ClockThứ Bảy, 25/09/2021 08:45

Nhiếp ảnh kể chuyện thiên nhiên, đầm phá Huế

TTH - Không chỉ tiêu biểu với vẻ đẹp cổ kính, uy nghi của hoàng cung, lăng tẩm, phủ đệ, nhà vườn…, Huế còn lung linh, huyền ảo với những khung cảnh bình yên của phá Tam Giang hay những cánh rừng ngập mặn thay lá khi thu về... qua lăng kính của những nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Con người và thiên nhiên qua ống kính nhiếp ảnhHuế đẹp hơn qua ống kính của các nhà nhiếp ảnhNgắm bộ ảnh 'Việt Nam nhìn từ trên cao' đạt bằng Danh dự cuộc thi ảnh thường niên FIAP

Tác phẩm “Đánh cá ở rừng ngập mặn” của tác giả Phạm Huy Trung (TP. Hồ Chí Minh) chụp ở Rú Chá (xã Hương Phong, TP. Huế) được trao giải nhất ở hạng mục Con người Cuộc thi ảnh Quốc tế Drone Photo Awards 2021

Rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên và không chuyên không chỉ ở Huế mà từ nhiều nơi trong vào ngoài nước từng đến Huế sáng tác và trải nghiệm bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh riêng có của mình. Và Huế như một cơ duyên, giúp những nghệ sĩ ấy thành danh với những giải thưởng lớn.

Mới nhất, tác phẩm ảnh nghệ thuật chụp ở Huế có tên “Đánh cá ở rừng ngập mặn” được xướng tên tại cuộc thi ảnh quốc tế Drone Photo Awards 2021. Bức ảnh được nhiếp ảnh gia đến từ TP. Hồ Chí Minh Phạm Huy Trung bấm máy, với bối cảnh ở khu rừng ngập mặn Rú Chá (xã Hương Phong, TP. Huế) khiến nhiều người xem trầm trồ với vẻ đẹp của thiên nhiên, sự ảo diệu khi đất trời chuyển mùa và nhận định rất xứng đáng vinh danh với giải Nhất ở hạng mục Con người.

Được chụp ở một độ cao nhất định, bức ảnh đưa người xem đắm chìm với một thế giới khác lạ từ không gian cho đến thời gian. Những cành cây khô khốc, chuyển mùa theo tiết trời tưởng như rũ rượi đã “kết hợp” tạo nên khung cảnh yên bình. Ngay giữa khung hình, có sự xuất hiện của ngư dân chèo thuyền đánh cá mưu sinh như làm hài hòa và tạo ra được điểm nhấn, làm nổi bật lên vẻ đẹp tưởng như lạnh lẽo nhưng lại vô cùng yên bình. Tất cả đã được Trung thu gọn về một góc nhìn và bấm máy chỉ trong khoảnh khắc.

Không riêng gì Rú Chá, nhiếp ảnh gia đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời điểm chưa có dịch anh thường xuyên đến Huế để vừa thư giãn, vừa tìm cảm hứng để sáng tác, bấm máy. Trung bảo rằng, Huế trong anh là “thiên đường” cho sáng tác, bởi vùng đất này có nhiều đề tài để anh khai thác, từ di sản, làng nghề cho đến thiên nhiên, phong cảnh. “Nhưng Rú Chá là sự lựa chọn đầu tiên. Rú Chá thật sự đẹp khi vào mùa thu và đông”, nhiếp ảnh gia tuổi ngoài 35 nhận định.

Không riêng gì Rú Chá, Trung cho biết đã đi nhiều vùng đầm phá dọc theo hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai để khai thác ở nhiều góc hình, hầu hết từ trên cao xuống. Có thể kể thêm như đầm Chuồn (Phú Vang), Quảng Lợi (Quảng Điền), Lập An (Phú Lộc)…

“Huế luôn có những nét đẹp riêng cho mỗi mùa trong năm. Giới nhiếp ảnh không chỉ mải mê săn đuổi những buổi bình minh hay hoàng hôn rực rỡ của mùa hè trên những đầm phá mà còn rất thích thú với những cơn mưa dai dẳng nơi đây vào mùa đông…”, Trung nhận định và cho biết thêm, trong hành trình sáng tác sau này của bản thân, Huế sẽ là địa điểm nằm trong danh sách lựa chọn hàng đầu. Ngoài ra, Trung cũng mong muốn đem những bức ảnh của Huế nói riêng và cảnh đẹp Việt Nam nói chung tới người xem trên toàn thế giới và hy vọng tên mình sẽ lại được vinh danh ở một cuộc thi nào đó sau này.

Một góc đầm phá qua góc nhìn của nhiếp ảnh Văn Đình Huy

Cũng là tay máy không mấy xa lạ với dân nhiếp ảnh ở Huế, nhiếp ảnh Văn Đình Huy (TP. Huế) những năm gần đây cũng dành nhiều thời gian để theo đuổi đề tài thiên nhiên, phong cảnh, đời sống. Trong rất nhiều tác phẩm của nhiếp ảnh này theo đuổi gần đây tập trung vào cảnh sắc của vùng đầm phá Tam Giang cũng như những gì gắn liền với mảnh đất,  con người, cuộc sống...

