“Sắc hoa đất Việt” - Trịnh Hoàng Tân. Ảnh chụp lại từ tác phẩm
“Sắc màu kết nối” là cuộc hội ngộ đầu tiên giữa mỹ thuật ba địa phương Huế - Đà Nẵng - Quảng Trị. Với 53 tác phẩm của 53 tác giả gồm nhiều tên tuổi kỳ cựu của mỹ thuật ba địa phương và cả những tác giả trẻ, đã khắc họa rõ nét chân dung mỹ thuật của từng địa phương trong bố cục tạo hình chung của khu vực.
Quảng Trị có Trịnh Hoàng Tân, Trương Minh Dự, Thế Hà... Đà Nẵng có Hồ Đình Nam Kha, Nguyễn Trọng Dũng, Thân Trọng Dũng và Huế gồm những gương mặt đã tạo được dấu ấn trong lòng công chúng: Phan Thanh Bình, Nguyễn Thị Hải Hòa, Lê Văn Nhường, Tô Trần Bích Thúy... tạo nên một không gian sắc màu đan xen, kết nối đầy lý thú.
Mỗi tác phẩm là một câu chuyện nội tâm đậm tính nhân văn, như ca ngợi cuộc sống, đất nước, biểu lộ tình yêu đối với thiên nhiên, con người. Đó còn là sự bộc bạch về thân phận, sự chiêm nghiệm về triết lý nhân sinh hay khát vọng níu giữ cái đẹp lý tưởng bất biến trong xã hội đương đại. Phảng phất trong đó là hình ảnh đặc trưng của văn hóa vùng miền.
Những thông điệp, ý tưởng ấy được các tác giả thể hiện bằng kỹ thuật, chất liệu tạo hình đa dạng, phong phú, như: sơn dầu, sơn mài, acrylic, lụa, in khắc gỗ, in kim loại, Trúc chỉ, tổng hợp, chạm khắc gỗ… thông qua các phong cách tạo hình phong phú, như trừu tượng, bán trừu tượng, ấn tượng, lập thể, tả thực.
“Hội An xưa” - Nguyễn Tường Vinh. Ảnh chụp lại từ tác phẩm
Theo họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, tác phẩm được trưng bày trong triển lãm cũng thể hiện đặc trưng riêng có của mỗi vùng đất. Huế nhẹ nhàng, Quảng Trị gai góc và Đà Nẵng là khao khát vươn mình.
“Chuyển nhịp cùng Hương” của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Huệ là một trong những tác phẩm đặc trưng cho phong cách Huế: nhẹ nhàng, mềm mại và sâu lắng. Bằng chất liệu lụa tổng hợp, tác phẩm thể hiện cách điệu hình ảnh cầu Trường Tiền lấp lánh sắc vàng. Sự phá cách về kỹ thuật tạo hiệu ứng chiều sâu, hòa sắc đẹp cho tác phẩm. Với bức tranh này, dường như cả trời, đất, mây, nước hòa vào nhau trong không gian đặc trưng của Huế.
Theo chia sẻ của họa sĩ Nguyễn Thị Huệ, đó là ánh nắng gieo xuống dòng Hương óng ả sắc vàng được chị vẽ cách điệu thành đồng xu ngày xưa. Đây cũng là cách chị thể hiện lịch sử tên gọi Trường Tiền xuất phát từ việc ra đời một công xưởng đúc tiền tại khu vực này. Điều đặc biệt nữa trong bức tranh này là hình ảnh cầu Trường Tiền được tác giả dát bạc, những ánh nắng được dát bằng vàng thật.
Với “Hội An xưa”, họa sĩ Nguyễn Tường Vinh đến từ Đà Nẵng khắc họa chi tiết cuộc sống sinh hoạt đời thường của đô thị cổ Hội An trước đây. Bức tranh như một ký sự bằng tranh về văn hóa lịch sử của vùng đất Hội An xưa. Hình ảnh những ngôi nhà cổ, cảnh tấp nập mua bán giao thương với đủ các ngành nghề, cuộc sống sinh hoạt thường nhật được tác giả diễn tả sinh động, trung thực. Một tác phẩm hoành tráng được thể hiện bằng chất liệu khắc gỗ, điều đó đủ nói lên sự công phu và giá trị của tác phẩm.
"Chuyển nhịp cùng Hương" - Nguyễn Thị Huệ . Ảnh chụp từ tác phẩm
“Sắc hoa đất Việt” của họa sĩ Trịnh Hoàng Tân (Quảng Trị) lại dùng chất liệu sơn mài để thể hiện hình tượng người mẹ, người phụ nữ Việt Nam. Sự tương phản giữa sắc đỏ và đen đặc trưng của sơn mài càng nổi bật hình tượng người mẹ, gây xúc cảm với người xem bởi vẻ khắc khoải, gầy gò đầy hy sinh của người phụ nữ Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức cho rằng, ngoài sự gắn bó về lịch sử vùng đất, mỹ thuật ba địa phương Huế - Đà Nẵng - Quảng Trị có nhiều điểm chung khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (nay là Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế) là cái nôi của sự ngưng tụ những giá trị mỹ thuật hiện đại, đã đào tạo, tiếp nhận và sản sinh nhiều lớp họa sĩ tên tuổi cho mỹ thuật ba địa phương.
Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng đề xuất: “Triển lãm lần này được xem như bước khởi đầu cho những hợp tác, giao lưu trao đổi trong hoạt động nghệ thuật giữa Huế - Quảng Trị - Đà Nẵng trong tương lai. Theo tôi, định kỳ 2 năm một lần, ba địa phương nên tổ chức triển lãm một lần để cùng giao lưu, chia sẻ và góp sức tạo nên diện mạo mới của mỹ thuật miền Trung”.
TRANG HIỀN