ClockThứ Bảy, 05/12/2020 14:46

Triển lãm “ảo ảnh” của hai họa sĩ song sinh Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải: Tư duy nghệ thuật luôn động không có bờ bến

TTH - Ra mắt dự án nghệ thuật mới sau hơn hai năm “thai nghén”, triển lãm “Ảo ảnh” của cặp họa sĩ song sinh Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải (trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng từ 28/11 đến 6/12) gửi đến người xem nhiều thông điệp về văn hóa Huế.

Anh em họa sĩ họ Lê ra mắt dự án nghệ thuật mớiTriển lãm 150 tác phẩm ký họa di sản HuếThông điệp bình đẳng giới ở triển lãm “chuyện quả dâu”

Triển lãm “Ảo ảnh” giới thiệu đến công chúng 23 tác phẩm, trong đó có 19 bức tranh và 4 chum gốm lớn được cặp họa sĩ song sinh họ Lê thực hiện từ cuối năm 2017 đến giữa 2020. Đây không phải là một dự án đơn độc, mà nằm trong những trạm thực nghiệm nghệ thuật do hai họa sĩ thực hiện trong nhiều năm qua về các chủ đề lớn: Bạo lực, lịch sử, sự kết nối và đặt chúng trong trường suy nghĩ được tạo ra bởi những va đập liên tục của cuộc sống thực tại.

Cảm nhận bên ngoài, tranh Thanh - Hải có vẻ rối rắm nhưng ẩn đằng sau đó là sự tĩnh lặng, man mác, như ẩn như hiện trầm tích văn hóa Cố đô. Chuỗi tác phẩm là câu chuyện của văn hóa Huế, thể hiện tinh thần làm nghệ thuật gắn liền với văn hóa. Văn hóa Huế, kiến trúc Huế với những họa tiết đám mây, thủy ba, đuôi rồng, cổng Đại Nội… đại diện cho nét trang trí, kiến trúc của cung đình Huế như bị che lấp bởi cuộc sống hiện đại.

Trong dự án nghệ thuật này, anh em Thanh – Hải không sao chép lại những biểu tượng, hình ảnh, vốn cổ của văn hóa Huế mà là sự biến chuyển từ ký ức đến hiện thực, tương lai được nghệ sĩ đào luyện, chắt chiu những điều cảm nhận được và đặt vào tác phẩm. Hình ảnh văn hóa Huế đọng lại trong tác phẩm là sự suy tư, chắt lọc từ quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa chứ không phải sáng tạo tác phẩm bằng cách sử dụng hình ảnh như thông thường.

Họa sĩ Lê Đức Hải chia sẻ: “Bề dày văn hóa lịch sử, sự đổi thay của quê hương, đất nước, đặc biệt là văn hóa triều Nguyễn ảnh hưởng nhiều đến thế hệ chúng tôi. Chúng tôi nghĩ, tại sao mình sống và làm việc ở Huế mà không làm một dự án có thể khái quát được vùng đất mình sống, thể hiện sức ảnh hưởng của văn hóa đối với nghệ sĩ và thế hệ trẻ trong cuộc sống đương đại. Ý tưởng “Ảo ảnh” vừa có thật vừa không có thật, là hình ảnh phản chiếu sự suy tư của quá trình nghiên cứu về văn hóa”.

Chùm tác phẩm trong triển lãm “Ảo ảnh” của hai anh em họa sĩ Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải

Để thực hiện dự án này, anh em họa sĩ Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải dành thời gian nghiên cứu về văn hóa Huế, lịch sử triều Nguyễn, kết hợp giữa văn hóa truyền thống với suy nghĩ của người nghệ sĩ để người xem có thể cảm nhận được văn hóa, con người, tình cảm thông qua dự án nghệ thuật bằng tranh sơn mài. Từ tư liệu nghiên cứu, họ thể hiện những kiến thức về văn hóa cung đình triều Nguyễn trong tác phẩm nghệ thuật đương đại bằng hình thức 2D lên tranh vẽ và 3D lên chum.

Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn nhận xét, vượt qua khỏi khuôn khổ của những thực hành hạn chế theo loại hình như hội họa hay gốm bó buộc bởi các thao tác cơ học trên vật chất, “Ảo ảnh” cho thấy một diễn trình về tư duy với những tranh cãi, ẩn ức, truy vấn, phản tư của hai cá nhân phản chiếu qua lại lẫn nhau và nghệ thuật là kết quả cuối cùng. Tính liên tục của ý tưởng được phát triển theo cách đối chọi tương hỗ của biện luận, theo cách thức riêng biệt của cặp song sinh họ Lê.

Bằng chất liệu tổng hợp, trong đó chủ đạo là sơn mài, triển lãm cũng thể hiện sự thể nghiệm mới của hai nghệ sĩ. Các bức tranh được xử lý bằng kỹ thuật làm tranh sơn mài, nhưng không quá phụ thuộc vào kỹ thuật truyền thống mà kết hợp nhiều thủ pháp và vật liệu tự nhiên, công nghiệp để tạo nên hiệu quả thị giác. Các chum gốm là cách thể nghiệm khác của hội họa bề mặt phẳng lên vật thể 3 chiều trong chuỗi sáng tác, vừa có sự thống nhất về ngôn ngữ thị giác của tranh, nhưng vẫn phảng phất sự độc lập uy nghi của Cửu đỉnh – tập hợp các cảnh sắc và sản vật vùng miền.

Theo nhà báo Nguyễn Trọng Chức, triển lãm “Ảo ảnh” là sự đầu tư mới mẻ của anh em Thanh – Hải, tạo nên bất ngờ cho giới nghiên cứu, phê bình. Với dự án này, hai anh em nghệ sĩ một lần nữa định hình tư duy nghệ thuật luôn động và không có bờ bến. Cách sử dụng sơn mài truyền thống kết hợp với những cách tân trong kỹ thuật, pha trộn biểu tượng truyền thống xứ Huế với cảm quan đương đại thể hiện tư duy nghệ thuật rất lạ, nhất là cách thể hiện sơn mài trên chum đầy bất ngờ.

Bài, ảnh: Trang Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
Nguyen Van He’s Art Barracks – nơi tác phẩm được tạo bởi tàn tích chiến tranh

Nguyen Van He’s Art Barracks vừa là không gian sáng tác, vừa là tổ ấm của gia đình nghệ sĩ sinh hoạt hàng ngày. Cũng chính nơi này, nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè – chủ nhân của không gian đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm nghệ thuật trên nền chất liệu do anh sưu tập được từ tàn tích của chiến tranh.

Nguyen Van He’s Art Barracks – nơi tác phẩm được tạo bởi tàn tích chiến tranh
Triển lãm dầu khí quốc tế tập trung vào AI và chuyển đổi năng lượng bền vững

Hội nghị và Triển lãm Dầu khí quốc tế Abu Dhabi (ADIPEC) 2024, một sự kiện hàng đầu của ngành dầu khí đang được tổ chức từ ngày 4 - 7/11 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Năm nay, ADIPEC nêu bật các chủ đề về trí tuệ nhân tạo (AI) và quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững.

Triển lãm dầu khí quốc tế tập trung vào AI và chuyển đổi năng lượng bền vững
Có “Một mùa thu chưa xa” rất riêng của Trần Vĩnh Thịnh

Họa sĩ xứ Huế - Trần Vĩnh Thịnh đã đưa triển lãm “Một mùa thu chưa xa” của mình đến với công chúng yêu nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh. Triển lãm khai mạc chiều 3/11 tại không gian Maii Art Space (72/7 Trần Quốc Toản, quận 3, TP. Hồ Chí Minh).

Có “Một mùa thu chưa xa” rất riêng của Trần Vĩnh Thịnh

TIN MỚI

Return to top