Văn Đình Huy nói, vẻ đẹp đầm phá Tam Giang - Cầu Hai cuốn hút anh bởi cảnh sắc thiên nhiên đặc biệt. Ở đó, thiên nhiên thay đổi từng ngày, mỗi thời khắc mỗi khác. Vì thế, với người cầm máy như anh đó vừa là thách thức nhưng cũng vừa tạo ra sự kích thích trong quá trình theo đuổi đam mê, sáng tạo. Thế nên, anh không ngần ngại để tìm cho mình được những góc hình ấn tượng, chuyển tải được vẻ đẹp ấy bằng tất cả niềm đam mê nhiếp ảnh.

Rất nhiều tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật của Huy đã được đăng tải ở nhiều kênh khác nhau. Anh bảo rằng, thông qua đó sẽ giúp giới thiệu, quảng bá được vẻ đẹp của Huế, cũng như quảng bá sản phẩm du lịch và trên hết là giới thiệu cái đẹp của con người Huế.

Cùng đam mê đó, những tay máy ở Huế khác như Trung Phan, Trần Đình Đức Hiếu… cũng dành rất nhiều thời gian, tâm huyết để theo đuổi đam mê chụp thiên nhiên, đầm phá theo cách riêng của mình. Ở đó, góc nhìn bình yên, thơ mộng với những người cầm máy trẻ này đó còn là câu chuyện văn hóa dân gian.

Sinh ra và lớn lên bên cạnh vùng đầm phá ở Phú Vang, vì thế đề tài này được nhiếp ảnh gia Trung Phan “nâng niu” từng chút một để kể lại câu chuyện về nơi chốn của riêng mình qua từng tác phẩm nhiếp ảnh. Đầm phá trong anh là nơi bình yên, dung dị, mang lại nguồn sống cho rất nhiều người, trong đó có gia đình anh. Ở đây có sự chân chất đậm vị đời của người dân, đẹp đến nao lòng bởi khoảnh khắc giao thoa của ngày và đêm, bình minh yên bình và hoàng hôn rực rỡ. Và trong cuộc chơi nhiếp ảnh, Trung Phan bảo “đầm phá đi vào lòng tôi nhẹ nhàng mà đầy chất thơ”.

Đề tài đầm phá luôn gần gũi và ăn sâu vào tay máy Trung Phan. Nó hiện hữu ở hình ảnh có tôm cá, người dân đi làm về với nụ cười tươi, tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ, hay đơn giản tiếng kêu xèo của bánh khoái cá kình. “Tôi thích sự tự do thoải mái ở đây, nó có sự tĩnh lặng của thiên nhiên hùng vĩ, có sự sôi động của nhịp sống con người. Đầm phá là nguồn cảm hứng luôn thúc đẩy tôi chụp những dự án liên quan đến văn hóa, con người, thiên nhiên”, Trung Phan tâm tình.

NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thi sáng tác lô gô ngành Dân số

Ngày 28/10, Chi cục Dân số tỉnh cho biết, đã có văn bản gửi các đơn vị đề nghị truyền thông, hưởng ứng cuộc thi Sáng tác lô gô ngành Dân số do Cục Dân số, Bộ Y tế phát động nhằm phù hợp với định hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển…

Thi sáng tác lô gô ngành Dân số
Tính nữ trong tranh Đặng Thị Thu An

Họa sĩ Đặng Thị Thu An là một trong những gương mặt nổi bật của thế hệ họa sĩ 8X đầy triển vọng của xứ Huế. Với những tác phẩm mang đậm nét đặc trưng của văn hóa truyền thống, đặc biệt khắc họa hình tượng người phụ nữ, tà áo dài, chị đã góp phần tạo nên dấu ấn riêng trong nền hội họa đương đại Việt Nam.

Tính nữ trong tranh Đặng Thị Thu An
Tổ chức cuộc thi sáng tác lời mới trên làn điệu dân ca Huế

Để thực hiện hiệu quả Đề án “Tích hợp giáo dục văn hóa địa phương vào chương trình giáo dục mầm non” trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi sáng tác lời mới trên làn điệu dân ca Huế; tranh vẽ về văn hóa Huế và sưu tầm trò chơi, ca dao, đồng dao, thơ ca dân gian địa phương phù hợp với giáo dục mầm non.

Tổ chức cuộc thi sáng tác lời mới trên làn điệu dân ca Huế
Tuổi lên chín & “hiện tại ngọt ngào”

Ngày 30/8, Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh Đặng Huy Trứ vừa tròn 9 tuổi. Trong đêm kỷ niệm sớm bởi một số thành viên bận lên đường đi nhận giải thưởng ở các tỉnh phía bắc, mọi người đến dự rất đông vui. Người cao tuổi nhất là nghệ sĩ Chánh Thu, ứng khẩu luôn bài thơ “Người già ham vui” có mấy câu: “… Một thời vật vã hơn thua/ Một thời tưởng biết mà chưa biết gì/ Một lần quá khứ bay đi/ Tương lai chưa biết sẽ về lối nao/ Bỗng nhiên hiện tại ngọt ngào/ Men đời ngây ngất tuôn trào tiếng ca”.

Tuổi lên chín  “hiện tại ngọt ngào”
Return to top