ClockChủ Nhật, 17/12/2017 17:02

Hội ngộ tinh túy của mỹ thuật Huế

TTH - Chưa phải là tất cả nhưng nó là những “viên ngọc” được mài dũa từ tài năng và trí tuệ, được chắt lọc từ những rung cảm của người nghệ sĩ... Hẳn người xem sẽ cảm nhận được điều đó khi đến với triển lãm “Hội ngộ” đang được trưng bày tại Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng.

Trưng bày tác phẩm, chuẩn bị cho việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuậtTriển lãm 40 tác phẩm mỹ thuật về Bác HồĐào tạo mỹ thuật ứng dụng: Hướng đến nhu cầu của doanh nghiệpThúc đẩy lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm phát triển

Tác phẩm “Treo trên thời gian” của họa sĩ Bửu Chỉ

Mãn nhãn

Mừng ngày truyền thống mỹ thuật năm nay (10/12), Sở Văn hóa và Thể thao cùng Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế đã làm một việc rất ý nghĩa với nền mỹ thuật Huế khi tổ chức triển lãm “Hội ngộ”. Triển lãm này không chỉ giới thiệu đến công chúng những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của Huế qua các thời kỳ mà còn đánh dấu mốc quan trọng trong việc chuẩn bị hình thành Bảo tàng Mỹ thuật Huế - điều giới mỹ thuật Huế trông đợi suốt mấy mươi năm qua.

Triển lãm giới thiệu 33 bức tranh xuất sắc, tiêu biểu đã đạt giải thưởng quốc gia và khu vực qua các thời kỳ được Sở Văn hóa và Thể thao sưu tập cùng với các tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng của Huế; trong đó, có những tác phẩm mỹ thuật quý của các họa sĩ Tôn Thất Đào, Vĩnh Phối, Bửu Chỉ, Đỗ Kỳ Hoàng, Dương Đình Sang… Nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao của các họa sĩ tiêu biểu là giảng viên, sinh viên qua các thời kỳ của Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế, như: Trương Bé, Phan Thanh Bình, Lê Văn Nhường, Nguyễn Thiện Đức và 6 tác phẩm mới của các họa sĩ trẻ hiến tặng.

Hiếm có dịp nào lại có sự hội ngộ tác phẩm của các họa sĩ tiêu biểu của Huế “mãn nhãn” người xem như vậy. Nếu bức tranh sơn dầu “Phong cảnh” của họa sĩ Tôn Thất Đào - người được các thế hệ họa sĩ tài hoa mệnh danh là một họa sĩ bậc thầy của Huế - là vẻ yên bình, hiền hòa đầy tính cách Huế, thơ mộng thì tranh của họa sĩ Bửu Chỉ là sự chiêm nghiệm con người trong hữu hạn không gian, thời gian của vũ trụ với hình tượng đồng hồ, ngọn đèn, con người trong tác phẩm “Treo trên thời gian”. Tranh của họa sĩ Dương Đình Sang với tác phẩm “Đàn bà” là một thế giới của mộng tưởng, nhiều ẩn dụ, thì “Nét Huế” của họa sĩ Hà Văn Chước lại là hình ảnh của cô gái Huế dịu dàng, mộng mơ...

Tác phẩm “Nét Huế” của họa sĩ Hà Văn Chước

Xúc tiến thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế

Gần 30 năm trước, việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế được đặt ra. Một trong những người có công đặt những viên gạch đầu tiên là nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Thừa Thiên Huế. Hồi ấy, ông đã có ý tưởng và âm thầm sưu tập tranh của các họa sĩ tên tuổi từ nguồn kinh phí eo hẹp của ngành văn hóa.

PGS. TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật cho hay: “Công lao của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa rất lớn, nhờ đó mà chúng ta được xem triển lãm này. Những tác phẩm xuất sắc nhất của cả một quá trình, tiêu biểu cho các gương mặt nổi bật của mỹ thuật Huế đã có mặt trong bộ sưu tập của Sở Văn hóa và Thể thao. Những tác phẩm khác của các cựu sinh viên, giảng viên được mời tham dự triển lãm cho thấy mạch chảy của mỹ thuật Huế thiêng liêng, gắn bó với mảnh đất Cố đô”.

