|
|
Với 600 trang viết, “Nặng hơn cầm phấn” trình bày những nhận định, đánh giá về thơ văn của 23 tác giả là cựu sinh viên Ban Việt văn-Việt Hán (nay là Khoa Ngữ văn) của Trường ĐHSP Huế. Ảnh: MT |
Chia sẻ tại buổi giới thiệu sách, TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy cho rằng, Huế là vùng đất của những tinh anh, tinh hoa. Trong trầm tích văn hóa Huế có giá trị của Trường đại học Sư phạm (ĐHSP) Huế với những vỉa tầng văn hóa của Ban Việt văn-Việt Hán, vốn là tiền thân của Khoa Ngữ văn ngày nay. Khi đọc tiểu sử của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Ngô Kha, Túy Hồng, Nguyễn Mộng Giác, Trần Quang Long, Trần Thùy Mai…, chúng tôi có một phát hiện thú vị: Tất cả họ đều xuất thân từ Ban Việt văn - Việt Hán của Trường đại học Sư phạm Huế. Và những người có tên trong tập sách này, quá nửa trong số họ là những tên tuổi thật sự của nền văn học Việt Nam hiện đại”.
Vì lẽ ấy, “Nặng hơn cầm phấn” nặng trĩu trên tay bạn đọc khi được chạm vào những vỉa tầng văn hóa với Ngụ ngôn của người đãng trí (1969) của nhà thơ-liệt sĩ Ngô Kha. Những vần thơ “đi về hướng mặt trời” của Trần Quang Long, tác giả của bài thơ bất hủ Thưa mẹ, trái tim.
600 trang sách cũng giúp độc giả chạm đến vẻ đẹp văn hóa truyền thống Việt trong “Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng Giác. Có cả những vần thơ cô độc của Tường Phong - một sự cô độc mà ở đó, nỗi đau đã khiến nhà thơ trở nên thánh thiện.
Thêm nữa là hành trình tìm về thiên nhiên, hành trình đến với đạo của nhà giáo-nhà văn-võ sư Nguyễn Văn Dũng-tác giả của bộ tứ bút ký: Linh sơn mây trắng, Đi tìm ngọn núi thiêng, Lời tự tình của một dòng sông, Nhớ con sông quê nhà; là “trăm năm còn lại” của Trần Duy Phiên; là hành trình với những day dứt đi tìm cái tôi bản thể của Tần Hoài Dạ Vũ. Cũng là những trang viết thấm đẫm Huế của Trần Kiêm Đoàn và cả “nỗi buồn rực rỡ” của Quế Hương…
|
|
Nhà thơ Ngô Kha, cựu sinh viên Ban Việt văn-Việt Hán niên khóa 1958-1959-một trong những nhà giáo cầm bút tài hoa của văn học Việt Nam đương đại. Ảnh: MT |
Bạn đọc cũng có dịp được tri âm với Trần Thùy Mai - tác giả của 15 tập truyện ngắn, 3 truyện dài và tiểu thuyết (Người khổng lồ núi bạc; Từ Dụ Thái Hậu, Công chúa Đồng Xuân) với sự khác biệt đến từ cổ điển và lịch sử từ góc nhìn nữ tính; hiểu thêm về Vĩnh Quyền với cấu trúc nghệ thuật tiểu thuyết Trong vô tận cùng những nhân vật “mảnh vỡ” qua những trang viết nặng đầy tri thức văn hóa dân tộc…
Chọn lấy nghiệp cầm phấn, họ-những nhà giáo-còn lãnh thêm bổn phận cầm bút, để những trang văn có khi nhuốm nỗi đau chiến tranh, có khi nhức nhối những vấn đề nhân sinh hiện thời… đều đã thắp lên một ngọn đuốc, góp phần soi đường cho những thế hệ, không chỉ trước năm 1975, với tinh thần dân tộc, lòng yêu văn chương, yêu tiếng Việt tha thiết và khát vọng đi về phía mặt trời.
Cuốn sách cho thấy tại cái nôi ĐHSP Huế đã sản sinh ra một thế hệ những người thầy, những nhà giáo cầm phấn và cầm bút kỳ lạ không chỉ tài hoa, mà còn giàu khí chất.
Và để vỉa tầng văn hóa, khí chất mang danh hiệu “cựu sinh viên Ban Việt văn-Việt Hán” ấy xuất lộ trên 600 trang sách, những người biên soạn đã thực sự trải qua hành trình khảo cổ và khai quật trong 5 năm. Bởi không ít trường hợp sách thì đã mất, người thì không còn…
|
|
Thế hệ cựu sinh viên Ban Việt văn-Việt Hán đã ngoài 70, 80 hội ngộ nhân ngày ra mắt sách tại Huế sáng 6/5/2023. Ảnh: MT |
“Có lẽ chưa có nơi nào, khoa nào, trường nào có một công trình học thuật đầy ý nghĩa và xứng đáng với các nhà văn vốn là nhà giáo như “Nặng hơn cầm phấn”. Một cuốn sách mà từ đối tượng nghiên cứu là các nhà văn cho đến chủ thể nghiên cứu là người chủ biên, đội ngũ 5 tác giả (ở bìa sách), hoạ sĩ thiết kế bìa, người sửa bản in, người đọc thẩm định khoa học và viết lời bạt, người biên tập của NXB Hội Nhà văn...đều là cựu sinh viên của Ban Việt Hán và của khoa Ngữ Văn, Trường ĐHSP Huế. Đó là điều độc đáo của cuốn sách này”. TS. Nguyễn Tịnh Thy khẳng định.
Nhà văn Trần Thùy Mai đã không ngần ngại bày tỏ lòng hàm ân đối với đội ngũ những người làm sách khi gọi họ là những người dũng cảm đã đẩy một cánh cửa, để những cánh cửa khác sẽ được mở.
Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, TS.Nguyễn Văn Thuấn -Trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Huế hy vọng, sau thành công của “Nặng hơn cầm phấn”, một ngày không xa, bộ “tùng thư” về những văn nhân nghệ sĩ tài hoa khác sẽ có mặt trong tủ sách của Khoa Ngữ văn.
Cổ nhân từng cho rằng: Chuyện văn chương là chuyện ngàn năm. Được hay mất, thành hay bại cũng chỉ là tấc lòng mình biết…Nhưng với công trình này, tấc lòng đó không chỉ của riêng người sáng tác, mà còn là của người nghiên cứu - của hậu thế với tiền nhân. Tấc lòng đó của các tác giả “Nặng hơn cầm phấn” quả là nặng chữ, nặng nghĩa, nặng tình…
Với 600 trang viết, “Nặng hơn cầm phấn” trình bày những nhận định, đánh giá về thơ văn của 23 tác giả là cựu sinh viên Ban Việt văn-Việt Hán (nay là Khoa Ngữ Văn) của Trường ĐHSP Huế, bao gồm: Ngô Kha, Túy Hồng, Nguyễn Mộng Giác, Trần Quang Long, Tường Phong, Nguyễn Văn Dũng, Tiêu Dao Bảo Cự, Trần Duy Phiên; Đông Trình, Tần Hoài Dạ Vũ, Trần Kiêm Đoàn, Quế Hương, Lê Nhược Thủy, Vĩnh Quyền, Trần Văn Hội, Trần Hoàng Phố, Nguyễn Công Thắng, Tôn Nữ Thu Thủy, Hoàng Văn Trương, Nguyễn Thị Duyên Sanh, Hồ Sĩ Bình, Trần Thùy Mai, Trần Xuân An
|