|
Tác giả Võ Xuân Huy và họa sĩ Satadru (phải) tại NSAF
|
Lần đầu đến Việt Nam và Huế, Banduri chia sẻ: “Tôi rất vui mừng khi nhận được lời mời từ NSAF. Đây là một hợp tác tuyệt vời giữa Ấn Độ và Việt Nam. NSAF ở Huế là nơi các nghệ sĩ có thể trao đổi, bàn luận nghệ thuật, là địa điểm cho các quốc gia đưa không gian nghệ thuật đi khắp toàn cầu. Điều hấp dẫn tôi đến Huế là vì tò mò về nghệ thuật trình diễn đương đại của hai anh em sinh đôi Thanh - Hải (Le Brothers). Tôi cũng đã có cơ hội biết đến nhiều họa sĩ Huế như Nguyễn Thị Thanh Mai, Trương Thiện, Trần Tuấn, Phan Lê Chung, Nguyễn Văn Hè và Võ Xuân Huy”.
Được biết bạn là đại sứ nghệ thuật cho Ấn Độ của dự án Worldwide Peace Marker Project Colletive (WPMP) trong đó mỗi quốc gia chỉ có một nghệ sĩ đại diện, riêng Việt Nam có Le Brothers - Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải...
Le Brothers là đại sứ nghệ thuật cho Việt Nam còn tôi là đại sứ nghệ thuật cho Ấn Độ. Tổ chức này đối thoại và đưa ra hoạt động nhằm đối mặt với những thách thức của thế kỷ 21. Trên toàn cầu đang đối mặt với các vấn đề như tranh chấp, xung đột, bạo lực... Nghệ thuật mãi mãi là đại diện cho sự yên lành, bình tĩnh, nhẹ nhàng…Thật tuyệt vời khi Le Brothers của Việt Nam cũng đang hoạt động như là đại sứ cho hòa bình thế giới. Công việc mang tính chất toàn cầu của WPMP sẽ được ghi nhận như một thành tố tuy nhỏ nhưng góp phần cho hoà bình thế giới.
|
Một trong những tác phẩm hiện đại và giàu chất Ấn của Satadru Sovan Banduri được triển lãm tại Huế.
|
Các nghệ sĩ đại sứ ở mỗi quốc gia đã góp phần đáng kể cho ý tưởng hòa bình thế giới, có sự hiện diện của một tập thể gồm198 đại sứ đại diên cho 198 quốc gia và vùng lãnh thổ với nhiều chương trình nghệ thuật. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị cho một gallery ở thủ đô Tehran, nhằm tổ chức một triển lãm tập thể mang tên “Văn hóa hòa bình’’ vào năm 2015. Tác phẩm về ý tưởng hòa bình thế giới của tôi và Le Brothers sẽ được trình chiếu với nhau trên khắp các nước.
Đối với công chúng Huế, văn hóa Ấn Độ không mấy xa lạ, nhưng nghệ thuật đương đại của các bạn thực sự là một bí ẩn.
Ấn Độ có nhiều nghệ sĩ đương đại với nhiều cộng đồng nghệ thuật cũng như các hiệp hội, nhóm nghệ thuật. Nghệ thuật Ấn Độ nói chung có thể tự hào về việc tổ chức các liên hoan nghệ thuật quốc tế và các buổi đấu giá nghệ thuật. Hầu hết các sưu tập nghệ thuật của nghệ sĩ Ấn Độ đều triển lãm tại liên hoan nghệ thuật quốc tế. Hơn nữa, chúng tôi cũng có các tổ chức nghệ thuật quốc gia, bảo tàng tư nhân như tổ chức nghệ thuật Davi, bảo tàng Kiran Nadar. Các nghệ sĩ đang làm việc cho rất nhiều bảo tàng quốc tế trên toàn cầu, trong đó có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng (như Suboad Gupta, Jitish Kalat, Methu sen, Thukral & Tagra, Thukral & Tagra, Jagannath Panda, Shilpa Gupta LN Tallur...).
Bạn có thể nói gì về triển lãm tranh, video art của mình vừa ra mắt ở Huế?
Triển lãm của tôi có tên là “Đồng xu quyến rũ”. Đồng xu không chỉ là lịch sử mà còn là một bí ẩn. Hai mặt của đồng xu thường là hai mặt đối lập khó hiểu ví như cà phê cho buổi tối và nước trái cây cho buổi sáng. Tôi muốn dùng hình tượng này để thể hiện một cách nhìn nhận mới về thẩm mỹ.
Bút pháp tạo hình của bạn rất giống các hiệu ứng từ các phần mềm đồ họa vi tính?
Tội gọi nó là “pixel realism” - điểm ảnh hiện thực. Nó sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về khía cạnh kỹ thuật số. Tôi cho rằng bút chì hay cọ là công cụ sáng tạo thôi chưa đủ mà các phần mềm, máy ảnh, con chuột cũng là công cụ sáng tạo. Những người đi tiên phong đã giới thiệu nhiều công cụ công nghệ tiên tiến mới mẻ và sử dựng chúng như một thiết bị để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật truyền thông mới và đa dạng. Nhưng cốt lõi vẫn là sự kết hợp của nhiều yếu tố văn hóa. Cho dù ở Delhi - Huế hay Việt Nam - Ấn Độ, tôi luôn bị lôi cuốn vào việc khám phá văn hóa dân tộc của mỗi châu lục.