ClockChủ Nhật, 10/02/2013 11:02

Năm Tỵ xem Đặng Mậu Tựu vẽ rắn

TTH - Nhiều họa sĩ bày tỏ, trong 12 con giáp, rắn là con vật khó vẽ. Dẫu thế, năm quý tỵ này, họa sĩ Đặng Mậu Tựu vẫn trình làng chùm tranh rắn đa sắc màu. 13 Tác phẩm là 13 câu chuyện từ cổ chí kim mà qua đó, tác giả gửi gắm đến người xem nhiều thông điệp về cuộc sống.

Đã thành thông lệ gần 10 năm nay, phòng tranh Con Giáp tại Art gallery Sông Như (14 kiệt 7 Nguyễn Công Trứ) lại mở cửa đón khách mỗi dịp xuân về. Riêng năm nay, phòng tranh chỉ giới thiệu chùm tác phẩm vẽ về rắn của họa sĩ Đặng Mậu Tựu. Với các tác phẩm ấn tượng, như: Rồng rắn lên mây, Nghi án Lệ Chi Viên, Nỗi buồn Adam khi trở lại Eden, Vũ điệu rắn, Con rắn vuông, Xiếc rắn..., họa sĩ Đặng Mậu Tựu đã kể lại cho người xem những câu chuyện khác nhau có sự góp mặt của loài rắn.

 

Trong 12 con giáp, rắn là con vật “thách đố” người họa sĩ bậc nhất, vì tạo hình của nó rất khó để có tranh đẹp. Không chỉ dám “đương đầu vượt khó” vẽ tranh rắn, họa sĩ Đặng Mậu Tựu còn tạo nên những bức tranh rắn độc đáo dưới mắt nhìn hội họa của riêng ông.

 
 
Xem tranh rắn của Đặng Mậu Tựu, người xem dễ dàng nhận ra bóng dáng người phụ nữ trong mỗi tác phẩm, có khi mang khuôn mặt và những đường nét trên cơ thể. Đó dường như là khởi nguồn cho cảm hứng của ông về con vật có vẻ đáng sợ ở ngoài đời và “khó trị” trong hội họa.
 
Lấy tích từ vụ án Lệ Chi Viên trong lịch sử, con rắn trong tác phẩm Nghi án Lệ Chi Viên hiện lên với màu xanh đầy vẻ lạnh lùng. Giai thoại con rắn hóa thân thành Nguyễn Thị Lộ hại Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc được Đặng Mậu Tựu thể hiện qua hình ảnh con rắn cuộn quanh chiếc mũ quan của Nguyễn Trãi. Với hình ảnh Adam buồn bã ôm chiếc bình nhốt con rắn, trong Nỗi buồn Adam khi trở lại Eden, tác giả kể lại câu chuyện về con rắn từ tích Adam và Eva xuống trần vì con rắn xúi ăn phải quả cấm. Từ độ rời Eden, lúc về chiều, vợ chồng Adam cố về Eden lần nữa. Nhưng chỉ có Adam vượt qua sức nặng của tuổi già để đến nơi cần đến nhưng rồi chỉ thấy rắn bị nhốt trong bình và bóng hình Eva hiện trên cây cấm. 
 

Chùm tranh rắn của họa sĩ Đặng Mậu Tựu

 
Rắn có khi được Đặng Mậu Tựu dùng để biểu trưng cho kẻ ác. Hợp quần là tác phẩm đề cập đến vấn đề nóng bỏng hiện nay: Biển Đông. Dù con rắn có hung hãn đến mức nào nhưng với sự bất khuất, đoàn kết hợp sức của nhiều con cá, con rắn sẽ phải khuất phục. Và dẫu biểu trưng cho cái ác, con rắn vẫn có lòng hướng thiện. Trong Thoát xác là hình ảnh con rắn tu để được hóa thân thành người. 
 
Người xem cũng được đọc lại chuyện cười dân gian Con rắn vuông trong tác phẩm cùng tên. Với sắc đỏ chủ đạo, con rắn vuông trong tranh hiện lên đầy ngộ nghĩnh và dí dỏm. Trò chơi dân gian rồng rắn lên mây cũng được Đặng Mậu Tựu thể hiện bằng những nét vẽ đơn giản, dễ thương. Tác giả cũng đề cập đến sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới qua tác phẩm Rồng bàn giao nhiệm vụ cho rắn.

Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu, nếu chỉ đơn thuần tả thực con rắn thì dễ nhưng làm sao dẫn dắt người xem đi từ chuyện cổ tới kim qua hình ảnh con rắn thì không đơn giản. Những bức tranh rắn này cũng là sự sẻ chia về ưu tư trong cuộc đời mà ông muốn gửi đến người xem.

Trang Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ký họa A Lưới để thêm yêu văn hóa Cố đô

Thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng A Lưới cùng với những danh thắng gắn liền vùng đất này, qua tác phẩm ký họa của các họa sĩ không chỉ bình yên, thơ mộng mà còn khiến người xem rung cảm.

Ký họa A Lưới để thêm yêu văn hóa Cố đô
“Đồng vọng” Huế xưa

Sau triển lãm “Thời gian” vào năm 2020, họa sĩ Lê Văn Nhường tiếp tục ra mắt công chúng triển lãm “Đồng vọng” tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị - Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Vẫn chất Huế đậm nét và sâu lắng trong từng tác phẩm, ẩn hiện trong đó còn là tình yêu, niềm tự hào của họa sĩ khi lưu giữ vẻ đẹp của di sản quê hương.

“Đồng vọng” Huế xưa
“Gặp lại” nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Với triển lãm ảnh “Trịnh Công Sơn - Lần đầu gặp lại”, những người yêu mến cố nhạc sĩ tài hoa được gặp lại ông trong những khoảnh khắc đời thường, giản dị.

“Gặp lại” nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

TIN MỚI

Return to top