|
Tác phẩm còn lại của cố họa sĩ Tôn Thất Đào tại tư gia. Ảnh: X.Huy
|
Họa sĩ Nguyễn Đức Huy - giảng viên Trường đại học Nghệ thuật đang tích cực vận động một số cựu sinh viên "cứu" tranh Tôn Thất Đào. Vấn đề quan trọng là nếu có một ban vận động với đầy đủ pháp nhân và địa chỉ cụ thể, đề án khả thi, minh bạch chi tiêu tài chính kêu gọi sẽ nhận được đóng góp của mọi người, cơ quan, tổ chức. Có thể quảng bá cho sự kiện này qua các phương tiện truyền thông và các mạng xã hội. Không nên trông chờ vào nguồn kinh phí eo hẹp của Nhà nước dành cho văn hóa.
|
Đã mấy lần tiếp cận với không gian trưng bày tác phẩm tại gia đình, chúng tôi thấy những tác phẩm tranh lụa đã hỏng trầm trọng, màu đã phai bạc đi nhiều, chỉ có thể quan sát qua khung gương, nếu tháo dỡ để thay nền lót hay phục chế thì e không thể. Tranh sơn dầu cũng tình trạng không kém.
Lâu nay khi đề cập đến chuyện làm sao để bảo quản hoặc lưu giữ các tác phẩm của họa sĩ Tôn Thât Đào, rốt cuộc chúng ta đỗ lỗi cho việc thiếu kinh phí, cơ chế chính sách.
Họa sĩ Tôn Thất Đào là một phần của ký ức TP Huế nói chung và Đại học Nghệ thuật Huế nói riêng, nên dù có khó khăn, eo hẹp về kinh tế, chúng ta cũng phải nghĩ ra cách để bảo vệ những gì còn sót lại trong gia tài tác phẩm và lưu danh thân thế sự nghiệp của họa sĩ. Thiết nghĩ Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Trường đại học Nghệ Thuật và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cùng phối hợp làm chuyện này.
Trước tiên là cần phát động xã hội hóa để tìm nguồn kinh phí cho việc nghiên cứu, phân loại, đánh giá các tác phẩm hiện có của họa sĩ; bảo quản những tác phẩm còn tình trạng tốt; phục chế những tác phẩm quan trọng nếu kinh phí cho phép; tiến hành thương lượng với gia đình sưu tập một số tác phẩm tốt để lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế trong tương lai; tiến hành lợp ngói chống dột một số vị trí của ngôi nhà hoặc toàn phần,... Việc xã hội hóa, chúng ta có thể kêu gọi sự đóng góp từ các cựu sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế trước đây và Đại học Huế ngày nay trong nước và hải ngoại; sinh viên giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm.
Nhiều sinh viên không biết
Một việc khác không kém phần quan trọng là ngoài những gì Trường đại học Nghệ thuật đã làm lâu nay về thầy Tôn Thất Đào, trường nên có chương trình hành động cụ thể hơn nữa để lưu giữ ký ức về vị hiệu trưởng đầu tiên của trường bằng việc phải dành thời gian cụ thể trong tuần sinh hoạt công dân của tân sinh viên đầu năm để nhắc lại lịch sử phát triển của trường trong đó có thân thế sự nghiệp của họa sĩ, thầy giáo Tôn Thất Đào, ngoài ra cần có các buổi thảo luận chuyên đề, triển lãm tranh của họa sĩ từ bộ sưu tập ít ỏi của nhà trường và phần còn lại có thể mượn từ gia đình trong nhưng sự kiện quan trọng như lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường sắp tới (1957-2017).
Họa sĩ Tôn Thất Đào sinh ngày 15-10-1910 mất ngày 2-9-1979. Tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 8(1932-1937) cùng với Lê Yên, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Khánh, Đỗ Đình Hiệp, Nguyễn Văn Thâu, Nguyễn Văn Thiện và Nguyễn Thị Nhung. Năm 1957 ông được cử làm giám đốc đầu tiên Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế (nay là Trường đại học Nghệ thuật Huế).
|
Một sự thật đau lòng là nhiều sinh viên không biết hiệu trưởng đầu tiên của mình là ai. Thậm chí, một số giảng viên trẻ thế hệ 8X về sau cũng không biết hoặc lơ mơ không chắc chắn khi thăm dò. Lỗi chính là họ, nhưng chúng ta không nên trách họ hoàn toàn, lỗi cũng thuộc một phần từ những người thầy như chúng tôi khi không cho họ cơ hội để biết qua hình ảnh và thông tin khi trường không có phòng truyền thống hay chuyên đề ngoại khóa về điều này.
Thạc sĩ, giảng viên Lê Thị Tiềm dạy môn Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam tại trường cho biết, trong chương trình chính khóa trường cũng chỉ được nhắc qua trong bài về mỹ thuật Việt Nam hiện đại, nên không có thời gian đi sâu chi tiết, tên tuổi các họa sĩ nổi tiếng nơi này cũng chỉ nhắc qua chóng vánh. Đề cương không bắt buộc. Tình hình sẽ cải thiện nếu nhà trường lồng ghép vấn đề này vào những bài tiểu luận nhỏ cho sinh viên toàn trường trong môn lịch sử mỹ thuật, sáng tác tượng chân dung trong bài tập của sinh viên điêu khắc chẳng hạn.
Thời gian lớp lớp đi qua, nếu chúng ta không kịp thời hành động thì tình hình chỉ có thể tồi tệ hơn. Đây không phải thời điểm chúng ta đỗ lỗi cho hoàn cảnh, cơ chế. Mọi người nghĩ sao khi các tác phẩm của Tôn Thất Đào - một phần kí ức thành phố đang bị xuống cấp bởi thời gian, thiên tai trong sự thờ ơ hoặc thụ động của chúng ta? Nếu một thân thế sự nghiệp đã từng nhận Long Bội Tinh (1942), huy chương Kim Khánh (1943) vua ban và nhiều bằng khen danh giá khác cho sự nghiệp đào tạo mỹ thuật Huế và miền Trung, Tây Nguyên một thời mà chưa được bảo tồn một cách tương xứng như Tôn Thất Đào thì đến lượt chúng ta-những hậu sinh của thầy, thân thể sự nghiệp còn bất định phía trước rồi sẽ ra sao hay chỉ là những dấu chân trên cát.