ClockChủ Nhật, 13/01/2019 11:23

Khát vọng của Thái

TTH - Mộc mạc, dung dị, tranh của họa sĩ Phạm Đình Thái còn ẩn chứa niềm tin, nghị lực và tình yêu cuộc sống.

Tranh lụa &“mưa than” của Nguyễn Thị HuệVẻ đẹp phụ nữ trong tranh họa sĩ Tôn Thất ĐàoThưởng lãm tác phẩm của họa sĩ quốc tế

Tác phẩm “Phố”

Trong một số triển lãm của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, thi thoảng có sự góp mặt của họa sĩ khuyết tật Phạm Đình Thái (sinh năm 1988 tại Phú Bài, Hương Thủy). Lặng lẽ và khiêm nhường so với tác phẩm của các họa sĩ tên tuổi, những bức tranh sơn mài của Thái gần gũi, mộc mạc, nhưng ẩn đằng sau đó là nghị lực, khát vọng và niềm đam mê mãnh liệt của anh với hội họa.

Bị khiếm thính bẩm sinh, Thái luôn mang theo mình nỗi buồn từ ngày còn bé. Học hết trung học cơ sở, Thái tìm đến với hội họa bằng khát vọng lớn lao để thể hiện tâm sự của mình. Nhờ giới thiệu của một người bạn của cha, Thái tìm đến xưởng vẽ của họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn và được anh trao truyền niềm đam mê nghệ thuật. Hơn 10 năm nay, trong xưởng vẽ của họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn ở phường Hương Hồ, Thái vừa gia công tranh sơn mài cho họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn, vừa thỏa sức sáng tạo với niềm đam mê mỹ thuật.

Tranh gạo của Phạm Đình Thái

Khởi đầu với tranh gạo, một thể loại còn khá mới mẻ tại Huế ở thời điểm ấy, tác phẩm của Thái được nhiều người yêu thích. Tranh gạo của Thái chủ yếu là tranh tĩnh vật, mang lại cho người xem sự thư thái, nhẹ nhàng từ hình ảnh những đóa hoa sen, hoa ly hay những bức tranh đồng quê mộc mạc. Tranh gạo đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ nên với mỗi tác phẩm, Thái mất khá nhiều thời gian. Ngày làm ở xưởng vẽ, đêm về, Thái tỉ mẩn rang gạo làm tranh. Mỗi bức tranh gạo có đến 20 tông màu sáng tối khác nhau, Thái phải rang gạo thật khéo để tạo ra các sắc độ màu phù hợp, từ trắng, vàng nhạt, cam đến nâu đất, cánh gián, đen... rồi tỉ mẩn dán từng hạt gạo để tạo nên những bức tranh đẹp về cả bố cục lẫn đường nét, màu sắc.

Sau thành công với tranh gạo, Phạm Đình Thái tìm tòi với chất liệu sơn mài. Chỉ đơn giản là phong cảnh trong vườn với hàng cau, buồng chuối, bông hoa dại đơn sơ, góc phố cổ… những cảm xúc bình dị, hồn nhiên của Thái được thể hiện qua tác phẩm làm rung cảm trái tim của người xem. Dẫu chưa phải là những bức tranh đạt đến trình độ cao của nghệ thuật sơn mài nhưng người xem có thể cảm nhận được cảm xúc chứa chan và tình yêu cuộc sống trong từng tác phẩm.

Họa sĩ Phạm Đình Thái

Họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn nhận xét: “Thái có năng khiếu hội họa, cảm bằng mắt tốt. Từ những nét vẽ ngây ngô ngày đầu, Thái tiếp cận rất nhanh và ngày càng tiến bộ. Sơn mài đòi hòi kỹ thuật và sự tôi luyện. Nhờ kiên trì, chịu khó, Thái nắm vững các kỹ thuật của sơn mài, nhất là nghệ thuật cẩn trứng. Dù khiếm khuyết nhưng bằng sự sáng tạo và nghị lực, Thái cố gắng gửi đến người xem những mong ước, khát vọng qua tác phẩm”.

Tất cả các tác phẩm đều do Thái tự nghĩ đề tài. Trau chuốt trong kỹ thuật, chất liệu, tranh của Thái cuốn hút nhờ độ chín của màu sắc, hình khối... Họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn cũng bất ngờ với tác phẩm sơn mài “Sông trăng” của Phạm Đình Thái. Bức tranh trừu tượng thể hiện hình ảnh một thiếu nữ tắm giữa sông trăng đầy thơ mộng và lãng mạn. Sau khi trưng bày tại triển lãm Bắc miền Trung năm 2016 tại Quảng Trị, một nhà sưu tập ở Hà Nội đã mua bức tranh.

Chăm chỉ, hào hứng vẽ tranh để tham dự triển lãm, tác phẩm của Thái được trưng bày tại các triển lãm Mùa xuân và con giáp, Tặng phẩm tháng ba của Hội Mỹ thuật tỉnh, triển lãm Khát vọng, Ngày mới của Tạp chí Sông Hương dành cho họa sĩ khuyết tật. Tác phẩm của Thái cũng được trưng bày tại triển lãm mỹ thuật Bắc miền Trung năm 2016 và 2018…

Luôn sở hữu nụ tười tươi tắn, họa sĩ Phạm Đình Thái mang đến cho người đối diện sự lạc quan, hồn nhiên. Điều đó cũng được Thái thể hiện trong hội họa. Thái vui vẻ kể về niềm đam mê: “Hội họa mang lại cho em cuộc sống ý nghĩa hơn. Khi hoàn thành xong một bức tranh, em luôn thấy tràn ngập niềm vui. Bức tranh ấy đối với mọi người có thể không có gì đặc biệt, nhưng đối với em nó là cảm xúc, là mơ ước về cuộc sống”.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phù điêu - ẩn chứa tâm hồn Việt

Nghệ thuật phù điêu xuất hiện ở Huế từ cả ngàn năm trước, phát triển rực rỡ từ thế kỷ XVII, đặc biệt là gắn liền với nghệ thuật đúc đồng, nghệ thuật khảm sành sứ của Huế trên các kiến trúc của Quần thể di tích Cố đô Huế. Bước sang thế kỷ XXI, các họa sĩ và những người thợ khéo tay của Huế đã góp phần làm cho nghệ thuật đắp phù điêu ở Việt Nam có những bước phát triển mới.

Phù điêu - ẩn chứa tâm hồn Việt
Vun đắp niềm tin

Chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ) chuyên nghiệp và rõ nét, các cấp công đoàn trong tỉnh ngày càng khẳng định vị thế, xứng đáng với niềm tin của đoàn viên, NLĐ.

Vun đắp niềm tin
Khai mạc triển lãm tranh Trúc Chỉ “Giao của mùa – Cảm ơn mùa hè”

Chiều 17/7, Tạp chí Sông Hương và Công ty TNHH Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam phối hợp tổ chức triển lãm tranh mang chủ đề “Giao của mùa – Cảm ơn mùa hè” tại Tòa soạn Tạp chí Sông Hương (số 9 Phạm Hồng Thái, TP. Huế). Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế tham dự.

Khai mạc triển lãm tranh Trúc Chỉ “Giao của mùa – Cảm ơn mùa hè”
Củng cố niềm tin của Nhân dân

Cùng với cử tri cả nước, cử tri Thừa Thiên Huế đã kiến nghị nhiều vấn đề đến Kỳ họp họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Củng cố niềm tin của Nhân dân
Return to top