Kể lại chuyện sưu tập tranh hồi ấy, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa chia sẻ: “Khi còn là Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin, rất nhiều lần tôi đã đề nghị nên xúc tiến hình thành Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Để có bảo tàng, trước hết cần có những tác phẩm mỹ thuật nổi bật của Huế. Bằng nguồn vốn eo hẹp của ngành văn hóa, chúng tôi đã trích ra một phần để hình thành bộ sưu tập khoảng 20 bức tranh của các tác giả nổi tiếng của Huế. Chúng tôi chọn mua những tác phẩm đạt giải thưởng quốc gia, khu vực miền Trung, giải thưởng mỹ thuật hàng năm dựa trên nhận xét của hội đồng uy tín về mỹ thuật”. Ông Hoa nhấn mạnh, sự hưởng ứng của các họa sĩ Huế lúc ấy rất đáng quý. Khi đề cập đến chuyện giá cả, tất cả các họa sĩ đều không câu nệ. 

Triển lãm “Hội ngộ” cũng định hướng một cách rõ ràng cho việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Năm nay, Sở Văn hóa và Thể thao tái khởi động việc mua tác phẩm, tiến tới thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế, định hướng trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Hưởng ứng việc này, một số họa sĩ trẻ cũng mang tranh đến hiến tặng. “Từ đây đến năm 2020, tỉnh sẽ bố trí nguồn kinh phí để mua tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Năm 2017, tỉnh bố trí kinh phí 1 tỷ đồng và sang năm, chúng tôi đề nghị tỉnh bố trí 2 tỷ đồng. Thông qua các triển lãm, chúng tôi cùng với Hội đồng nghệ thuật chọn mua những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, đồng thời vận động các họa sĩ hiến tặng tác phẩm” - ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay.

PGS. TS. Phan Thanh Bình chia sẻ: “Khát vọng của giới mỹ thuật Huế đối với việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế rất lớn. Bảo tàng ra đời càng sớm càng tốt, để lưu giữ được những tác phẩm xuất sắc nhất của Thừa Thiên Huế, đáp ứng yêu cầu thưởng thức mỹ thuật của Nhân dân. Đây là triển lãm đáng nhớ, cho thấy cánh cửa Bảo tàng Mỹ thuật Huế trong tương lai sẽ được mở trong một ngày gần đây”.

Lực lượng họa sĩ xuất thân từ Huế với những khuôn mặt nổi danh trong giới hội họa cả nước cùng lực lượng họa sĩ trẻ đang giàu sức sáng tạo là nguồn lực để xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật hội đủ các yếu tố số lượng và cả chất lượng. PGS. TS. Phan Thanh Bình tin tưởng: “Từ nguồn lực sáng tạo của Huế với rất đông hội viên mỹ thuật địa phương, Trung ương cùng sức đào tạo của Trường đại học Nghệ thuật, tôi tin chắc họ đủ sức có những tác phẩm tốt. Chúng ta cần mua ngay tác phẩm của họa sĩ trẻ, đừng đợi đến khi họ nổi tiếng thì không mua nổi. Đây cũng là kinh nghiệm của tất cả các bảo tàng”.

Xúc tiến cho việc thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Hội đồng Tư vấn đã thống nhất với Sở Văn hóa và Thể thao đưa ra kế hoạch sưu tập với danh sách các họa sĩ có tác phẩm cần phải tiến hành sưu tập, trong đó có tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Tôn Thất Đào, Vĩnh Phối, Bửu Chỉ...

Bài, ảnh: TRANG HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc
Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng

Ngày 28/10, ông Trần Xuân Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức gala thơ nhạc “Chút tình với Huế” thu về 600 triệu đồng nhằm sẻ chia các dự án cộng đồng tại quê hương.

Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng
Return to top