Triển lãm gần nhất của họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: V.T
Việc đưa triển lãm đi xa còn mở ra nhiều cơ hội cho họa sĩ Huế, không chỉ giao lưu với bạn bè trong giới mà xa hơn là câu chuyện thị trường.
Mở ra rất nhiều cơ hội
Các họa sĩ nhìn nhận ở thời hiện tại, không riêng gì họa sĩ Huế mà ở bất cứ nơi đâu việc giao lưu tìm kiếm cơ hội ở ngoài biên giới vùng miền luôn là lựa chọn tối ưu.
Từng đưa những “đứa con tinh thần” của mình đi triển lãm ở một số thành phố lớn trên cả nước, họa sĩ Lê Minh Phong đã để lại rất nhiều dấu ấn, nhận được nhiều lời khen ngợi của giới phê bình, đồng nghiệp và người thưởng lãm. Chàng họa sĩ sinh năm 1985 nói rằng, không ai có được nhiều cơ hội khi chỉ tự đóng mình trong những khuôn khổ nhỏ hẹp, đặc biệt với một vùng đất chưa có thị trường nghệ thuật thực sự như ở Huế. Do vậy, việc tìm kiếm thị trường nghệ thuật cho mỗi cá nhân họa sĩ Huế là một nỗ lực rất cần thiết của từng cá nhân.
“Việc mở triển lãm của các họa sĩ ở Huế tại TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội trên thực tế đã đem lại rất nhiều cơ hội. Trước hết, đó là khả năng bán được tranh trong triển lãm rất cao. Hầu hết các họa sĩ Huế đi xa triển lãm đều bán được tranh, điều này khác xa so với việc mở triển lãm tại Huế”, họa sĩ Lê Minh Phong nhìn nhận.
Không dừng lại đó, ngoài việc bán được tranh, họa sĩ có cơ hội được giao lưu, nối kết với công chúng cũng như các nhà sưu tập ở hai đầu đất nước. Sự cọ xát với những trào lưu mới, ngôn ngữ mới khác với văn hóa của mình để từ đó, họa sĩ ở Huế có thể đem ra những đối sánh trong quá trình thực hành nghệ thuật. Đặc biệt, nhận được tiếng nói đồng thuận cũng như những lời phê bình nghiêm khắc đối với những tác phẩm nghệ thuật.
Cùng suy nghĩ, họa sĩ gốc biển Thuận An - Trần Vĩnh Thịnh - người khá thành công trong một số triển lãm cá nhân hay triển lãm nhóm ở nhiều vùng miền trên cả nước khẳng định đây là tín hiện tốt. Theo họa sĩ Thịnh, việc này không phải là mới, bởi từ nhiều thập niên trước, các thế hệ họa sĩ đàn anh cũng đã đưa “những đứa con tinh thần” của mình đi xa, hòa vào cuộc chơi chung của hội họa cả nước.
“Có chăng cái khác bây giờ là phương tiện tàu xe, cũng như thông tin kết nối tốt hơn, ngoài ra đời sống kinh tế anh chị em họa sĩ cũng khá lên, nên việc mang các tác phẩm vào Nam ra Bắc trình làng cũng dễ dàng hơn”, họa sĩ Thịnh so sánh.
Phát triển nghề nghiệp
Việc đưa tác phẩm của mình đi xa, nhiều nhất ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng là cách mà các họa sĩ tạo ra cơ hội phát triển nghề nghiệp. Bởi theo các họa sĩ, hai thành phố lớn này tập trung khá nhiều giới thưởng ngoạn tranh chuyên nghiệp. Từ đó vô hình chung các họa sĩ như được thẩm định ngầm bởi những con mắt tinh tường nơi đây.
“Cho nên cái lợi đầu tiên khi triển lãm ở hai thành phố này là các họa sĩ được người xem đánh giá đúng mức và tự hiểu bản thân mình đang ở mức nào, để rút ra kinh nghiệm còn tự cân bằng, xem lại khả năng nghề nghiệp để phát huy tốt hơn ở các tác phẩm về sau”, họa sĩ Thịnh kinh nghiệm sau nhiều lần đưa tranh mình đến với người xem ngoại tỉnh.
Phần đông các nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam tập trung ở hai đầu đất nước và tác phẩm lớn ra đời đa số cũng từ các thành phố đó. Nhưng sau những lần đi triển lãm ở đó nhiều họa sĩ Huế nhận ra rằng, người xem thường rất tò mò và háo hức với các tác giả Huế. Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh cho rằng, có thể họ cảm nhận tình cảm từ vùng đất mà họa sĩ ở. Và rất nhiều lần họa sĩ Thịnh nghe người xem ở đó chia sẻ: “Đa số tranh của họa sĩ Huế thường có chất “thơ”.
Họa sĩ Lê Minh Phong khẳng định, ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội người ta đang dần chấp nhận những dị biệt của nghệ thuật. Họ sẵn sàng đón nhận những trào lưu mới trong nghệ thuật và xem đó như là một điều tất yếu trong sự vận hành của lịch sử nghệ thuật.
“Thậm chí rất nhiều nhà sưu tầm nghệ thuật sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để sưu tầm những tác phẩm mang ý hướng tiên phong, đương đại”, họa sĩ Lê Minh Phong kể. Tuy nhiên, khi quay góc nhìn về Huế, họa sĩ Lê Minh Phong tỏ ra tiếc nuối khi nhiều yếu tố để tạo nên thị trường nghệ thuật tại Huế lại chưa xuất hiện.
Từng xem nhiều triển lãm của họa sĩ Huế ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng như nhiều nơi khác, ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao về tài năng, sự sáng tạo của các họa sĩ đến từ vùng đất Cố đô. “Huế từng có thế hệ đi trước được xếp vào hàng họa sĩ đỉnh cao. Riêng với thế hệ họa sĩ hiện tại có rất nhiều họa sĩ tài năng, được đón nhận một cách nồng nhiệt”, ông Minh nói và cho hay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã sưu tầm một số tác phẩm của họa sĩ Huế.
NHẬT MINH