ClockChủ Nhật, 06/02/2011 11:02

Năm mới, văn đàn trẻ thêm một giọng điệu mới

TTH - (Đọc “Hoàng tử và em” - Truyện dài của Meggie Phạm. NXB Trẻ, 2011)

Tập sách dày trên 250 trang, nhưng có lẽ vì khiêm tốn, tác giả không gọi là tiểu thuyết. Một cây bút mới toanh, chỉ hé lộ hai thông tin: tên (hay họ?) Meggie Phạm, một cô gái 19 tuổi. Đề tài không mới - đời sống sinh viên với chuyện tình “tay ba”, “tay tư”… - nhưng nhờ được thể hiện bằng một giọng điệu mới, thật tươi trẻ nên đọc khá hấp dẫn.

Truyện xoay quanh một nhóm sinh viên y-dược: Lân kết đôi với Hồng Bì (có tên gọi ở nhà là Ơtéc), ngay sau khi “thất tình” do bồ cũ là Lan lấy chồng là một “đại gia”; trớ trêu là Tín, bạn thân của Lân lại thầm yêu Hồng Bì. Tình yêu giữa cặp sinh viên tài sắc vẹn toàn Lân-Hồng Bì tưởng có thể đổ vỡ, nhưng như tác giả đã “tự bạch” trong “lời kết” - “Từ nhỏ tôi đã yêu cái đẹp tan vỡ, từng tự nhủ sẽ viết những câu chuyện chia ly… nhưng với Lân và Ơtéc, tôi không nỡ để họ phải chịu đau khổ…” Một cái kết có hậu, không phải vì tác giả “sắp đặt” mà chính vì họ có một tình yêu chân thành, cuồng nhiệt mà vẫn kìm nén được dục vọng. Đúng như lời giới thiệu của Nhà xuất bản: “Một chuyện tình trong như pha lê và đẹp như cổ tích.”

Tôi tóm tắt truyện và hé lộ kết thúc có hậu mà vẫn tin bạn đọc trẻ vẫn tìm đến cuốn sách vì tôi hy vọng lớp trẻ ngày càng có văn hoá cao - họ đọc truyện đâu chỉ vì muốn biết kết cục câu chuyện mà chủ yếu để thưởng thức cái hay, cái đẹp trong ngôn ngữ, trong cách miêu tả tâm lý nhân vật, tức là xem tác giả “viết câu chuyện ấy như thế nào”.
“… Lân ngắm nhìn cô, ánh đèn toả ra từ sau lưng cô, làm Hồng Bì như toả sáng. Lân nhớ lại so sánh của mình về cô, như một nàng thiên sứ, công chúa… Bỗng nhiên anh muốn hôn cô. Tại sao lại không?... Anh thường khẽ hôn lên gò má cô, lên mái tóc đẹp của cô. Nhưng anh gần như muốn tránh đôi môi đó. Tự anh còn không nhận ra mình muốn trốn tránh nó. Anh chỉ cho rằng bản thân mình đang chờ đợi. Giống như chờ đến một thời khắc hoàn hảo…”
Đó là cảnh đôi bạn trẻ trong một đêm Giáng sinh lạnh buốt, trước khi họ đến được với nụ hôn đầu tiên. Tiểu thuyết còn thích hợp với bạn trẻ nhờ cách chia chương hồi ngắn gọn, với những minh hoạ dễ thương, với lời “đề từ” khi chỉ như một mệnh lệnh, một “tin nhắn” trên điện thoại di động (“Đã yêu thì xin đừng trì hoãn”), khi lại khá “già dặn” và đầy vẻ triết lý: “Ái tình rất tự do, rất tuỳ hứng. Nó là đứa trẻ có nhiều vẻ mặt, dễ dụ dỗ. Ai cũng có thể có nó, ai cũng có thể đánh mất nó.”
“Hoàng tử và em” cũng có những “pha” hấp dẫn đầy kịch tính, ngay ở chương đầu và nhất là đoạn cuối, khi Hồng Bì gặp nạn, nhưng theo tôi, cuốn sách có sức thu hút chính là nhờ giọng văn trẻ trung và cách miêu tả tâm lý nhân vật khá tinh tế - trừ Lan, có thể tác giả cho là nhân vật phụ, nên sơ lược, giản đơn.
Tuy vậy, một điều có thể không thuyết phục được bạn đọc là vì sao tên tác giả lại kèm chữ “Tây” và cả mấy chị em trong gia đình Hồng Bì cũng gọi nhau bằng tên “Tây”, dù đó là những cái tên bắt nguồn từ các nhân vật trong thần thoại Hy Lạp? Tác giả cho đây là cách “làm mới” của mình chăng? Hay đây là “chi tiết” chứng tỏ họ thuộc tầng lớp trí thức, trung lưu? Từ đây, lại có thể nêu một “đề nghị” khác với tác giả: Cả hai nhân vật chính đều là sinh viên thuộc hàng “con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai/gái” - tác giả có quyền chọn loại nhân vật này, nhưng có lẽ họ cũng không thiếu dịp gặp gỡ, quan sát những cuộc đời khổ cực, thiếu thốn, có khi chính là bạn bè của họ; vậy nhưng cuốn sách không hề có một trang nào như thế. Có thêm những mối quan hệ như thế, tính tư tưởng và chất nhân văn của truyện hẳn sẽ có điều kiện nâng cao.
Đòi hỏi với một cây bút 19 tuổi vừa trình làng tác phẩm đầu tay như thế có quá nhiều không? Chính vì hy vọng vào cây bút mới này, tôi mới thử “đề nghị” như vậy. Với riêng phong trào văn học ở Huế, việc “Hoàng tử và em” được xuất bản với lượng bản in 3.000 cuốn là một tín hiệu thật vui trong ngày Xuân mới: tôi vừa được biết tác giả là sinh viên năm thứ hai Trường đại học Khoa học Huế. Cùng với giải thưởng cuộc thi truyện ngắn dành cho sinh viên do Tạp chí “Sông Hương” tổ chức vừa được trao, sự xuất hiện tác giả trẻ Meggie Phạm chứng tỏ tiềm năng sáng tạo văn học vùng đất núi ngự sông Hương còn rất dồi dào.
Nguyễn Khắc Phê
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc triển lãm tranh Trúc Chỉ “Giao của mùa – Cảm ơn mùa hè”

