ClockThứ Bảy, 29/06/2019 09:24

Hướng đi cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế

TTH.VN - Bảo tàng Mỹ thuật Huế vừa bổ sung thêm vào sưu tập 14 tác phẩm. Đáng chú ý, tác phẩm video art “Chạm tới biển” của hai nghệ sĩ Lê Đức Hải – Lê Ngọc Thanh được xem là bước ngoặt hướng tới mỹ thuật đương đại (contemporary art) của bảo tàng.

Chuẩn bị ra mắt Bảo tàng Mỹ thuật HuếBảo tàng Mỹ thuật Huế phải xứng tầm với vị thế của một trung tâm văn hóaKhẩn trương sưu tập tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế

Cảnh trong video art “Chạm tới biển” 

Sưu tập nghệ thuật đương đại

Trong số 14 tác phẩm vừa được Bảo tàng Mỹ thuật Huế sưu tập đợt 1/2019, video art “Chạm tới biển” của hai nghệ sĩ song sinh Lê Đức Hải – Lê Ngọc Thanh là tác phẩm nghệ thuật đương đại duy nhất, bên cạnh các tác phẩm hội họa, điêu khắc. Sự kiện này được xem là bước ngoặt đối với hoạt động của bảo tàng mỹ thuật tại Việt Nam khi là bảo tàng đầu tiên sưu tập một tác phẩm nghệ thuật đương đại.

“Chạm tới biển” làm một câu chuyện nối dài ký ức quá khứ, hiện tại và tương lai của anh em nghệ sĩ Thanh – Hải. “Trong phim, hai nhân vật giả tưởng trong hành trình tìm lại nhau, cũng là tìm lại chính quê hương bản ngã của mình. Đây là một câu chuyện, không phải được kể lại, mà là được tháo rời ra trong một tiến trình thực và ảo mà ở đó, tất cả đều là ẩn dụ. Chúng tôi muốn đặt câu hỏi về ý nghĩa của sự chia ly, hợp nhất - hai trạng thái quan trọng nhất của con người. Tác phẩm như một lá thư bằng hình ảnh và công chúng có thể đón nhận theo cách riêng”, nghệ sĩ Lê Đức Hải giới thiệu. 

Theo họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật tỉnh, thành viên Hội đồng thẩm định mua tác phẩm cho Bảo tàng Mỹ thuật Huế, video art “Chạm tới biển” là tác phẩm ra đời khá sớm, được dàn dựng, đầu tư công phu. Đây là một tác phẩm hay, đẹp, có giá trị về mặt nghệ thuật, có giá trị tư tưởng vượt thời đại.

"Tháng giêng trẩy hội" của họa sĩ Hà Văn Chước - tác phẩm vừa được Bảo tàng Mỹ thuật Huế sưu tập

Hơn nữa, giá trị của video art này đã được khẳng định khi được các bảo tàng quốc tế sưu tập, như Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Singapore (SAM), Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Maiiam ở Chiangmai, Thái Lan và một bộ sưu tập cá nhân cỡ lớn tại Singapore. Việc sưu tập tác phẩm video art chưa có tiền lệ trong lịch sử hoạt động của các bảo tàng mỹ thuật ở Việt Nam nhưng cần thiết để làm phong phú bộ sưu tập của một bảo tàng mỹ thuật.

Phù hợp với xu thế

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh mới ra đời còn non trẻ, kinh phí khó khăn, Bảo tàng Mỹ thuật Huế nên chọn cho hướng đi riêng, sưu tập những tác phẩm thể hiện được diện mạo của nền mỹ thuật khu vực miền Trung nói chung và Huế nói riêng. Khi những tác phẩm giá trị người ta đã sưu tập gần hết, nếu Bảo tàng Mỹ thuật Huế không chọn được lối đi riêng thì dễ giẫm lên dấu chân của những bảo tàng ra đời trước.

