Tác phẩm “Lài” của Lê Quốc Hoàn
Trưng bày tại không gian nghệ thuật mới của Be Café (33 kiệt 6, thôn Ngọc Anh, Phú Thượng, Phú Vang) từ ngày 14/11 đến 14/12, triển lãm “Chuyện quả dâu” giới thiệu đến người xem 30 tác phẩm của hai nghệ sĩ Lê Thị Linh và Lê Quốc Hoàn. Bằng chất liệu acrylic, sơn dầu, tre đan, video art…, các tác phẩm tôn vinh hình ảnh người phụ nữ và lan tỏa nhận thức về bình đẳng giới.
Mang đến triển lãm 19 tác phẩm về hình ảnh người phụ nữ mang thai, nghệ sĩ Lê Quốc Hoàn thể hiện sự chịu đựng và mong muốn được giải phóng của người phụ nữ trong xã hội vẫn còn bất bình đẳng giới. Mỗi tác phẩm được Hoàn đặt một tên riêng: “Lan”, “Hương”, “Liễu”, “Lài”… như thể hiện thân phận của một nhân vật cụ thể, nhưng tất cả họ đều có chung chịu đựng định kiến xã hội.
Tác phẩm “Cánh cửa” của Lê Thị Linh
Lê Quốc Hoàn đặc biệt yêu thích tạo hình người phụ nữ mang thai bởi với anh, họ là hiện thân của thiên tính nữ với những vẻ đẹp mềm mại, dịu dàng. Hơn nữa, họ đang mang một thế hệ kế tiếp và sự đấu tranh cho quyền bình đẳng giới là sự nối tiếp nhiều thế hệ. Ở góc độ tạo hình, những đường cong nặng nề nhưng đầy uyển chuyển cũng thể hiện nội tâm nhân vật căng đầy sự dồn nén, chịu đựng, cần sự đồng tình, sẻ chia từ mọi giới, đặc biệt là đàn ông.
Ngoài tranh vẽ, người xem khá hứng thú với video art “Câu chuyện người phụ nữ” của Lê Quốc Hoàn. Trong không gian mờ nhạt của căn phòng tối, một người phụ nữ lặng lẽ làm những công việc quen thuộc: khâu vá, thêu thùa, dọn dẹp nhà cửa… Cũng người phụ nữ ấy lại nhảy múa hân hoan, có khi nằm bất động trên sàn như cam chịu, khi cuồng loạn như muốn được giải thoát khỏi những định kiến, sự phân biệt đối xử để vươn ra thế giới bên ngoài song cửa.
Nghệ sĩ Lê Quốc Hoàn còn sáng tác nhiều tượng bằng tre đan về người phụ nữ mang thai. Đây là những tác phẩm do anh tự làm tất cả các công đoạn, từ chẻ tre, vót tre, đan tre... rồi dán giấy bồi truyền thống.
Lê Quốc Hoàn cho biết: “Tôi rất thích sáng tạo với các chất liệu truyền thống. Khi làm tượng, tôi không sử dụng gỗ, sắt, đá mà chọn tre vì đây là chất liệu rất gần gũi với con người Việt Nam. Bản thân cây tre cũng mềm mại nhưng đầy mạnh mẽ, như đặc tính của người phụ nữ”.
Theo đuổi chủ đề bình đẳng giới hơn 15 năm nay, nghệ sĩ Lê Quốc Hoàn thể hiện câu chuyện này bằng nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau: vẽ tranh, vẽ trên gốm, làm video art, làm tượng…
11 bức tranh của Lê Thị Linh là lời tự sự khách quan về giới tính bằng ngôn ngữ hội họa, không phải để tìm kiếm sự thấu hiểu, cảm thông, đối xử công bằng mà là sự giải tỏa tâm lý khi được là chính mình. Đó là ý định phản tỉnh tâm lý đóng khung, gán ghép tuỳ tiện, nhận định vội vàng sự việc bằng lăng kính, định kiến xã hội; là sự tự tại, thong dong, vô tư cho dù bản thân đang là giới tính nào, mở ra cho cuộc đời mình nhiều lối đi, cánh cửa mới bằng chính sự tự tin, tinh thần lạc quan.
Tác phẩm “Trang” của Lê Quốc Hoàn
Những mong muốn, suy tư của Linh về cuộc đời dồn nén rất lâu được tuôn trào qua nét cọ, trong thời gian ngắn, 11 bức tranh được Linh hoàn thành. Trong bức tranh “Caro”, Linh thể hiện ván cờ của cuộc đời, trong ván cờ ấy không có sự phân chia giai cấp, vai vế, giới tính mà mọi người đều được đối xử bình đẳng.
Với tác phẩm “Cánh cửa”, Linh thể hiện hình ảnh thong dong của một nhân vật mang giới tính thứ ba trước sự kỳ thị của xã hội. Dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng nhân vật trong tranh vẫn tự tin, bản lĩnh vượt qua, ao ước được sống đúng với con người của mình.
Theo hai nghệ sĩ Lê Quốc Hoàn và Lê Thị Linh, bình đẳng giới không phải là chủ đề mới nhưng câu chuyện bất bình đẳng giới vẫn là vấn đề dai dẳng, dồn nén từ lâu và tương lai vẫn còn là một nỗi đau. Những định kiến của xã hội về giới khiến con người cảm thấy áp lực. Người nghệ sĩ muốn thông qua nghệ thuật góp thêm tiếng nói thức tỉnh, với niềm mong xã hội không còn sự phân biệt, định kiến về giới, người phụ nữ sẽ được tôn vinh và được coi trọng hơn.
Bài, ảnh: TRANG HIỀN