ClockThứ Năm, 28/03/2013 05:54

Ước vọng phục hồi một dòng tranh

TTH - Từ tháng 10 năm ngoái, bà Nguyễn Thị Đông, một người vẽ tranh gương giữ với tôi cái hẹn khi có người đặt hàng sẽ mời về xem. 5 tháng trôi qua, màu sơn và cọ vẽ để dành đã khô lại, bà ngậm ngùi khi gặp tôi: "Ngó bộ dòng tranh ni đã hết đường sống rồi con ơi…"

Đi tìm bóng xưa

Tranh gương dùng chất liệu là bột màu pha keo (hoặc sơn), được vẽ vào mặt sau của gương theo kỹ thuật vẽ ngược (tức là âm bản ở mặt sau, khi lật tấm gương lại là nhìn mặt dương bản). Dưới đôi bàn tay tài hoa của người vẽ, một số tác phẩm còn được cẩn xà cừ hoặc tráng bạc rất độc đáo. Theo một số nhà sưu tầm tranh gương cổ, sau khi thợ vẽ tranh gương của người Hoa được triều đình mời sang vẽ một số bức trang trí cho hoàng cung, có người truyền nghề cho một số người Huế khéo tay(?) Con phố Phan Đăng Lưu ngày trước từng nổi tiếng với nhiều hiệu tranh gương nhưng nay đã vắng bóng nghề xưa.
 

Một bức tranh gương vẽ phong cảnh gần 80 tuổi

 
Bà Nguyễn Thị Đông, thế hệ thứ ba nối nghiệp làm tranh gương trong một gia đình truyền thống xót xa: “Thời ông nội, ba tui lấy nghề ni mưu sinh nuôi cả nhà. Tranh thờ cúng dạo ấy rất thịnh, ngoài ra còn vẽ tranh theo lối tuồng tích: tùng lộc, mai điểu, lâm ngư… Dạo mới giải phóng, nhà tui còn vẽ tranh trang trí trên tủ kính, nay thì thưa vắng hẳn. Thi thoảng có người đặt hàng, tui làm cho đỡ nhớ nghề thôi. Tết mấy năm trước, những nhà khá giả ở Sài Gòn thường ra đặt tranh nhưng năm ni chẳng thấy bóng ai”. Không để tinh hoa nghề mai một, những người anh em, cháu chắt của bà Đông dần chuyển sang làm những công việc liên quan đến hội hoạ như vẽ diều. Và một lần nữa, tinh hoa hội hoạ từ tranh gương đã định danh họ trong giới chơi diều như: Nguyễn Văn Cư, Nguyễn Văn Hoàng…
 

Những bức tranh gương mới tại nhà ông Dương Đình Vinh

 
 
Yêu mến những tác phẩm tranh gương đẹp trong dân gian, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đã bỏ nhiều công sức cho công việc sưu tầm và đến nay, ông tạm hài lòng với bộ tranh gương đang sở hữu. Đây là dòng tranh vẽ theo mô tuýp tuồng tích cổ và tranh vẽ theo lối hiện đại. Du khách vào vườn Ý Thảo chiêm ngưỡng bộ tranh đều trầm trồ trước những sắc màu phong phú, hoạ tiết kỳ ảo. Không chỉ bị thu hút về mặt giá trị, người xem còn thấy được tấm lòng trân trọng của chủ nhân trước một dòng sản phẩm mỹ thuật độc đáo Huế xưa. Có nhiều bức tranh cổ được chủ nhân trước của chúng gìn giữ một cách kỹ lưỡng; mất khá nhiều thời gian với một cái giá xứng đáng sự “trân quý”, ông Hoa mới sở hữu được chúng. Theo chủ nhân nhà vườn Ý Thảo, sở dĩ tranh gương không còn xuất hiện nhiều là bởi không có đầu ra. Nghề vì vậy mà mai một dần.
 
Đợi thời cơ
 
Cũng là thế hệ thứ ba giữ nghề tranh gương, chị Trần Thị Minh Phụng ở phố cổ Bao Vinh vẫn còn nung nấu ý định khôi phục sản phẩm truyền thống của gia tộc một ngày gần đây. Theo lời chị Phụng, đời ông nội (Trần Minh Trạm) đã làm ra những bức tranh gương cẩn xà cừ độc đáo đến nỗi sau giải phóng, nhiều nhà sưu tầm đồ cổ đều tìm đến xin mua. “Tranh nhà mình dùng cây cọ được làm từ lông nách một loài thú nên nét vẽ rất mềm mại. Phía sau tranh gương có lớp váng hậu chống thấm, theo thời gian tranh chuyển sang màu tử rất độc đáo. Tuổi thọ tranh rất cao, trừ khi bị vỡ. Cách pha màu tranh cũng rất đặc biệt, chỉ cần nhìn nước màu là “điểm mặt” được tranh gương nhà Trần Minh ngay”, chị Phụng tự hào.
 
