Vẽ bằng xúc cảm
“Tuổi hồn nhiên thể hiện sự trong sáng thơ ngây, tuổi của người con gái mới lớn thích hái hoa, bắt bướm, là tuổi tươi đẹp nhất, trong sáng nhất của đời người. Ở tác phẩm này, tôi hướng đến cái đẹp thuần thiết, hồn nhiên, vô tư và tinh khiết”, hoạ sĩ Lê Phan Quốc chia sẻ. Trước khi gửi tham gia dự thi Cuộc thi Mỹ thuật đương đại lưu vực sông Mê kông lần thứ II - năm 2013, Tuổi hồn nhiên đã đoạt giải Tác phẩm xuất sắc 2013 của Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên Lê Phan Quốc bảo, anh không kỳ vọng nhiều khi gửi tranh tham dự Cuộc thi Mỹ thuật đương đại lưu vực sông Mê kông, bởi vậy tin tác phẩm đoạt giải Nhì đối với Quốc khá bất ngờ.
|
Tác phẩm Tuổi hồn nhiên đoạt giải Nhì của tác giả Lê Phan Quốc
|
Tiến sĩ, hoạ sĩ Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế nhận xét: “Giữa phòng triển lãm, tranh của Quốc khá nổi bật và được treo ở một vị trí đẹp, điều này thể hiện sự tôn trọng của ban tổ chức và sự đánh giá rất cao về tư tưởng nhân văn, tình cảm cộng đồng dân tộc hoà bình hữu nghị của bức tranh. Tranh của Quốc được giải vì tiêu chí của Ban tổ chức là đề cao giá trị dân tộc hiện đại. Lê Phan Quốc đi vào xu hướng hiện thực bằng chất liệu sơn mài, chất liệu truyền thống của Việt Nam nên họ có cảm tình và tạo được sự chú ý của công chúng. Đề tài của Quốc nhẹ nhàng, một em bé trong vườn hoa với cảm giác rất thanh bình gây một cái gì đó rất trữ tình như một khát khao về hoà bình, hạnh phúc - điều muôn thuở nhân loại hướng đến”.
Tuổi hồn nhiên là một trong series gần 20 tác phẩm cùng chủ đề mà Quốc dự định sẽ làm. Hiện anh đã vẽ được 3 bức về chủ đề này. Tự nhận đến với nghệ thuật là do duyên số và một chút năng khiếu, với Lê Phan Quốc, nghệ thuật cho anh thật nhiều. “Làm nghệ thuật có nhiều cái hay đó là cách nhìn nhận cuộc sống, trong tâm cảm thấy thoải mái, tự do sáng tạo và bay bổng theo những sáng tạo ấy. Đã làm nghệ sĩ phải để cho tâm mình tự do. Tự do trong người nghệ sĩ rất lớn”, Quốc nói.
Mơ ước được xem là nữ hoạ sĩ thực sự
Nồng nàn, lãng mạn, thăng hoa và khát vọng là cảm nhận mà tác phẩm Love 2 của hoạ sĩ trẻ Đặng Thị Thu An mang đến cho người xem. “Love 2 là cảm xúc yêu của chính bản thân mình khi đang ở độ tuổi chín chắn và có cảm xúc mới trong tình yêu”, An tâm sự.
|
Tác phẩm Love 2 đoạt giải Tặng thưởng của tác giả Đặng Thị Thu An
|
Cuộc thi Mỹ thuật đương đại lưu vực sông Mê kông lần thứ II - năm 2013 Việt Nam chỉ có 2 giải và cả 2 giải đó đều thuộc về giảng viên của Trường đại học Nghệ thuật Huế. Cuộc thi do Đại học Mahasarakham, Khoa Nghệ thuật Thị giác, Trường Đại học Mỹ thuật và Mỹ thuật ứng dụng, Viện Nghiên cứu Nghệ thuật và Văn hóa Đông Nam Á, Phòng trưng bày Jampasi và Hội họa sỹ Isan tổ chức. Cuộc thi dành cho các họa sỹ đến từ các nước thành viên Asean và các nước tiểu vùng sông Mê Kông gồm Lào, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Phillipine, Myanmar, Indonesia, Singapore, Brunei và Trung Quốc, ngoài ra năm nay còn có sự tham gia của Mỹ. Triển lãm được tổ chức từ ngày 8/12/2013 và kéo dài đến ngày 30/1/2014 tại Đại học Mahasarakham, Thái Lan
|
Love 2 nằm trong series gồm 6 bức cùng chủ đề về tình yêu - dòng tranh mới của An thể hiện các cung bậc cảm xúc trong tình yêu. An bảo, “đó có thể là màu tím nhớ nhung, màu hồng lãng mạn tuỳ theo cảm xúc yêu lúc vui, lúc buồn, khi nhớ nhung, lúc thất vọng,... Khi yêu người phụ nữ bao giờ cũng muốn tìm thấy sự ấm áp trong tình yêu, cần một bờ vai để nâng đỡ...”.
“Tranh của An đi theo lối biểu cảm vừa một chút hiện thực trong hình ảnh hoa lá, bướm, dây, có một chút siêu thực hoang tưởng trong những nền hình xanh tím, lam tím”, Tiến sĩ Phan Thanh Bình nhận xét. Sự phối hợp giữa hiện thực và ảo này rất phổ biến trong những hoạ sĩ trẻ Việt Nam trong những năm gần đây. Điều đáng nói là, trước đây An vẽ theo lối hiện thực, giờ An rất tự tin vẽ theo lối đi mới này như là cô ấy cảm giác như bắt được một cái gì đó có thể rất mơ hồ, mong manh nhưng rất cần thiết trong con đường chiêm nghiệm sáng tạo của cá nhân mình”, ông Bình nói thêm.
Đam mê và dành hầu hết thời gian cho vẽ, vẽ với An là sự giải toả. Tất cả cảm xúc và tình cảm An đều giải toả lên tranh. “Một ngày nếu không vẽ cảm thấy rất bứt rứt khó chịu. Khi vẽ, An cảm thấy giải toả mọi thứ và được sống với chính mình. Niềm vui, nỗi buồn, sự trăn trở... Nghệ thuật là đời sống. Mình phải lấy cảm xúc từ chính cuộc sống của mình để đưa vào tranh vẽ”, An bộc bạch.
An mơ ước sau này sẽ tổ chức một triển lãm cá nhân dành riêng cho con gái với những bức tranh về con từ lúc nhỏ đến lúc trưởng thành. Trong một tương lai gần hơn, An sẽ vẽ một loạt tranh vẫn về chủ đề yêu nhưng không phải bằng chất liệu sơn dầu nữa mà bằng chất liệu sơn mài để tìm kiếm cảm hứng mới. Nữ hoạ sĩ trẻ này cũng đang ấp ủ dự định cùng một số bạn bè của mình ra mắt công chúng một triển lãm nhóm vào đầu năm mới 2014. An chia sẻ: “May mắn nhất của người hoạ sĩ là trong cái chung của nghệ thuật mình có cái riêng của bản thân mình. An mơ ước được xem là một nữ hoạ sĩ thực sự chứ không chỉ là một người làm về nghệ thuật”.