Hổ phù, là một hình ảnh từ tích chuyện về cuộc đấu tranh giành nước trường sanh giữa thần và quỷ. Khi con quỷ đang uống trộm nước trường sanh thì bị thần mặt trăng phát hiện và chém đứt ngang thân, nhưng nước trường sanh đã ngấm phần trên nên con quỷ không chết, ngược lại trở thành bất tử dù chỉ còn lại hai chi trước. Hình tượng mặt Hổ phù trở thành biểu tượng của sự no đủ, bền vững, chúng chiếm một vị trí đáng kể trong tạo hình của các nước Đông Nam Á.
Mặt hổ phù tại một ngôi chùa ở Huế
Trong triết lý vũ trụ Nho giáo, không gian bên trong tự tại của là thế giới thần tiên linh diệu, mặt Hổ Phù chứa đựng bí quyết trường sinh bất lão. Mặt Hổ phù cũng là sự biểu hiện vũ trụ bao la vô bờ bến, là hình ảnh tượng trưng linh thiêng, là sự ám ảnh xua đuổi tà ma, chống lại ám khí, bảo vệ chủ nhân.
Thông thường có những sự phối hợp đa diện, đa chất liệu của motif mặt Hổ phù như Lưỡng long chầu Hổ phù, Lưỡng long chầu Hổ phù đội bầu Thái Cực… hình tượng này thường đặt giữa đỉnh mái các công trình quan trọng trong Hoàng thành và lăng tẩm. Nhưng đẹp và cân đối nhất là mặt Hổ phù trang trí ở các đầu hồi, cổng, bình phong với nghệ thuật khảm sành sứ hay đắp nổi nề hoạ tinh tế.
Mặt hổ phù tại lăng Kiên Thái Vương
Mặt Hổ phù là biểu tượng tôn giáo, niềm tin tâm linh và triết lý vũ trụ khác nhau. Chúng được kiểu thức hóa cho phù hợp với tâm thức người Việt. Kiểu thức mặt Hổ phù được khảm sành sứ khá nhiều trên các công trình kiến trúc, đó là kiểu đầu rồng trang trí chính diện với góc nhìn đăng đối. Nhiều kiểu thức mặt rồng được diễn tả bằng sứ màu làm nổi bật cả một đầu hồi cung điện, có khi còn kết hợp với hoa lá, lá lật.
Hình mặt rồng Hổ phù ở đầu hồi tiền điện và chính diện của điện Thái Hòa là cụm sứ màu diễn tả đám mây xoáy tròn, mây tia lửa, cái vây đầu rồng, vảy rồng đạt đến trình độ kỹ thuật và nghệ thuật cao. Chúng tạo nên được các mảng trang trí chính, trang trí phụ, nhắc lại rất chặt chẽ và có sự tính toán, phân bố hợp lý và sinh động.
Mặt hổ phù tại lăng Gia Long
Tính trang trí thuần chất ở kiểu thức mặt rồng ngang thể hiện rất rõ trong chất liệu đất nung tại điện Ngưng Hy (Lăng Đồng Khánh) hay chất liệu nề vữa khảm sứ ở Triệu Miếu nhưng mật độ trang trí và hiệu quả tâm lý không mạnh như ở điện Thái Hòa. Điều này cũng dễ hiểu vì điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất của Đại Nội, nơi vua thiết triều, làm lễ đăng quang và tiếp các sứ thần. Do vậy, sự đầu tư cẩn trọng cho trang trí nội, ngoại thất ở điện Thái Hòa là nhằm đảm bảo yêu cầu thống nhất, chặt chẽ cho toàn thể các tiết diện trang trí chung của khu vực kiến trúc Đại Nội.
Như vậy kiểu thức Lưỡng long chầu vào mặt Hổ phù - bầu Thái cực( Hồ loa) là sự tích hợp của nhiều ý nghĩa tâm linh, nhân văn và triết lý vũ trụ - nhân sinh của nhiều tôn giáo khác nhau. Màu sắc chuyên biệt của những mặt Hổ phù tại điện Thái Hòa làm cho chúng không thể lẫn với các bộ phận trang trí khác nhau trong công trình.
Tất cả các bộ phận khác nhau trên cơ thể Hổ Phù đều được nghệ nhân xưa gắn ghép bằng những mảnh gốm, những mảnh sứ có màu có mảng hình, tạo cho chúng một vẻ đẹp khác lạ, cầu kỳ nhưng rất ấn tượng. Vì thế trong bài ghi chép về gốm sứ trang trí kiến trúc kinh thành Huế, tác giả Đặng Hữu Tuyền đánh giá về nghệ thuật khảm sành sứ tại điện Thái Hòa: "Kỹ thuật cắt gọt tỉ mỉ, mài dũa và gắn ghép công phu tới mức khó có thể tìm thấy một sự sai sót đáng kể nào. »
Mặt Hổ phù được trang trí khá nhiều trong nghệ thuật khảm sành sứ. Chính vì vậy, hình ảnh của chúng rất đa dạng, biến hóa. Sự biến hóa của kiểu thức mặt Hổ phù thể hiện sự khéo léo và tài nghệ trang trí, tạo hình của những người sáng tạo ra chúng. Sự diễn tả hóa thân mặt Hổ phù từ hồi văn hoa lá thường có sự kết hợp nề vữa với khảm sành sứ, như các trang trí tại bình cung Trường Sanh.
Mặt Hổ phù thời Nguyễn được các nghệ nhân tập trung tư tưởng, mỹ cảm để diễn tả sức mạnh chế ngự của vương quyền. Mặt khác, hình tượng mặt Hổ phù, phải thể hiện sâu sắc những vẻ đẹp uy nghiêm, ý nghĩa huyền diệu đặc trưng của biểu tượng.
Đề tài trang trí trong nghệ thuật cung đình Huế thể hiện tinh thần và nội dung Nho giáo. Nhưng các nghệ nhân dân gian đã Việt hóa những đề tài và kiểu thức mặt Hổ phù một cách nhuần nhuyễn, tạo ra những sự chuyển đổi mang đậm cốt cách tâm hồn dân tộc, làm cho mỗi hình tượng trở nên sống động và gần gũi, đầy biểu cảm, khiến cho sự cảm nhận đề tài trở nên đa dạng, phong phú và sinh động hơn.
Bài và ảnh: Phan Thanh Bình