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức lưu ý: “Trong điều kiện kinh phí có hạn, nếu mua tác phẩm lần lượt theo các thời kỳ thì đến thời điểm nào đó, những tác phẩm có giá trị của nghệ sĩ trẻ cũng chưa chắc sưu tập được. Bảo tàng nên sưu tập theo kiểu gối đầu, vừa tìm tác phẩm của các thế hệ họa sĩ trước, vừa sưu tập tác phẩm của những tác giả đang còn sống nhưng đã thành danh, có những đóng góp nhất định. Việc sưu tập những tác phẩm mang tính chất đương đại của các nghệ sĩ trẻ, nhất là các tác phẩm đã được hội đồng nghệ thuật trong khu vực và trên thế giới ghi nhận sẽ giúp bảo tàng tạo ra dấu ấn riêng, phù hợp với điều kiện, cách làm bảo tàng trong thời điểm hiện tại”.

"Phố" của họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận, tác phẩm vừa được Bảo tàng Mỹ thuật Huế sưu tập

Chân dung mỹ thuật đương đại của miền Trung nói chung và Huế nói riêng khá sôi động, với những tên tuổi như: anh em họa sĩ  Lê Ngọc Thanh, Lê Đức Hải, Lê Thừa Tiến, Trần Tuấn, Thanh Mai… Họ là những cá nhân có đóng góp xứng đáng cho mỹ thuật đương đại, trong đó có nhiều tác phẩm đã được các bảo tàng sưu tập. Bảo tàng Mỹ thuật Huế được thành lập, anh em nghệ sĩ ai cũng vui mừng nên muốn đóng góp cho quê hương, đây là điểm thuận lợi cho công tác sưu tập của bảo tàng.

Bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế cho hay, đúng là rất khó để sưu tập đầy đủ tất cả các giai đoạn phát triển của mỹ thuật, nhất là mỹ thuật Đông Dương, cả về tài chính và tác phẩm. Dù vậy, bảo tàng vẫn đưa những tác phẩm này vào đề cương sưu tầm, nhưng đòi hỏi thời gian dài và nguồn lực mạnh. Trong đề cương sưu tầm của bảo tàng, vẫn tiếp tục sưu tầm nghệ thuật đương đại, trên cơ sở đánh giá từ tiêu chí và giá trị nghệ thuật, phản ánh xu hướng nghệ thuật của thời đại, sự cống hiến của nghệ sĩ…

Trong khi chờ bàn giao địa điểm số 10 Lý Thường Kiệt để cải tạo, chỉnh trang, trước mắt, Bảo tàng Mỹ thuật Huế chủ động xây dựng đề cương trưng bày dịp khai trương bảo tàng. Ngoài những tác phẩm tiêu biểu đang lưu giữ, bảo tàng sẽ phối hợp với các gia đình họa sĩ ở Huế, như: Tôn Thất Đào, Bửu Chỉ, Vĩnh Phối… để trưng bày thêm tác phẩm đại diện cho các thời kỳ sáng tác tiêu biểu của mỹ thuật Huế; đồng thời, trưng bày thêm chuyên đề về nghệ thuật Trúc chỉ, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn…

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những cống hiến thầm lặng

Suốt 6 ngày đêm diễn ra Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024, lực lượng làm nhiệm vụ, đội ngũ kỹ thuật, công nhân thi công của các đơn vị đã có những đóng góp thầm lặng để góp phần làm nên thành công cho các chương trình.

Những cống hiến thầm lặng
Được gặp thần tượng

Lễ hội Bia phải đến 16 giờ 30 phút mới diễn ra, nhưng từ đầu giờ chiều, mấy bạn sinh viên gần chỗ tôi ở đã “lên đồ” để chuẩn bị đi gặp thần tượng. Các em bảo: “Đi sớm lựa chỗ để gặp ca sĩ Hiếu Thứ Hai”.

Được gặp thần tượng
Biểu tượng rồng qua gốm Trần Độ

56 tác phẩm rồng được chế tác tinh xảo bằng gốm qua bàn tay của nghệ nhân Trần Độ (làng gốm Bát Tràng, Hà Nội) đã được giới thiệu đến công chúng trong Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024.

Biểu tượng rồng qua gốm Trần Độ
Return to top