ClockThứ Năm, 07/12/2017 13:55

Thế giới trừu tượng của Trương Bé

TTH - Và như lời tựa được chấp bút bởi nghệ sĩ, soạn giả Linh Huyền khi viết về “Thiên - Địa – Nhân”: “Trí tuệ trong tác phẩm tranh sơn mài của họa sĩ Trương Bé được sáng tạo từ trước đến nay như một tích hợp, gộp lại để góp vào kho báu tri thức thị giác của cả nhân loại”.

“Thiên - Địa – Nhân” vào tranh Trương Bé

Họa sĩ Trương Bé (ngoài cùng, bên trái) trong buổi ra mắt triển lãm, và ở phía sau là một trong những tác phẩm trừu tượng cỡ lớn

Trong triển lãm với chủ đề “Thiên - Địa - Nhân” vừa khai trương cuối tuần qua, một lần nữa họa sĩ Trương Bé khẳng định với người yêu nghệ thuật trình độ bậc thầy trong lĩnh vực hội họa trừu tượng ở Việt Nam. Một hành trình mà gần như suốt cuộc đời ông cất công lựa chọn theo đuổi. Hơn 20 tác phẩm bằng chất liệu sơn mài của ông đã "hớp hồn" những ai bước chân vào phòng tranh bên trong khách sạn ở số 8 Hùng Vương, TP. Huế. Những vệt màu trầm mạnh mẽ, biến ảo đưa người xem vào cõi phiêu linh, khám phá không gian vũ trụ bao la với những đường nét chuyển động cuồn cuộn theo vòng xoáy âm dương cùng những ký hiệu mang tính hình tượng.

Trong phần lời dẫn khai mạc triển lãm, họa sĩ - nhà báo Nguyễn Trọng Chức đã phải thốt lên rằng: “Tôi rất ngạc nhiên, bất ngờ. Dường như năng lượng sáng tạo, lao động của ông càng ngày càng mạnh, có thể nói đáng để cho lớp trẻ khâm phục”. Đúng thật, nhìn những tác phẩm của họa sĩ Trương Bé, người xem như thấy mình nhỏ bé, quay cuồng trong vòng xoay đi tìm lời giải giữa vũ trụ bao la. Dù ở kích cỡ nào, tác phẩm trừu tượng của Trương Bé cũng được đầu tư kỳ công, luôn mạnh mẽ nhưng hài hòa giữa độ sâu của màu sắc cùng nét chuyển động rất linh hoạt, tinh tế.

“Đào nguyên” - một trong những tác phẩm trừu tượng được trưng bày trong đợt triển lãm lần này

Kể về quá trình tạo nên “Thiên - Địa – Nhân”, họa sĩ Trương Bé bảo ông đã ấp ủ trong tâm thức ông hàng chục năm. Với ông, con người là một thực thể trong trời đất, là một phần của vũ trụ và luôn cảm nhận được vẻ đẹp tồn tại quanh đó. Bất cứ lúc nào cũng có thể hấp hút năng lượng của đất trời, vũ trụ, để từ đó cảm nhận từng chuyển động không ngưng nghĩ. “Tôi là nghệ sĩ, tôi cảm nhận rồi thì việc tiếp theo là biểu hiện. Phải biểu hiện để chia sẻ đến với người xem, để họ cùng cảm nhận... – ông lý giải – Tôi nhìn trời đất, vũ trụ với sự vận hành theo quy luật huyền bí, bất biến. Từ đó tôi phản ánh, sáng tạo, tái tạo cái mình cảm nhận được bằng ngôn ngữ hội họa trừu tượng. Trừu tượng không thực nhưng ẩn chứa nhiều điều sâu kín của cái thực. Thật ra trừu tượng gần gũi với hiện thực đời sống, cho nên nói trừu tượng chẳng khác gì như ta cảm nhận một bản nhạc không lời. Người thưởng ngoạn có thể cảm nhận mọi góc độ, phương diện khác nhau”.

