ClockThứ Tư, 27/03/2013 16:52

Huế qua ống kính của nhiếp ảnh gia Hasegawa Taro

TTH - Những ngày đến nhiệm trú ở New Space Arts Foundation, cuộc sống ở Huế đã hấp dẫn nhiếp ảnh gia Nhật Bản Hasegawa Taro. Với anh, Huế là thành phố tràn ngập "hương vị cuộc sống".

Cuối tuần qua, triển lãm ảnh về Huế mang tên “Thành phố nước” của nhiếp ảnh gia người Nhật Hasegawa Taro đã khai mạc tại Làng nghề Huế (15 Lê Lợi). Trước khi đến xem triển lãm, trong tôi là cảm giác tò mò lẫn háo hức, không biết Huế được thể hiện qua góc máy của một nhiếp ảnh gia người nước ngoài như thế nào? Không phí chiều cuối tuần, những người đến xem triển lãm đều thấy thú vị khi thưởng thức những bức ảnh về Huế qua góc nhìn của nghệ sĩ nhiếp ảnh người Nhật.

Những tác phẩm "Thành phố nước" của Hasegawa Taro

Hasegawa Taro (40 tuổi), đến từ thành phố Osaka, Nhật Bản. Ba tháng ở Huế đã mang đến cho anh nhiều trải nghiệm thú vị. Theo Hasegawa Taro, Huế là một thành phố tràn ngập “hương vị cuộc sống”, khác hẳn thành phố anh đang sống. Osaka là thành phố công nghiệp. Sáng đi, tối về, con người cứ theo guồng quay của công việc, lãng quên đi hương vị của cuộc sống. Với anh, khung cảnh yên bình với những hình ảnh gà chạy trong vườn, quần áo phơi phong phanh, tiếng xe cộ, tiếng nói chuyện thậm chí là cãi vã, âm nhạc vang lên từ các quán cà phê và mùi thức ăn bán dọc đường… mới chính là cuộc sống đang chảy. Taro chia sẻ: “Sức hút mạnh mẽ tỏa ra từ mảnh đất này thúc giục tôi đi sâu vào tìm hiểu thêm về Huế, đặc biệt là những dòng sông nhỏ và cuộc sống của người dân cùng mối liên hệ giữa các thành viên trong gia đình người Huế. Vì thế, tôi đã thực hiện những bức ảnh về 2 chủ đề này”.

Với những tác phẩm về “Thành phố nước”, Taro đã thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa cuộc sống người dân và những dòng sông nhỏ bao quanh. Mỗi ngày, anh đạp xe lang thang khắp thành phố, vừa chụp ảnh vừa suy nghĩ làm sao để truyền tải cho mọi người bầu không khí tràn đầy sức sống của người dân Huế qua những bức ảnh khắc họa sông nước. Taro chọn đêm khuya và sáng sớm - thời điểm có thể ghi lại được bức ảnh một cách bình dị nhất. Qua ống kính của anh, không khí đầy sức sống của Huế được phản chiếu qua mặt nước bình dị mà lung linh, huyền ảo. Taro chia sẻ, khi chụp những bức ảnh về thành phố nước, anh cảm nhận được mối liên hệ giữa cuộc sống hiện tại và thế giới huyền ảo qua hình ảnh thực trên mặt đất và hình ảnh phản chiếu dưới dòng sông.
 
 
 
Taro đã đến nhiều gia đình và xin chụp ảnh về họ. Taro kể: “Con người Huế có một mối liên kết mãnh liệt với gia đình. Đó là một đề tài rất lôi cuốn. Tôi muốn ghi lại mối quan hệ thân thiết giữa các thành viên trong gia đình để có thể mang bầu không khí tràn đầy sức sống vào những bức ảnh của mình”. Đầu tiên, Taro chụp ảnh gia đình bạn bè của anh, rồi những gia đình mà bạn bè anh giới thiệu. Vẫn chưa đủ. Anh mang theo những mảnh giấy có viết dòng chữ bằng tiếng Việt: “Làm ơn cho tôi chụp ảnh gia đình của bạn có được không?” và lang thang khắp thành phố.
 
Xuyên suốt các tác phẩm là sự đối thoại, giao tiếp của những người không cùng ngôn ngữ. Sự giao hòa cảm xúc giữa nghệ sĩ và nhân vật đã phá vỡ rào cản ngôn ngữ. Taro cho biết: “Khi chụp những bức ảnh gia đình, tôi cảm giác mình đã ở bên trong cuộc sống của người dân Huế và cảm nhận sâu sắc hơn về một Việt Nam đương đại”.                              

Đến Huế, Taro sống trong một gia đình và cảm thấy thoải mái như đang sống ở nhà mình. Họ đã giúp ông vượt qua khó khăn trong những ngày đầu bỡ ngỡ. Taro vui vẻ: “Người Huế rất thân thiện, mến khách. Tôi cảm nhận được sự ấm áp từ tấm lòng họ. Những người bạn Huế đã mở ra cho tôi cánh cửa đến với một Việt Nam đầy hấp dẫn và lôi cuốn”.

Trang Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc triển lãm tranh Trúc Chỉ “Giao của mùa – Cảm ơn mùa hè”

Chiều 17/7, Tạp chí Sông Hương và Công ty TNHH Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam phối hợp tổ chức triển lãm tranh mang chủ đề “Giao của mùa – Cảm ơn mùa hè” tại Tòa soạn Tạp chí Sông Hương (số 9 Phạm Hồng Thái, TP. Huế). Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế tham dự.

Khai mạc triển lãm tranh Trúc Chỉ “Giao của mùa – Cảm ơn mùa hè”
Quảng Điền - miền cảm hứng sáng tạo

Về Quảng Điền, nghe trong gió văng vẳng câu hát người xưa: “Phá Tam Giang rộng lắm ai ơi!/Có ai về Sịa với tôi thì về/Đất Sịa có lịch có lề/Có sông tắm mát, có nghề làm ăn”...

Quảng Điền - miền cảm hứng sáng tạo
Dạo chơi vườn ngũ sắc

Hưởng ứng Festival Huế 2024, ngày 8/6 tới đây, các họa sĩ Huế và yêu Huế sẽ về miệt vườn Kim Long hoa trái để trưng bày tranh với chủ đề “Dạo chơi vườn Huế”. Cuộc dạo chơi sẽ được bài trí bởi 39 bức tranh của 7 tác giả, là những bước chân qua những góc vườn ngũ sắc, với những câu chuyện xao động sắc màu của nắng gió vườn xanh, những tự tình hàn huyên của lá và hoa trong những góc vườn Huế vừa tĩnh lặng vừa sôi động…

Dạo chơi vườn ngũ sắc
Kể chuyện lịch sử bằng ký họa

Những tác phẩm ký họa của họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên đã tái hiện được những năm tháng lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ của dân và quân Bình Trị Thiên với những góc nhìn chân thật về cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ. Nhiều tác phẩm trong số đó sáng tác trong thời kỳ tham gia kháng chiến và lần đầu tiên được công bố đến công chúng với tên gọi “Miền ký ức”.

Kể chuyện lịch sử bằng ký họa
“Những người bạn” tụ hội về Huế

Họ dù ở nhiều thế hệ, sống ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng có chung niềm đam mê với hội họa để rồi còn hẹn hò về Huế triển lãm. Với họ, Huế là vùng đất để lại rất nhiều kỷ niệm không chỉ trong sáng tác mà còn ở tình bằng hữu, tình của những người nghệ sĩ với nhau.

“Những người bạn” tụ hội về Huế
Return to top