Họa sĩ Trương Bé là một trong những người kiên trì đi sâu nghiên cứu, khám phá sự biểu cảm của chất liệu sơn mài và có nhiều đóng góp trong việc đưa kỷ pháp hiện thực đến trừu tượng, lối vẽ hiện đại vào tranh sơn mài truyền thống. Ông là họa sĩ đầu tiên ở Huế tiên phong vẽ tranh sơn mài theo trường phái trừu tượng.
TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế nhận xét: “Giờ đây, ở Trương Bé là những dấu ấn nghệ thuật đặc trưng về tranh sơn mài mang phong cách hiện thực lãng mạn và trừu tượng. Dường như, trừu tượng mạnh mẽ, căng đầy hơn trong sáng tác của ông, đến mức nói đến Trương Bé là nói đến tranh trừu tượng”.
Bằng tài năng của mình, họa sĩ Trương Bé đã tạo lập một vị trí tên tuổi không chỉ ở miền Trung mà trên cả nước. Nguyên là Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế (1996-2000), ông có dịp đi nhiều nước trên thế giới, đến những bảo tàng mỹ thuật nổi tiếng và học hỏi được nhiều tinh hoa nghệ thuật của thế giới; đồng thời, ông cũng được kế thừa vốn nghệ thuật sơn mài truyền thống. Vì thế, tranh của Trương Bé mang một sắc thái riêng biệt. Trong sự nghiệp hội họa của mình, ông từng tham gia nhiều triển lãm tại Việt Nam, Pháp, Mỹ, Thái Lan… và được tặng thưởng nhiều giải thưởng, huy chương về nghệ thuật.
Dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn không hề ngơi nghỉ trên con đường nghệ thuật. “Tôi phải làm việc trong 7 năm mới sáng tác đủ tác phẩm triển lãm. Tranh sơn mài rất công phu và mất thời gian. Hơn nữa, phần lớn các tác phẩm này lại là tranh khổ lớn”, họa sĩ Trương Bé cho biết.
Tranh của ông bao giờ cũng thể hiện những chủ đề mang tính trừu tượng có tư tưởng khái quát, như: thời gian, không gian, sự sống... Với tông màu nóng, những đường nét, hình khối như rồng, phụng, con người, cảnh vật... hiện lên trong tranh ông là kết quả sự thăng hoa của nghệ thuật. Xem tranh ông, người thưởng lãm có thể thấy được những bố cục thoáng đãng bất ngờ, những mảng màu vàng son lộng lẫy, những đường nét chằng chịt cuồn cuộn chồng chéo, đè nén lên nhau, lúc hối hả rối rít, khi buông lơi mất hút trong không gian bất tận...
Họa sĩ Trương Bé chia sẻ: “Hội họa biểu hiện trên mặt phẳng bằng hình tượng nghệ thuật. Vì vậy, người họa sĩ phải làm sao để diễn tả được điều tâm tưởng mình nhìn thấy, cảm thấy bằng hình thức cụ thể và theo cấu trúc tác phẩm có nhịp điệu, sự thay đổi, tổng thể của nó để nói lên chủ đề rất trừu tượng”.
Họa sĩ Trương Bé sinh năm 1942 tại Quảng Trị. Năm 1974, ông tốt nghiệp Trường Đh Mỹ thuật Hà Nội rồi công tác tại Trường ĐHNT Huế. Hơn 20 năm trước, khi họa sĩ Trương Bé tổ chức triển lãm tranh trừu tượng đầu tiên tại Huế. Trong những tác phẩm hiện thực trước 1985 của ông, đã phảng phất nét vẽ rắn mạnh, dứt khoát cùng các chấm phá "phi hiện thực".
|
Quan niệm không gian là trời, là đạo và chứa toàn bộ thiên hà, vũ trụ, hành tinh, trong tác phẩm Không gian, ông đã thể hiện sự vận hành tổng thể của các thiên hà bằng các điểm, chấm, đường nét chằng chịt qua lại để người xem có thể cảm nhận được vẻ đẹp của không gian. Qua nét vẽ của ông, với “Mạch nguồn sự sống”, người xem có thể cảm nhận được sự luân chuyển, vận hành, bí hiểm bên trong của sự sống. Bằng ngôn ngữ tượng trưng, sự vận động bên trong được kết nối bằng sợi dây liên lạc được ông thể hiện qua các đường to nhỏ khác nhau...
Khi xem tranh của họa sĩ Trương Bé, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã thốt lên: “Hội họa Trương Bé đi từ hiện thực đến trừu tượng như nước hóa thành mây rồi lặng lẽ rơi về chốn dân gian những giọt hồn mát trong lành và tinh khiết. Ta gặp trong hội họa của ông những đường nét, sắc màu mạnh mẽ, va đập, có sức biểu cảm cuốn hút làm mê hoặc lòng người. Đứng trước tranh ông, người xem như hòa vào không gian kỳ bí huyền ảo do ông tạo ra”. Trên chất liệu sơn mài, tranh của họa sĩ Trương Bé đã làm lay động người thưởng lãm bởi sự cuốn hút thẩm mỹ thị giác không cưỡng nổi và chiều sâu tâm thức đậm nét nhân văn mà ông gửi gắm.
Trang Hiền