyền lãnh hải mà ở đó, người chiến sĩ phải vượt qua bao khó khăn, thử thách để giữ vững những cột mốc của Việt Nam. Tác phẩm thứ 2 là Cung đàn mùa xuân của Phan Hoàng. Bằng nghệ thuật gián cách hiện đại và đương đại trên nền sân khấu nhỏ, tác giả đã giúp khán giả hình dung chiếc đàn bầu lớn thông qua nghệ thuật sắp đặt và biểu diễn của tổ hợp diễn viên múa, tạo thành hình cung chiếc đàn bầu sinh động. Cùng với âm thanh và giai điệu đàn bầu du dương, ngọt ngào, réo rắt vang ngân đã đem lại cho người xem cảm giác thăng hoa và tự hào. Đó chính là cung đàn mùa xuân của đất nước vào xuân, của đất trời giao hòa, thăng hoa và rộng mở.
Hội Văn nghệ dân gian, năm nay, có 2 công trình đạt giải. Triều Nguyên với chuyên khảo Tìm hiểu về truyện cổ tích thế tục Việt Nam. Với trên 300 trang sách, công trình được triển khai bài bản, khoa học qua các chương mục hợp lý, làm tỏ lộ nhãn quan khoa học và thao tác khoa học sáng rõ của tác giả. Các phương pháp được vận dụng để nghiên cứu là tối ưu, cách tiếp cận vấn đề theo tầm đón nhận mới nên thật sự có giá trị về lý luận lẫn thực tiễn. Tiếp tục giải năm 2016, công trình của Trần Nguyễn Khánh Phong đạt giải năm nay là Dân ca của người Tà Ôi. Công trình cung cấp cho độc giả cái nhìn toàn diện về lịch sử, xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán và sinh hoạt của người Tà Ôi thông qua các thể loại dân ca - một thể loại có khả năng phản ánh kết tinh và cụ thể văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của một tộc người.
Hội Mỹ thuật với 2 tác phẩm giá trị được bình chọn. Đó là Vọng âm của Lê Bá Cang và Xuân hạ thu đông của Võ Quang Phát. Tranh sơn dầu/tổng hợp Vọng âm của Lê Bá Cang thể hiện theo phong cách hiện đại, đó là nghệ thuật hội họa liên văn bản. Trên cái nền di sản văn hóa quá khứ Huế đang mai một theo thời gian qua sắc màu rêu phong phai nhạt, nhưng bên sau, bên xa của nó lại ẩn chứa một sức phục sinh mạnh mẽ từ điểm nhìn hiện tại. Còn tác phẩm Xuân hạ thu đông của Võ Quang Phát lại chứa đựng một triết mỹ khác. Bút pháp tượng trưng, ấn tượng, trừu tượng pha hiện thực phần nào đã gây khó khăn trong tiếp nhận của người đọc tranh, nhưng bằng liên tưởng và trực cảm, chúng ta vẫn nhận ra bức tranh bốn mùa rõ nét.
Hội Nhiếp ảnh bình chọn 2 tác phẩm có giá trị. Vĩnh Hướng với bức ảnh màu Hoa biển - tác phẩm được triển lãm tại Sapa và TP. Hồ Chí Minh năm 2017 và đạt giải nhì Apec 2017. Tác phẩm phản ánh chủ đề lao động thông qua hình ảnh người thợ điện cần mẫn hàn những cánh quạt của con tàu đang lướt sóng giữa biển xanh. Tác phẩm ảnh trắng đen Nụ cười của Hồ Ngọc Sơn, đạt Giải khuyến khích quốc tế 2017, thể hiện được triết lý thời gian hay là hành trình thực chứng thời gian sống của mỗi chủ thể người.
Riêng Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, hầu như năm nào cũng bình chọn được những tác phẩm xuất sắc. Trần Tịnh Yên với tập thơ Nghi lễ thụ phấn, một lần nữa khẳng định bút lực và thi cảm dồi dào của anh khi hướng thi cảm của mình vào các đề tài tình yêu, thiên nhiên và nhân sinh - thế sự. Thơ anh trẻ bởi chất hàm ngôn, triết lý.
Tác phẩm đặc sắc năm nay lại thuộc về Phạm Nguyên Tường với trường ca/ thơ dài A Lưới đồng bào mình. Chúng tôi đánh giá cao tác phẩm này của anh ở chỗ anh đã tạo được sự tích hợp thi pháp mới trên nền mẫu số thi pháp chung của anh từ các tập thơ trước, tức có phá và thay. Có thể coi đây là một trường ca mang âm hưởng sử thi hiện đại mà Phạm Nguyên Tường đã thể hiện thành công, làm phục sinh quá khứ một tộc người đã hành trình mấy ngàn năm để tồn tại đến ngày nay để hiện hữu như tộc người thiểu số.
Tập ký của nhà thơ Ngô Minh Sống thời bao cấp, tái bản lần thứ nhất đã nói lên sức nặng về chất lượng, nội dung và tâm thế của chủ thể sáng tạo. Là nhân chứng và là người trong cuộc, đồng thời là người nếm trải ba đào thời bao cấp, Ngô Minh đã thể hiện mình trong tập ký một cách nồng nhiệt, trung thực, bản lĩnh và tin yêu như anh đã tâm sự: “Tôi chứng kiến thời bao cấp với cái nhìn của riêng tôi, vừa buồn cười vừa cay đắng, vừa giận vừa thương, vừa muốn quên đi vừa không thể không nhớ”.
Thành tựu mà các văn nghệ sĩ đạt được - qua tặng thưởng lần này - chính là kết quả của quá trình học hỏi, lao động nghệ thuật gian khó, là quá trình chiếm lĩnh và nghiền ngẫm hiện thực đời sống và hiện thực tâm trạng để thể hiện thành hình tượng, thành nội dung nghệ thuật đầy trách nhiệm, khát khao và nhân ái với cuộc sống và nhân dân với chiều sâu và chiều rộng của hiện thực, tầm cao và tầm mới của tư tưởng.
Hồ Thế Hà