Với triết lý ấy, họa sĩ Trương Bé cần mẫn vẽ nên những tác phẩm theo tâm tưởng, cảm xúc của con tim với nhận thức về thế giới quan, nhân sinh quan của ông đối với đất trời, vũ trụ. Khi mỗi tác phẩm hoàn thành, nó luôn đứng độc lập với tác giả. Cho đến khi treo lên khán phòng, mở cửa chào đón người xem, những đứa con tinh thần “Đào nguyên”, “Sự sống”, “Biến ảo”... đã tự mình đối thoại với người thưởng ngoạn. Tùy theo cảm xúc, mỗi người sẽ cảm nhận phần nào đó ẩn chứa mà Trương Bé đã bộc lộ ra. “Tất nhiên, không hoàn toàn giống với suy nghĩ của tôi, nhưng chỉ cảm nhận được một phần là quý rồi. Chính điều đó đã nuôi dưỡng tâm thức con người”.

Không gian triển lãm “Thiên - Địa - Nhân” của họa sĩ Trương Bé

Giữa không gian ấy, người xem tự chiêm nghiệm và đi tìm, tìm trời đất, tìm vũ trụ cho riêng mình. Chăm chú vào từng tác phẩm của thế hệ đàn anh, họa sĩ Đặng Mậu Tựu cũng trầm trồ khi nói phong cách của họa sĩ Trương Bé không thể lẫn vào đâu được. Ông nói, với người họa sĩ hoặc thay đổi để “biến dạng”, hoặc đào sâu để đi tìm tận gốc rễ. Trương Bé thuộc lớp họa sĩ vế sau, và nhờ thế tranh của ông luôn giá trị bởi đã "đào sâu" vào nghệ thuật.

Và như lời tựa được chấp bút bởi nghệ sĩ, soạn giả Linh Huyền khi viết về “Thiên - Địa – Nhân”: “Trí tuệ trong tác phẩm tranh sơn mài của họa sĩ Trương Bé được sáng tạo từ trước đến nay như một tích hợp, gộp lại để góp vào kho báu tri thức thị giác của cả nhân loại”.

Cùng góp mặt tại triển lãm “Thiên - Địa – Nhân” lần này còn một số tác phẩm vẽ trên giấy dó về chủ đề người phụ nữ của nữ họa sĩ Thanh Dung đến từ Đức theo lời mời của họa sĩ Trương Bé. Bằng đường nét đơn giản, nhưng tác phẩm của nữ họa sĩ thể hiện rất sống động, hút hồn người xem. Triển lãm diễn ra tại không gian trưng bày khách sạn Imperial (8 Hùng Vương, TP. Huế) đến hết ngày 12/12.

Họa sĩ Trương Bé sinh năm 1942 tại Quảng Trị. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội năm 1974, ông công tác tại Trường ĐH Nghệ thuật Huế và nguyên Hiệu trưởng trường (1996-2000). Ngoài ra, ông từng đảm nhận vai trò như Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành Hội họa - Hội mỹ thuật Việt Nam, khóa IV (1994-1999); Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa IV (1994-1999), khóa V (1999-2004), khóa VI (2004-2009); thành viên hội đồng nghệ thuật Trung ương Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa V (1999-2004), khóa VI (2004-2009)

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Y tế kỹ thuật cao: Tạo đà bứt phá, vươn tầm

Năm 2023, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong các đơn vị y tế của cả nước về phát triển các kỹ thuật cao: Ghép tạng, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, lĩnh vực ung thư, đột quỵ, tim mạch...

Y tế kỹ thuật cao Tạo đà bứt phá, vươn tầm
HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G20:
Thế giới trông chờ bước đột phá trong đàm phán khí hậu

Tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), từ ngày 18 - 19/11, các nhà lãnh đạo sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), với chủ đề “Xây dựng thế giới công bằng và hành tinh bền vững”, nhằm giải quyết một loạt vấn đề từ đói nghèo đến cải cách các thể chế toàn cầu.

Thế giới trông chờ bước đột phá trong đàm phán khí hậu
Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê

Đọc Trần Băng Khuê, tôi không có cảm giác đang chạm vào một cấu trúc hư cấu kiểu mẫu, mà đang mò mẫm bước qua từng không gian luôn khép kín, chỉ có một cánh cửa để mở vào một không gian khác và cứ thế dẫm lên những siêu hiện thực không ngừng được bày ra.

Có một thế giới truyện ngắn Trần Băng Khuê
Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11 - 22/11 đưa tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu trở lại chương trình nghị sự quốc tế.

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới
Return to top