ClockThứ Năm, 08/09/2011 09:28

Nhiếp ảnh Huế được mùa

TTH - Hai người trong số họ còn rất trẻ: Người mới chập chững vào nghề, người xem nhiếp ảnh là cuộc dạo chơi. Người còn lại đã thâm niên với nghề cầm máy. Cả 3 đã chứng tỏ sự trưởng thành với nhiếp ảnh khi cùng nhau ẳm thưởng tại Liên hoan ảnh Nghệ thuật khu vực Bắc miền Trung lần thứ XVIII - năm 2011.

Liên hoan ảnh Nghệ thuật khu vực Bắc miền Trung lần thứ XVIII - năm 2011 do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Hội VHNT tỉnh Quảng Trị tổ chức với chủ đề “Mảnh đất - con người Bắc miền Trung hôm nay”. Thừa Thiên Huế có 3 tác phẩm đoạt giải tại liên hoan lần này gồm: tác phẩm Ngư phủ của Văn Đình Huy đoạt huy chương bạc, 2 tác phẩm Vật làng Sình của Lê Xuân Quý và Hầm thoát lũ Tả Trạch của Nguyễn Đăng Hạnh đoạt huy chương đồng. Chỉ đơn giản là ghi lại cuộc sống đời thường một cách chân thực nhưng cả 3 tác phẩm đều là những “khoảnh khắc bấm máy” tuyệt đẹp.

Công tác tại Phòng An ninh nội bộ - Công an tỉnh nhưng Văn Đình Huy (1983) lại có niềm đam mê đặc biệt với nhiếp ảnh. Hai năm nay, Huy đến với ảnh nghệ thuật như một cuộc dạo chơi. Tranh thủ lúc rảnh, anh lại cầm máy lang thang khắp nơi để lưu lại những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống nhưng không ngờ lại “ẳm” giải. Với Ngư phủ, Văn Đình Huy đã thể hiện được vẻ đẹp của cuộc sống mưu sinh. Nhiều lần quan sát cảnh mưu sinh trên sông nước của những người dân chài, Huy ấp ủ ý định ghi lại được động tác quăng lưới của ngư phủ. Để có tấm ảnh đẹp như thế, anh phải “canh me” rất nhiều lần và chụp không biết bao nhiêu bức. Một chiều cuối tuần, anh may mắn “bắt” được khoảnh khắc quăng lưới và đã đặc tả được vẻ đẹp của động tác này. Tác giả đã sử dụng ánh sáng ngược để làm nổi bật hình ảnh con người, tấm lưới, nước. Nhìn vào tác phẩm, có cảm tưởng như đó là vũ điệu trên sông. Tấm lưới khi quay tựa cánh bướm, những giọt nước bắn lên tạo thành vòng mờ ảo như màn sương, sắc vàng của tấm lưới bủa ở khúc sông bị nhiễm phèn, ánh trời chiều hắt nắng trên sông, xiên qua chiếc đò nhỏ của người ngư phủ... Những điểm nhấn này tạo cho tác phẩm sự lung linh, huyền ảo.
 

Tác phẩm Ngư phủ

 

Từ nhỏ đã có sự say mê với nhiếp ảnh nên dù đã tốt nghiệp Khoa Luật - Trường đại học Khoa học Huế, Lê Xuân Quý (1983) vẫn chọn con đường theo đuổi ảnh nghệ thuật. Tự mày mò chụp theo cảm tính của mình, lần đầu tiên Quý tham dự triển lãm ảnh khu vực và đoạt giải. Với Vật làng Sình, Lê Xuân Quý đã ghi lại thế vật đẹp quyết định thắng thua trong trận chung kết hội vật, từ đó lột tả được nét văn hoá đặc trưng của làng quê Thừa Thiên Huế. Sử dụng ống kính góc rộng, Lê Xuân Quý đã thể hiện được toàn bộ không gian của hội vật. Người xem có thể cảm nhận rõ sự quyết liệt của ván đấu qua sự căng thẳng trên gương mặt của đô vật, trọng tài và cả khán giả. Sự quyết tâm, tập trung cao độ của vận động viên thể hiện qua cơ bắp, sắc mặt. Trọng tài cũng “ráo riết” theo dõi để phân định thắng thua. Trong thể thao, khoảnh khắc diễn ra rất nhanh, vì thế, nắm bắt được nó chính là cái tài của người cầm máy. 

