Tác phẩm "Về quê"
Triển lãm “Cảm ơn Eva” giới thiệu đến công chúng 36 tác phẩm hội họa được họa sĩ Đặng Mậu Tựu sáng tác trong những năm gần đây bằng các chất liệu: lụa, sơn dầu, acrylic. Tất cả các tác phẩm đều thể hiện vẻ đẹp của phụ nữ bằng những dáng vẻ khác nhau, khi tinh nghịch, hồn nhiên, lúc trầm ngâm, sâu lắng…
Ấn tượng nhất là những bức tranh bằng lụa thể hiện bóng hình của những người phụ nữ Huế dịu dàng, mong manh trong tà áo dài. Đó là bước chân ngập ngừng bởi những tình cảm trĩu nặng của người thiếu phụ khi bước chân vào căn nhà xưa trong “Về quê”; là tâm trạng bồn chồn của thiếu nữ chờ đợi người yêu dưới cơn mưa da diết bên tách cà phê trong “Chờ”; là vẻ thoát tục, thanh thản của một nữ phật tử trong chiếc áo tràng trong bức “Chút bình yên”. Người xem cũng có thể gặp lại tuổi thơ hồn nhiên, tinh nghịch của một thời thiếu nữ qua hình ảnh nữ sinh hái dâu trong “Nắng vườn Kim Long”.
Tác phẩm “Nắng vườn Kim Long”
Trong phòng tranh này của họa sĩ Đặng Mậu Tựu, các tác phẩm không bí ẩn, khó hiểu mà chân chất vẻ đẹp của đời thường. Những hình ảnh quen thuộc của Huế: cây vả, vườn thanh trà, điện Hòn Chén, hoa giấy Thanh Tiên, hoa sen, xích lô… đều được ông đưa vào tranh, hoặc cảnh tứ bình: xuân có mai, hạ có sen, thu có cúc và đông có trúc. Không ít người xúc động khi bắt gặp những “cảnh cũ, người xưa”: bến đò trong hoài niệm về thời nữ sinh đi học bằng đò ngang hay chiếc lồng ấp, đèn dầu sưởi ấm mùa đông giá lạnh.
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu chia sẻ rằng, phụ nữ là chủ đề được ông ấp ủ suốt cả cuộc đời cầm cọ, giờ thành hiện thực với phòng tranh “Cảm ơn Eva”. Đó là các họa phẩm về những người phụ nữ xung quanh ông, những mẹ, những chị và dáng hình làm ông rung động. Một đôi mắt, mái tóc, bàn tay, lời nói, tâm tính… của người phụ nữ cũng trở thành cảm xúc để ông thể hiện trong tác phẩm. Mất 4 năm chuẩn bị, họa sĩ Đặng Mậu Tựu đã vẽ hàng trăm bức tranh về phụ nữ để chọn lọc lại các tác phẩm vừa ý.
Tác phẩm “Bến cũ xuân xưa”
Ông bộc bạch: “Thời chiến tranh, tôi sớm xa nhà, nơi xứ lạ quê người, nhờ tấm lòng đùm bọc của những bà mẹ quê, tôi mới vượt qua thời khốn khó. Tấm lòng của những bà, những chị, những mẹ và người bạn đời đã giúp tôi được sống và theo đuổi sở thích. Nghĩ cho cùng, không có họ, cuộc đời thành vô nghĩa. Vậy phải cảm ơn họ - tất cả đàn bà, nữ giới. Tôi không thể nói hết về họ mà chỉ nói cái có thể, cũng không dùng cái mới mẻ, tân kỳ để tìm ra lối diễn đạt mới mang tính hiện đại. Tôi chỉ chân chất thế thôi!”.
Xem tranh của họa sĩ Đặng Mậu Tựu, nhà phê bình nghệ thuật Đặng Tiến nhận xét, người phụ nữ trong tranh của họa sĩ Đặng Mậu Tựu khuê các, mảnh mai, thanh tú, đẹp một cách riêng, siêu thoát. Ngoài nhan sắc, họ đẹp cái đẹp của hội họa. Nhiều họa phẩm khác thuần phong cảnh Huế, nhưng là tâm cảnh Đặng Mậu Tựu, như vườn cây Nguyệt Biều hay bến đò Thừa Phủ. Tranh Đặng Mậu Tựu không miêu tả, chỉ mượn không gian để tạo nên khí quyển trong hiện thực hư ảo, một Cố đô Huế trong mộng tưởng, với bóng dáng người phụ nữ thực mà không thực. Phòng tranh Đặng Mậu Tựu như đã đi qua một giấc mơ đầy chuyển động và màu sắc. Họa sĩ đã tạo dựng được giấc mơ ấy bằng tài năng, tâm cảm và lao động nghệ thuật.
Với “Cảm ơn Eva”, mỗi người phụ nữ dường như thấy mình trong đó, bằng những hoài niệm ùa về...
Bài, ảnh: TRANG HIỀN