Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, một người gắn bó với mỹ thuật Huế cho rằng, “Trong dòng chảy ngày càng mạnh mẽ của văn học nghệ thuật vùng đất Cố đô, mỹ thuật Huế đã có đóng góp đáng kể”. Từ phân hội đầu tiên cách đây gần 40 năm với số lượng hội viên đếm trên đầu ngón tay, nay đã là Hội Mỹ thuật với 133 hội viên, trong đó có 45 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nhiều người được đào tạo bài bản, chính thống cũng như đến với hội bởi lòng yêu nghệ thuật, muốn gắn bó với nghệ thuật một cách hồn nhiên và họ được đón nhận, hòa nhập, tạo nên một sân chơi rộng mở nhưng có tinh lọc qua chất lượng chuyên môn… Công chúng Huế, cũng là lực lượng thưởng ngoạn đông đảo, không kém phần khó tính đòi hỏi giá trị nghệ thuật trong từng tác phẩm. Hội Mỹ thuật trên một bình diện nào đó đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của “thị trường” nghệ thuật, khiến những phòng triển lãm được đón đợi, mong chờ.
|
Thưởng ngoạn tại một triển lãm ở Huế
|
Muốn thẩm thấu tinh thần và hiệu quả làm việc của các họa sĩ Huế, có thể nhìn từ những phòng triển lãm. Bắt đầu một năm mới bằng phòng tranh “12 con giáp”; đến “Tặng phẩm tháng 3” (của nữ họa sĩ), “Màu xưa” (triển lãm tranh sơn mài chào mừng Festival Nghề truyền thống); Phối hợp tổ chức liên hoan Mỹ thuật trẻ toàn quốc lần 2 - Huế 2013 và dịp này là Triển lãm Mỹ thuật truyền thống. Ngoài ra, Hội còn tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn như trại sáng tác “Dấu thời gian” cho 15 họa sĩ tại lăng Tự Đức.
Họa sĩ được mở cửa
Nhận xét về đội ngũ những người cầm cọ hiện nay của Thừa Thiên Huế, họa sĩ Đinh Cường, “lão tướng” trong làng hội họa cho rằng: “Huế của hôm nay và Huế của ngày xưa đều có sức mời gọi tài năng. Trường đại học Nghệ thuật phát triển hơn xưa nhiều, lực lượng sáng tác do vậy cũng rất mạnh, có những tên tuổi theo tôi đầy kỳ vọng như Lê Thừa Tiến, Võ Xuân Huy... Họ có một phong cách mà tôi tạm gọi là rất hay. Cái hay mà họ thể hiện khiến người yêu mến hội họa nói chung và vùng đất nói riêng có quyền kỳ vọng”.
|
Tác phẩm Hoa bâng khuâng của Nguyễn Duy Hiền
|
Riêng những người thuộc thế hệ Đặng Mậu Tựu, các anh nhận thấy thế hệ kế cận có nhiều cơ hội, cái may mắn hội tụ bởi vùng đất giàu truyền thống, có sức mời gọi tinh anh; sự giao lưu văn hóa thông qua các kỳ Festival cũng là cơ hội. Người thưởng ngoạn qua những cuộc cọ xát Đông, Tây sau những đợt Festival cũng có tầm cao nhận thức… Hiệu ứng của nó là người họa sĩ được “mở cửa” trong ý tưởng sáng tạo. Một họa sĩ cựu trào tâm sự: “Ngày xưa, khi đặt bút, dù là sáng tạo thì câu hỏi vẫn là vẽ cho ai, ai hiểu. Còn bây giờ, người họa sĩ có thể bung toàn bút lực thực hiện những ý tưởng và tin tưởng rằng công chúng sẽ đồng cảm chia sẻ, từ những giá trị của nghệ thuật được thể hiện trực quan, căng tràn sức sống đến những ẩn nghĩa sâu sắc, đa mang của đường nét, sắc màu tiềm ẩn trong tác phẩm... Và, điều đáng nói là hầu hết các họa sĩ đều sống được bằng nghề… Nghệ thuật sắc màu không còn dành riêng cho số ít, nó quần chúng hóa và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần của số đông.
Về đỉnh cao, năm qua các hội viên của Hội Mỹ thuật đã có một số thành quả đáng kể như Giải nhì tại Triển lãm Quốc tế Nghệ thuật đương đại lưu vực sông Mêkông lần thứ 2 tại Thái Lan của họa sĩ Lê Quốc Hải; Giải khuyến khích tại Triển lãm Quốc tế Nghệ thuật đương đại lưu vực sông Mêkông lần thứ 2 tại Thái Lan của họa sĩ Đặng Thị Thu An; tặng thưởng - Triển lãm mỹ thuật Bắc miền Trung 2013 - Tác phẩm đồ họa “Xa lộ” của họa sĩ Tô Thị Bích Thúy, họa sĩ Nguyễn Đăng Sơn (với Bến xưa). Như đánh giá của họa sĩ Đặng Mậu Tựu: “Các em sau này vẽ rất tốt, có tầm nhìn và bút lực mạnh mẽ”. Điều đáng mừng nhất là họ có một sân chơi rộng mở, cánh cửa ấy không chỉ mở ra không gian nghệ thuật quốc gia mà vươn ra quốc tế. Nếu nói họa sĩ Huế hiện xuất hiện nhiều tài năng là không sai. Tuy nhiên, tìm trong đó những hạt vàng lấp lánh, vượt trội lại hơi khó, đó có lẽ cũng vẫn là những trăn trở của những người trong cuộc…