Chiều 17/7, Tạp chí Sông Hương và Công ty TNHH Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam phối hợp tổ chức triển lãm tranh mang chủ đề “Giao của mùa – Cảm ơn mùa hè” tại Tòa soạn Tạp chí Sông Hương (số 9 Phạm Hồng Thái, TP. Huế). Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế tham dự.

Khai mạc triển lãm tranh Trúc Chỉ “Giao của mùa – Cảm ơn mùa hè”
Quảng Điền - miền cảm hứng sáng tạo

Về Quảng Điền, nghe trong gió văng vẳng câu hát người xưa: “Phá Tam Giang rộng lắm ai ơi!/Có ai về Sịa với tôi thì về/Đất Sịa có lịch có lề/Có sông tắm mát, có nghề làm ăn”...

Quảng Điền - miền cảm hứng sáng tạo
Dạo chơi vườn ngũ sắc

Hưởng ứng Festival Huế 2024, ngày 8/6 tới đây, các họa sĩ Huế và yêu Huế sẽ về miệt vườn Kim Long hoa trái để trưng bày tranh với chủ đề “Dạo chơi vườn Huế”. Cuộc dạo chơi sẽ được bài trí bởi 39 bức tranh của 7 tác giả, là những bước chân qua những góc vườn ngũ sắc, với những câu chuyện xao động sắc màu của nắng gió vườn xanh, những tự tình hàn huyên của lá và hoa trong những góc vườn Huế vừa tĩnh lặng vừa sôi động…

Dạo chơi vườn ngũ sắc
Kể chuyện lịch sử bằng ký họa

Những tác phẩm ký họa của họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên đã tái hiện được những năm tháng lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ của dân và quân Bình Trị Thiên với những góc nhìn chân thật về cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ. Nhiều tác phẩm trong số đó sáng tác trong thời kỳ tham gia kháng chiến và lần đầu tiên được công bố đến công chúng với tên gọi “Miền ký ức”.

Kể chuyện lịch sử bằng ký họa
“Những người bạn” tụ hội về Huế

Họ dù ở nhiều thế hệ, sống ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng có chung niềm đam mê với hội họa để rồi còn hẹn hò về Huế triển lãm. Với họ, Huế là vùng đất để lại rất nhiều kỷ niệm không chỉ trong sáng tác mà còn ở tình bằng hữu, tình của những người nghệ sĩ với nhau.

“Những người bạn” tụ hội về Huế
Return to top