ClockChủ Nhật, 11/08/2019 06:42

Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi & nỗi nhớ quê nhà

TTH - Từ Boston, Hoa Kỳ, họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi mang nỗi nhớ quê nhà về Huế tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Ký ức quê nhà” tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, sau đó là ở phố cổ Hội An.

“Ký ức quê nhà” của họa sĩ Nguyễn Trọng KhôiKhai trương phòng tranh của họa sĩ Vĩnh Phối

Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi

“Ký ức quê nhà” gồm 29 tác phẩm, vẽ bằng chất liệu sơn dầu và acrylic, thể hiện nỗi nhớ của người họa sĩ sống xa quê luôn vọng tưởng về quê nhà. Đây là những tác phẩm được họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi sáng tác khoảng 2 năm nay, hầu hết là cảm xúc mà ông bắt gặp trong đời thường, những cảm nhận, thao thức về đời sống, âm nhạc, không gian cảnh trí, thân phận con người… Tất cả đều hướng về quê hương.

Họa sĩ chia sẻ, rời xa quê đã nhiều năm, ông không thể vịn vào hình ảnh quê hương với những dòng sông uốn lượn, bóng con đò hay những mái tranh, những hoài niệm tốt đẹp khắc họa từ ấu thơ… để sáng tác mà phải tìm một mẫu số chung để hòa hợp với chung quanh. Đó là những trăn trở, những góc khuất trong tâm hồn, nỗi cô đơn và thân phận. Tâm hồn luôn hướng về quê nhà, đôi khi, ông tưởng tượng mình đang dạo chơi trên cánh đồng và vẽ trong tâm tưởng.

Không vẽ hình ảnh mái tranh, con đò nhưng hầu như bức tranh nào của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi cũng bàng bạc hình bóng của quê hương. Tôi ấn tượng với bức tranh “Mùa thu dịu êm” mà họa sĩ giới thiệu là vẽ về mùa thu ở Việt Nam, đầy cây xanh với không gian tươi mát. Dù không vẽ về dòng sông nhưng bức tranh vẫn gợi về hình ảnh mát lành của thuở tắm sông trong lòng mỗi người.

Xem tranh của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, để ý kỹ sẽ thấy những họa tiết của quê nhà ẩn hiện trong những đường nét. “Giao khúc”, một tác phẩm họa sĩ vẽ về âm nhạc nhưng nó là thứ âm nhạc trong ruộng lúa, âm nhạc trong những đường quê và chỉ có những nước nông nghiệp như Việt Nam mới có không gian điền dã như vậy.

Tác phẩm “Mùa thu dịu êm”

Chiêm nghiệm cuộc sống, họa sĩ thể hiện nhiều tác phẩm về thân phận con người. Đó là hình ảnh bà mẹ trẻ đơn thân gồng mình để bảo vệ hai đứa con thơ trước cuộc sống nhiều cạm bẫy, đôi khi, chị phải giấu mình bằng chiếc mặt nạ để tồn tại. Tác phẩm “Không dung mạo” lại đề cập đến những lo toan mà con người phải đối mặt trong cuộc sống...

Xuất thân từ Trường cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi sáng tác cả hai thể loại tranh: hiện thực và trừu tượng. Những năm gần đây, ông tập trung hơn cho trừu tượng, loại hình nghệ thuật được diễn giải rộng, tự do hơn trong sáng tạo. Vẽ tranh trừu tượng, ông gợi tả những cảm xúc về không gian thiên nhiên, nội tâm hay rung động về âm nhạc, hân hoan đắm chìm trong sự sắp xếp những mảng khối màu sắc chọn lọc theo cảm quan từ những kinh nghiệm, ý thích. Không có một cái gì tùy tiện trong tranh của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, ngay cả cách đổ màu, loang màu, những nét cọ vòng vèo hay mảng khối…

Với tranh hiện thực, tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi thường có bóng dáng con người. Đó là những băn khoăn trong đời sống, một chút mơ hồ giữa thực và ảo, một không gian có chút huyễn hoặc, có chút hoài nghi, sự hiện diện của những điều cần lãng quên, như sự lẻ loi, cô đơn hay những nỗi buồn... Tranh của ông bao giờ cũng thấp thoáng trừu tượng trong hiện thực. Về kỹ thuật, ông loại bỏ dần những nét chi tiết nhuyễn ướt, sắc nét, thay vào đó là sự thô mộc cùng những sắc trầm gần gũi.

Về Huế triển lãm, điều thú vị là họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi gửi đến người xem hai bức tranh mang đậm hồn Huế: “Tim tím Huế” và “Ngựa đá”. Nếu tác phẩm “Tim tím Huế” là cảnh mộng mơ, êm đềm với hình ảnh những tà áo dài bên bến sông quen thuộc, thì “Ngựa đá” là những dấu tích của lịch sử về thành quách xưa cổ, về những con chiến mã kinh qua nhiều triều đại, qua bao gian khổ để đấu tranh gìn giữ quê hương.

Tác phẩm “Tim tím Huế”

Đây là hai bức tranh ông sáng tác sau lần đầu tiên đến Huế vào năm ngoái. Chỉ ở lại Huế một ngày, chưa kịp cảm nhận hết về Huế, nhưng Huế “ám ảnh” ông rất sâu. Gặp Huế, bao cảm xúc, hình ảnh về Huế sẵn trong tiềm thức được đánh thức, trong đó, màu tím Huế ám ảnh ông từ rất lâu về một nỗi buồn man mác nhưng êm đềm và hạnh phúc. Họa sĩ tâm sự: “Huế cho tôi cảm giác êm đềm, con người hiền hòa, cảnh trí thơ mộng. Về đây, được hít thở không khí của Huế, được đắm chìm trong hồn Huế, trong tôi dấy lên nhiều cảm xúc. Sau triển lãm này, tôi đang ấp ủ sáng tác một loạt tranh dành riêng cho Huế”.

Vẽ để gửi gắm nỗi lòng của một người con xa xứ thao thức nhớ về quê nhà, mỗi lần về Việt Nam đánh thức trong họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi nhiều cảm xúc. Ông góp nhặt tất cả những hình ảnh, tình cảm của quê hương để sang bên kia sáng tác, rồi mang tác phẩm về Việt Nam triển lãm nhằm tìm sự đồng cảm, chan hòa.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi nguồn từ một căn cước văn hóa

Võ Thành Thân là một trong những họa sĩ trẻ, góp phần làm nên công cuộc đổi mới nghệ thuật Việt Nam. Triển lãm cá nhân “Mộng Ảnh” của anh đang diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (TP. Hồ Chí Minh) từ ngày 30/11 - 15/12/2024 - triển lãm quy tụ 14 bộ tác phẩm sơn dầu, thành quả của hơn ba năm nghiên cứu và sáng tạo miệt mài.

Khởi nguồn từ một căn cước văn hóa
Tầm quan trọng của mạng lưới chăm sóc sức khỏe tim mạch đa tuyến

Ngày 14/12, Đại hội Tim mạch học toàn quốc lần thứ 19 chính thức khai mạc, thu hút 2.200 đại biểu và hội viên trong, ngoài nước. Với chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới: Con đường bước ra thế giới", đại hội diễn ra với nhiều hoạt động đến ngày 15/12.

Tầm quan trọng của mạng lưới chăm sóc sức khỏe tim mạch đa tuyến
Phú Xuân - Gia Định, những dấu ấn lịch sử

Đó là chủ đề của triển lãm được Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, khai mạc sáng 29/11 tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (số 65 đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh).

Phú Xuân - Gia Định, những dấu ấn lịch sử

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top