Tác phẩm Vật làng Sình

 
Ở Nguyễn Đăng Hạnh, tác giả lớn tuổi nhất đoạt giải lần này (1966), anh lại có sự già dặn và chín chắn với nghề. Chọn nhiếp ảnh là nghề chính, anh từng tham gia nhiều cuộc thi ở khu vực và Quốc gia; trong đó có rất nhiều tác phẩm đoạt giải. Tác phẩm Hầm thoát lũ Tả Trạch đoạt huy chương đồng lần này cũng được anh đầu tư công phu. Với anh, chụp về những công trình xây dựng tuy khô khan nhưng lại thể hiện bước đường đổi mới và phát triển của tỉnh nhà. Từng “vác máy” đến công trình hồ Tả Trạch rất nhiều lần, anh bị thu hút bởi vẻ đẹp của con người lao động và sự hoành tráng của công trình này. May mắn là khi anh chụp hầm thoát lũ, chiếc xe khoang đất xuyên quả núi đang làm ở đây. Thế là, chiếc xe cùng hình ảnh người công nhân đang vận hành được chọn làm điểm nhấn cho tác phẩm. Hầm thoát lũ Tả Trạch đã thể hiện sự chắc tay nghề của tác giả ở kỹ thuật đo và phối hợp ánh sáng, cách chọn góc độ và cả kỹ thuật chồng lẫn hai tấm ảnh lên nhau để tạo ra nghệ thuật của tác phẩm. Chỉ với đất, đá, xi măng, bê tông nhưng dưới góc nhìn của người nghệ sĩ, chúng đã tạo ra khuôn hình đẹp. Chọn đúng khoảnh khắc ánh sáng hắt vào hầm, bức ảnh đã tạo ra sự đối lập về màu sắc, ánh sáng giữa trong và ngoài hầm thoát lũ.
 

Tác phẩm Hầm thoát lũ Tả Trạch

 
Chung niềm đam mê mãnh liệt, với 3 nhiếp ảnh gia này,được quan sát và lột tả cuộc sống qua chiếc máy ảnh là niềm hạnh phúc. Vì thế, tác phẩm của họ đã phản ánh chân thực và xúc động khoảnh khắc đẹp của đời sống với nhiều đề tài khác nhau. Ẩn trong đó là thông điệp của cuộc sống: Tình yêu thương, sự chan hòa với thiên nhiên, ước mơ muốn vươn lên trong cuộc sống của con người...
 
Trang Hiền

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc triển lãm tranh Trúc Chỉ “Giao của mùa – Cảm ơn mùa hè”

Chiều 17/7, Tạp chí Sông Hương và Công ty TNHH Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam phối hợp tổ chức triển lãm tranh mang chủ đề “Giao của mùa – Cảm ơn mùa hè” tại Tòa soạn Tạp chí Sông Hương (số 9 Phạm Hồng Thái, TP. Huế). Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế tham dự.

Khai mạc triển lãm tranh Trúc Chỉ “Giao của mùa – Cảm ơn mùa hè”
Quảng Điền - miền cảm hứng sáng tạo

Về Quảng Điền, nghe trong gió văng vẳng câu hát người xưa: “Phá Tam Giang rộng lắm ai ơi!/Có ai về Sịa với tôi thì về/Đất Sịa có lịch có lề/Có sông tắm mát, có nghề làm ăn”...

Quảng Điền - miền cảm hứng sáng tạo
Dạo chơi vườn ngũ sắc

Hưởng ứng Festival Huế 2024, ngày 8/6 tới đây, các họa sĩ Huế và yêu Huế sẽ về miệt vườn Kim Long hoa trái để trưng bày tranh với chủ đề “Dạo chơi vườn Huế”. Cuộc dạo chơi sẽ được bài trí bởi 39 bức tranh của 7 tác giả, là những bước chân qua những góc vườn ngũ sắc, với những câu chuyện xao động sắc màu của nắng gió vườn xanh, những tự tình hàn huyên của lá và hoa trong những góc vườn Huế vừa tĩnh lặng vừa sôi động…

Dạo chơi vườn ngũ sắc
Kể chuyện lịch sử bằng ký họa

Những tác phẩm ký họa của họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên đã tái hiện được những năm tháng lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ của dân và quân Bình Trị Thiên với những góc nhìn chân thật về cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ. Nhiều tác phẩm trong số đó sáng tác trong thời kỳ tham gia kháng chiến và lần đầu tiên được công bố đến công chúng với tên gọi “Miền ký ức”.

Kể chuyện lịch sử bằng ký họa
“Những người bạn” tụ hội về Huế

Họ dù ở nhiều thế hệ, sống ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng có chung niềm đam mê với hội họa để rồi còn hẹn hò về Huế triển lãm. Với họ, Huế là vùng đất để lại rất nhiều kỷ niệm không chỉ trong sáng tác mà còn ở tình bằng hữu, tình của những người nghệ sĩ với nhau.

“Những người bạn” tụ hội về Huế
Return to top