Từ những năm 90, gia đình chị Phụng phất lên nhờ làm tranh gương du lịch. Mỗi bộ tranh khổ 25cm x 45cm có giá 100 USD. Tranh được ký gửi ở một số khách sạn tại Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và được nhiều khách Pháp ưa chuộng. Tuy nhiên, do vấn đề vận chuyển, bảo quản tranh đường dài khó khăn nên vài năm sau đó, chị phải chuyển nghề, mưu sinh ở ngoại tỉnh. Chút năng khiếu vẽ tranh gương cũng giúp tôi sống tốt ở ngành thiết kế thời trang. “Lần này về quê, tôi đang tìm người hùn vốn để mở lại shop tranh gương lưu niệm. Và lần này sẽ làm ăn chắc chắn hơn sau nhiều lần vấp ngã trên thương trường”, chị Phụng không giấu giếm ý định táo bạo của mình.
 
Nuôi ý tưởng phục hồi lại dòng tranh gương khá lâu, ông Dương Đình Vinh, một người sưu tập nhà rường cổ đã thử nghiệm dòng tranh gương vẽ theo mô tuýp tranh Đông Hồ. Kết quả rất khả quan bởi chúng mang lại cho người xem một cảm giác mới lạ. Nhiều bạn bè, khách đến thăm ngôi nhà cổ của ông trên đường Xuân 68 đều muốn mua lại những bức tranh gương nói trên nhưng ông không bán. Ông Vinh thổ lộ: “Đây là tác phẩm của một người bà con của tôi. Tôi có ý định sẽ mời một số sinh viên hội hoạ tham gia kế hoạch làm lại dòng tranh này phục vụ trang trí nội thất nhưng e là khó. Mọi chuyện không hề giản đơn như mình nghĩ, trong khi người nắm kỹ thuật làm tranh gương càng già yếu…”
 
Vậy là đã có những tín hiệu vui, tôi đã thông tin cho những người có chung mục đích để họ tìm đến nhau. Không biết họ có bén duyên nhau trong giấc mơ phục hồi tranh gương hay không nhưng tôi vẫn hy vọng.
Tuệ Ninh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc triển lãm tranh Trúc Chỉ “Giao của mùa – Cảm ơn mùa hè”

Chiều 17/7, Tạp chí Sông Hương và Công ty TNHH Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam phối hợp tổ chức triển lãm tranh mang chủ đề “Giao của mùa – Cảm ơn mùa hè” tại Tòa soạn Tạp chí Sông Hương (số 9 Phạm Hồng Thái, TP. Huế). Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế tham dự.

Khai mạc triển lãm tranh Trúc Chỉ “Giao của mùa – Cảm ơn mùa hè”
Quảng Điền - miền cảm hứng sáng tạo

Về Quảng Điền, nghe trong gió văng vẳng câu hát người xưa: “Phá Tam Giang rộng lắm ai ơi!/Có ai về Sịa với tôi thì về/Đất Sịa có lịch có lề/Có sông tắm mát, có nghề làm ăn”...

Quảng Điền - miền cảm hứng sáng tạo
Dạo chơi vườn ngũ sắc

Hưởng ứng Festival Huế 2024, ngày 8/6 tới đây, các họa sĩ Huế và yêu Huế sẽ về miệt vườn Kim Long hoa trái để trưng bày tranh với chủ đề “Dạo chơi vườn Huế”. Cuộc dạo chơi sẽ được bài trí bởi 39 bức tranh của 7 tác giả, là những bước chân qua những góc vườn ngũ sắc, với những câu chuyện xao động sắc màu của nắng gió vườn xanh, những tự tình hàn huyên của lá và hoa trong những góc vườn Huế vừa tĩnh lặng vừa sôi động…

Dạo chơi vườn ngũ sắc
Kể chuyện lịch sử bằng ký họa

Những tác phẩm ký họa của họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên đã tái hiện được những năm tháng lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ của dân và quân Bình Trị Thiên với những góc nhìn chân thật về cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ. Nhiều tác phẩm trong số đó sáng tác trong thời kỳ tham gia kháng chiến và lần đầu tiên được công bố đến công chúng với tên gọi “Miền ký ức”.

Kể chuyện lịch sử bằng ký họa
“Những người bạn” tụ hội về Huế

Họ dù ở nhiều thế hệ, sống ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng có chung niềm đam mê với hội họa để rồi còn hẹn hò về Huế triển lãm. Với họ, Huế là vùng đất để lại rất nhiều kỷ niệm không chỉ trong sáng tác mà còn ở tình bằng hữu, tình của những người nghệ sĩ với nhau.

“Những người bạn” tụ hội về Huế
Return to top